“Đất nước Campuchia đã giải phóng được hơn 30 năm rồi mà ở vùng sâu còn nhiều khó khăn này, quả thực nhiều lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo tỉnh cũng chưa từng đặt chân tới” - câu nói thiệt tình của bà Mean Sam An - Thượng nghị sĩ, Chủ tịch Hội Phụ nữ Campuchia vì hòa bình và phát triển khiến mỗi thành viên trong đoàn khám bệnh từ thiện của Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM càng thêm nôn nóng mong cho tàu sớm cập bến. Vùng đất khó ấy chính là ấp Kót Keo, xã Rang Tưl, huyện Kan Điêng, tỉnh Pursat thuộc khu vực Biển Hồ Campuchia.
Nhớ tiếng quê hương
Từ trung tâm tỉnh Pursat, sau hơn 1 giờ ngồi xe đò, 3 giờ đi ghe máy trên Biển Hồ, chống xuồng luồng lách qua những khúc sông hẹp ken dầy lục bình, cây ma dương và cỏ dại, đoàn đến được điểm tập kết. Đó là một khu đất trống hiếm hoi giữa mênh mông sóng nước. Đây cũng là nơi đứng chân ngôi trường tiểu học của xã.
Dưới nắng trưa gay gắt, hơn 500 người đã tập trung trước sân trường để chuẩn bị khám bệnh, nhận quà - một khái niệm lạ lẫm mà với nhiều người, đây là lần đầu tiên trong đời họ được nghe. Chị Nguyễn Thị Đan hồ hởi: “Biết có đoàn từ Việt Nam qua khám bệnh, phát quà, tui hối bà chị chèo xuồng đi từ hồi khuya. Chèo hơn 4 tiếng mới tới được đây. Ra khám bệnh, lấy quà, vừa nhìn mặt, nghe tiếng bà con mình cho đỡ nhớ”. Chị Đan quê gốc An Giang, qua Campuchia từ năm 1980 rồi lấy chồng, sinh con, sinh sống tại Biển Hồ bằng nghề chài lưới. 4 đứa con của chị đều thất học, đều đã lập gia đình và “nhập hộ khẩu” Biển Hồ. Biển Hồ có thêm 4 chiếc xuồng lênh đênh sóng nước. Dang nắng bạc mặt mà vẫn nghèo. Từ hồi qua đây tới giờ, chị Đan chưa một lần về thăm quê. Chị cười buồn: “4 đứa con, đứa nào cũng nói được tiếng Việt nhưng không biết đọc, biết viết. Lâu lâu kiếm được tờ giấy báo gói khô, gói trái cây từ Siêm Riệp đưa vô có chữ Việt, tui chỉ biết kêu tụi nó vô rồi nói: “Chữ mình đó!”, rồi thôi. Tới đời cháu, chắt chắc quên hết tiếng quá”.
Sau khi nhận quà, kiều bào và dân nghèo Campuchia được hướng dẫn vào khám bệnh. Một lớp học được trưng dụng làm phòng khám dã chiến. Chiếc bàn học xiêu vẹo thành bàn kê đơn, đo huyết áp, chiếc ghế lung lay chân được dùng làm giường bệnh. Cửa sổ lớp học thành quầy phát thuốc. Bồng đứa nhỏ chưa đầy 2 tuổi đang khóc ngằn ngặt trên tay, chị Ngô Thị Quê hỏi xin thuốc xổ lãi. Chị phân trần: “Tui đẻ 7 đứa con mà giờ nuôi được có 2 đứa. Con nhỏ này bệnh hoài, nuôi hoài hổng thấy lớn. Nhờ bác sĩ khám dùm. Ở đây không có bệnh viện, cả đời không thấy bóng dáng bác sĩ. Chỉ có người có tiền mới dám đi phòng khám tư còn con nhà nghèo thì chịu chết”.
Hơn mười bác sĩ, điều dưỡng, y tá, dược sĩ làm việc cật lực để khám càng nhiều bệnh nhân càng tốt. Cô Nguyễn Thị Dũng, điều dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 2 kể: “Trong phòng không có đèn. Khám tới 1 giờ trưa là mờ mắt, nhìn máy đo huyết áp không rõ nữa nhưng vẫn phải ráng vì thương bà con mình quá”. Còn bà Lê Thị Quách Vân, năm nay đã ngoài 70 tuổi, là thành viên cao tuổi nhất trong đoàn cũng hăng hái phụ khiêng hàng, phát thuốc. Bao nhiêu tiền Campuchia mang theo, bà gửi tặng những bệnh nhân lớn tuổi.
Đúng 3 giờ chiều, đoàn buộc phải lên thuyền rời bến bởi buổi chiều nước lên, gió mạnh, đi thuyền rất nguy hiểm. Những lời hẹn: “năm sau sẽ trở lại” văng vẳng trên sóng nước.
Nối quê xa bằng tình gần
| |
Chị Nguyễn Thị Việt Thùy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM cho biết: Hàng năm, theo chủ trương của lãnh đạo TPHCM, Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM đều tổ chức chuyến thăm và tặng quà cho bà con kiều bào nhân dịp tết. Mỗi năm, đoàn đều cố gắng hết sức mình để mang được nhiều quà, nhiều thuốc, khám bệnh cho nhiều bà con hơn. Năm nay, đoàn tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 500 hộ (gồm 300 kiều bào và 200 dân nghèo Campuchia). Ngoài ra, đoàn còn trao tặng quà tết, trị giá 400.000 đồng/hộ, bao gồm tiền mặt, các nhu yếu phẩm như dầu ăn, bột nêm, tô, chén, sách giáo khoa, truyện tranh lịch sử Việt Nam. Tổng kinh phí cho chương trình là 230 triệu đồng, được trích từ nguồn ngân sách TP và vận động tài trợ. Năm nay, tiền và quà được nhiều hơn, bà con mình mừng lắm. Đoàn về rồi mà có người còn gọi điện cho lãnh sự quán cảm ơn.
Cũng trong buổi khám bệnh và phát thuốc miễn phí, anh Lữ Phước Sơn, nhân viên lãnh sự quán Việt Nam tại Battambang đã có lời mời bà con kiều bào về họp mặt, ăn tết tại lãnh sự quán vào ngày 23 tháng chạp. Đó cũng là ngày họp mặt truyền thống hàng năm của kiều bào Việt Nam trên đất Campuchia để nhớ về cái tết ở quê nhà. Chương trình họp mặt gồm các tiết mục như chúc tết; biểu diễn văn nghệ cây nhà lá vườn; phá cỗ ngày tết với các món như bánh chưng, bánh tét, thịt kho hột vịt. Dù khó mấy, anh em lãnh sự quán cũng ráng kiếm cành mai cho có không khí tết. “Dù xa quê, dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng người Việt ở Biển Hồ vẫn luôn hướng về quê hương xứ sở”, anh Sơn tâm sự.
MAI HƯƠNG