
Năm 2000, bà chị họ dẫn ông chồng người Mỹ về Việt Nam chơi, lúc đó, tại TPHCM, thật khó để tìm một nhà hàng có bán món ăn Mỹ đãi “ông Mỹ” cho ông đỡ nhớ nhà. Còn bây giờ, thì có cả “thế giới ẩm thực” đang “đổ bộ” vào Việt Nam.
Từ Âu, Mỹ…
Quay lại câu chuyện ông anh người Mỹ, mới đây ông lại theo vợ về Việt Nam, tôi dẫn vào nhà hàng Cafe California của khách sạn Equatorial (Q.5) ăn món Mỹ. Vừa ăn, “ông Mỹ” vừa nói: “Number one, number one”.

Một buổi tiệc buffet các món Ấn Độ.
Không “số 1” sao được khi trong nhà hàng này “ông Mỹ” có thể thưởng thức được nhiều món ăn, thức uống của Hoa Kỳ như: thịt bò Mỹ, các loại rượu, bia Mỹ, thậm chí còn có nhiều món ăn địa phương từ các tiểu bang như sườn heo Texas, súp kem hải sản New Orleans, súp kem nghêu Manhattan, súp sữa Barley, các loại rau trộn.
Riêng món tráng miệng kiểu Mỹ tại Equatorial cũng làm cho ông ấy “choáng”, nào là kem xoài dừa Florida, bánh xốp kem dâu Tennessee, bánh nướng kiểu Michigan, bánh kem New York, bánh hồ đào Georgia…
Ít ai ngờ giữa lòng thành phố lại có những món ăn của Brazil - vùng Nam Mỹ xa xôi. Có hẳn một nhà hàng mang tên Aulacdo Brazil (nằm trên đường Pasteur, Q.3) mà hầu như món ăn do chính đầu bếp người Brazil chế biến theo phong cách Brazil truyền thống.
Chẳng hạn thịt ở đây được nướng thành xâu. Khi nướng, người ta rắc một loại muối của Brazil trực tiếp ngay trên lò than. Hay muốn thưởng thức một ly bia tươi và xem công nghệ nấu nổi tiếng của Đức, Tiệp, khách có thể đến nhà hàng nấu bia tươi Lion, Hoa Viên… có dây chuyền và quy trình nấu bia tươi được nhập từ nước ngoài vào và do chính chuyên gia người Đức, Tiệp nấu.
Đặc biệt, mới đây, tại TPHCM, xuất hiện loại bia “mới toanh”: bia Bỉ (ở quán Đồi Xanh 2000, đường Nguyễn Hữu Cảnh) với các loại bia hảo hạng như: Pirrat, Gouden, Carolus, Kasteel…
Còn thực khách muốn thưởng thức món mì Spaghetti của Ý, hãy ghé nhà hàng Đông Du, nhà hàng Givral (Đồng Khởi, Q.1), và một số quán nằm ở cuối đường Bùi Viện (Q.1).
Món Spaghetti được làm từ thịt cá, cừu, heo hay dê, bò đúng phong cách Ý. Hoặc muốn ăn món Pháp, khách có thể đến khách sạn Caravelle, Majestic… để thưởng thức các món Bobotie, Butternut – soup, Pickled – Fish, bò Chateaubriand…
Đặc biệt, nhà hàng cao cấp Au Manior De Khai (nằm trên đường Điện Biên Phủ) chuyên về món Pháp mà khách có thể thưởng thức như: má bò Wagyu hầm khoai tây nghiền, ức và gan vịt kiểu Mille Feuille, cá chẻm rôti Bouillabaise… Thậm chí có cả món paté gan ngỗng (loại ngỗng được nuôi theo công thức đặc biệt ở Pháp chỉ để lấy bộ gan).
Qua khảo sát, nơi tập trung nhiều món Tây (Âu, Mỹ, Úc) nhất TPHCM là phố Tây ba lô. Ở đây tập trung khoảng 100 quán bán rất nhiều món Tây, giá cả tương đối bình dân. Để món ăn đúng gốc, nhiều nhà hàng không thể chế biến từ nguyên liệu của Việt Nam, mà phải nhập từ chính quốc.
… sang Á và cả món Phi

Người nước ngoài có thể tìm thấy món ăn của xứ sở ngay tại TPHCM
Tôi được một anh bạn làm hướng dẫn viên du lịch rủ đi ăn đặc sản châu Phi, lúc đầu tôi hơi ngờ vì làm sao ở TPHCM lại có món ăn ở tận Phi châu? Thế nhưng có thật. Chúng tôi đến quán Nomad nằm trên đường Mạc Đĩnh Chi và thưởng thức món Samosa - món dân dã nhưng là món ăn truyền thống của người dân trên đảo Reunion.
Còn muốn ăn món cà ri dê chính gốc của người Ấn Độ, mời khách đến nhà hàng Đệ Nhất (đường Hoàng Việt), nhà hàng Cà Ri Chà (trên đường Ấp Bắc), Alibaba (đường Lê Văn Sỹ), Ấn Độ (đường Lê Thánh Tôn)… 3 năm gần đây, món Thái xuất hiện khá phổ biến đến độ người ăn quên luôn món Thái (lẩu Thái chẳng hạn).
Tính “sơ sơ” ở TP.HCM có hàng chục nhà hàng như: Mali Thái (Mạc Đĩnh Chi), Chao Thai (Thái Văn Lung), Saigon Thai Shark Fin (Mạc Thị Bưởi), Mali Thai (Đông Du)… Món Thái rất phong phú, thực khách có thể chọn món cơm rim cá mặn, gỏi bưởi Thái Lan, xôi tăm, vịt nướng lá gừng,… nhưng món được cho là “quốc hồn quốc túy” mà ngưới Thái rất tự hào, đó là món Tom yam gung.
Rồi món ăn Nhật Bản, Hàn Quốc cũng du nhập vào Việt Nam khá nhiều. Ở phố Hàn - Phạm Văn Hai và hàng loạt quán ăn Hàn Quốc khác tại TPHCM có bán nhiều thực phẩm được nhập từ chính quốc qua như: kim chi, cá hộp tuna, ốc hộp, nước ướp thịt, nước tương, giấm, nấm, bánh snack, mì tôm, cà phê Maxim, trà Barkey, đồ hộp Span, khoai tây, muối, đường, có cả rượu Soju, Bek Seju, bia Hite…
Đặc biệt, còn có đặc sản mà người Hàn rất ưa chuộng như món cá cơm xào tương ớt trộn với mè rang, hay lá kennip để ăn với thịt chó và lá kim tẩm làm từ rong biển dùng để ăn chay.
Có nhiều quán chuyên bán đồ ăn Nhật ở khu “phố Nhật” Lê Thánh Tôn, nhưng khá nổi tiếng là nhà hàng Ớt Xanh (Lê Quý Đôn, Q.3) có cơm nắm truyền thống, thịt heo kho kiểu Nhật, tôm sống, cá ngừ, bạch tuộc…
Đặc sản của người Nhật phải kể đến món Sashimi - “món ruột” của người Nhật, đặc biệt có bia Asahi Nhật Bản và các loại đồ uống như rượu Suishin, Ichinokura, Sake nổi tiếng bây giờ không thiếu ở TPHCM.
Hiện nay, chưa có con số thống kê chính xác tại TPHCM có bao nhiêu nhà hàng, quán ăn bán món ăn, thức uống của nước ngoài. Tuy nhiên, theo khảo sát sơ bộ thì có không dưới 500 địa chỉ bán món ăn từ Âu, Mỹ, Úc, đến Á, Phi…
Điều này cho thấy Việt Nam – TPHCM ngày càng có sức hấp dẫn đối với thế giới và là nơi hội tụ nhiều bạn bè quốc tế đến làm việc, kinh doanh, du lịch... và thưởng thức món ăn truyền thống của quê hương họ trên đất Việt.
Ngoài các nhà hàng bán món ăn quốc tế, hàng năm, lãnh sự quán hoặc một số tổ chức tại TPHCM tổ chức những sự kiện ẩm thực để quảng bá về văn hóa của nhiều quốc gia như: Tuần lễ ẩm thực Mỹ, Canada, lễ hội bia Đức, lễ hội rượu vang Pháp, liên hoan món ngon các nước… Bên cạnh đó, có thể nói, chưa bao giờ Việt Nam – TPHCM có nhiều hãng thức ăn nhanh “đổ bộ” vào như hiện nay như: KFC, Manhattan, Chicken Town, Jollibee, Lotteria, McDonald… Các thương hiệu này ngày càng “bành trướng”, cạnh tranh nhau bằng cách mở nhiều chi nhánh, trưng bày cửa hàng đẹp để hấp dẫn thực khách. |
HẠNH NHI