Là một thành phố lớn nhất nước, lại là trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước, TPHCM trong những năm gần đây đã có thay đổi rất lớn về quy hoạch, kiến trúc và chỉnh trang đô thị. Từ một thành phố có quy mô khoảng hơn 2 triệu dân của hơn 35 năm trước, nay TPHCM đã là thành phố 10 triệu dân và tương lai còn đông hơn, rộng hơn nữa.
Trong quá trình chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh hiện đại, chính quyền, các ban ngành và người dân TPHCM đã phải chịu một sức ép rất lớn của việc di dời, giải tỏa, xây dựng mới các khu vực của thành phố. Chỉ tính riêng việc để nạo vét chỉnh trang gần 8.000km kênh rạch - vốn đã bị bồi lắng và ô nhiễm nặng nhiều năm qua, nhưng cũng là nơi người dân sống chen chúc, chật chội nhất - đã thấy số lượng dân phải di dời và sự phức tạp về mặt kinh tế - xã hội lớn như thế nào.
Chưa kể từ năm 2006 đến 2010, TPHCM đã phải triển khai 521 dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với hơn 67.500 hộ dân bị ảnh hưởng toàn bộ. Nếu tính tất cả các chương trình, dự án của thành phố thực hiện trong những năm tiếp theo, hàng trăm ngàn hộ dân phải di dời. Cuộc sống của hàng triệu con người bị ảnh hưởng trực tiếp, phải thay đổi nơi ở, làm việc, nếp sống, tập quán…
Đó là những khó khăn tất yếu, những “cơn đau” không thể tránh khỏi của cuộc “đại phẫu” để thành phố ngày càng to đẹp hơn.
Để phục vụ nhu cầu giải tỏa, di dời, xây dựng cơ sở hạ tầng và các khu đô thị mới, hàng chục năm trước, TPHCM đã có chương trình tái định cư (TĐC). Một số chung cư đầu tiên ở quận 2, Bình Thạnh, Thủ Đức với hàng trăm căn hộ mọc lên. Nhưng đến khi nó ngả màu phong sương mà dân - đa số là người nghèo - không muốn đến ở, bởi vì những khu dân cư mới này thiếu đủ thứ trừ ngôi nhà trơ trọi: không trường học, chợ búa, bệnh viện, không chỗ mưu sinh… Nơi ấy dân “an cư” nhưng không thể “lạc nghiệp” và TĐC trở thành nỗi ám ảnh, một hình dung từ không đẹp đối với người dân.
Từ những bài học xương máu của cách làm TĐC thuở “ăn xổi ở thì”, những năm gần đây, TPHCM đã có kế hoạch khoa học và thực hiện bài bản hơn. Trong đó đặc biệt chú trọng thu hút các nguồn lực xã hội để xây dựng các khu đô thị mới và nhà ở cho dân. Để thực hiện mục tiêu phát triển đô thị bền vững - một trong những chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2010 - 2015, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ IX, nêu rõ: “Có cơ chế chính sách khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các khu đô thị Thủ Thiêm, Tây Bắc, cảng Hiệp Phước và các chương trình đột phá để giải quyết bố trí dân cư và nhà ở cho nhân dân”. Đồng thời, “giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội bức xúc, nhất là lao động, việc làm, bồi thường và TĐC”. Đặc biệt là việc xây dựng các khu TĐC phải đảm bảo các điều kiện an sinh xã hội và môi trường sống.
Để thực hiện chương trình TĐC một cách nghiêm túc và hiệu quả, thành phố chủ trương hỗ trợ cho một số doanh nghiệp xây dựng thí điểm các khu TĐC hiện đại, giá rẻ nhưng có đầy đủ các điều kiện sinh hoạt, vui chơi giải trí theo tiêu chuẩn quốc tế. Từ đó nhân rộng ra toàn thành phố.
Với quan điểm, chủ trương và cách làm đúng đắn đó, người dân sẽ yên tâm đến an cư và lạc nghiệp, chương trình TĐC của TPHCM sẽ mang một diện mạo mới, những khu TĐC sẽ trở thành những khu đô thị mà mọi người thường mơ ước. Đó là sự thành công đích thực của một chương trình trọng điểm.
Phan Lộc