
Công ty bảo hiểm tư nhân Star Health & Allied Insurance Company (ở thành phố Madras) vừa tuyên bố sẽ trở thành cơ sở đầu tiên tại Ấn Độ chi trả bảo hiểm cho người nhiễm virus HIV gây bệnh AIDS, và ý tưởng này được xem là một bước đột phá trong việc chữa trị.

Giám đốc công ty là ông V Jagannathan cho biết nếu bệnh nhân đóng phí cả năm 3.000 rupee (70 USD) để đảm bảo chi phí điều trị một khi họ phát bệnh AIDS, sau đó bệnh nhân được trả bảo hiểm một lần với số tiền 50.000 rupee. Ông nói số tiền này rất có ích vì chi phí thuốc men và nằm viện rất tốn kém đối với người bị AIDS. Và ông khẳng định công ty không hề muốn đạt lợi nhuận từ hoạt động này: “Nếu muốn có lãi thì chúng tôi sẽ dùng nó để hạ mức phí bảo hiểm trong năm tới. Chúng tôi có trách nhiệm với xã hội”. Công ty cũng sẵn sàng giúp một số tiền nếu một bệnh nhân nghèo không đủ sức nộp phí, với điều kiện có những tổ chức thiện nguyện và tổ chức phi chính phủ cùng góp sức chia sẻ kinh phí.
Công ty cho biết sẽ bắt đầu bán gói bảo hiểm này một khi kế hoạch được thông qua. Nhưng với các nhà hoạt động tuyên truyền chống AIDS, ý tưởng này đáng được khen ngợi, vì nó đem lại một nguồn động viên cho người nhiễm HIV. Họ hy vọng kế hoạch sẽ phá đổ sự ghê sợ của xã hội dẫn đến đối xử phân biệt với những người bị AIDS. Hồi tháng 6, bác sĩ của một bệnh viện buộc người chồng phải đỡ đẻ cho người vợ bị AIDS do họ không muốn chạm vào cơ thể thai phụ.
Hồi đầu tháng 7, Ủy ban kiểm soát AIDS Ấn Độ cho biết có khoảng từ 2,7 triệu đến 3,1 triệu người Ấn nhiễm HIV, tỷ lệ bình quân 0, 36% trên tổng số dân 1,1 tỷ người. Trong khi đó, UNAids thuộc LHQ nêu Ấn có khoảng 5,7 triệu ca nhiễm HIV, so với 5,5 triệu người ở Nam Phi. Tỷ lệ nhiễm rất cao nơi người nghiện ma túy và nam giới quan hệ tình dục bừa bãi. Khoảng 3 triệu tài xế đường dài thuộc nhóm có nguy cơ cao nhiễm HIV, khi quan hệ không an toàn với gái bán dâm rồi lây nhiễm cho vợ.
Gần đây nữ Bộ trưởng Phát triển Phụ nữ-Trẻ em Renuka Chowdhury cảnh báo phụ nữ Ấn không nên tin tưởng chồng và khuyên họ nên buộc chồng phải sử dụng bao cao su. Lời của bà gây xôn xao khi sex vẫn là một chủ đề kiêng kỵ trong xã hội Ấn. Tuy nhiên, ngành y tế hy vọng kế hoạch 5 năm phòng chống AIDS sẽ có hiệu quả, với số kinh phí 1,4 tỷ bảng Anh nhằm tuyên truyền việc sử dụng bao cao su.
Anh Thao (theo The Times)