
Cảnh sát giao thông bị giảm thính lực vì phải chịu đựng quá nhiều tiếng còi xe, đó là kết quả một cuộc kiểm tra sức khỏe cảnh sát Bombay (Ấn Độ). Chỉ vì xe cộ tranh thủ từng mét giữa những chú bò thiêng đủng đỉnh bước và khách bộ hành vội vã băng qua đường mà không tuân thủ luật lệ giao thông. Đó là không kể số tài xế xe hai bánh tìm đủ loại còi ồn chỉ để khoe “con xe” mới tậu.

Ảnh châm biếm nạn bấm còi xe loạn xị của một tờ báo Ấn
Mỗi ngày 2.600 cảnh sát giao thông phải điều hành khoảng 1,3 triệu lượt xe con tại 1.200 nút giao thông, và mỗi ngày có thêm 300 chiếc xe con mới xin cấp biển số, khiến mật độ xe là 700 chiếc/km đường (tiêu chuẩn quốc tế là 30 xe/km). Và do các bác tài bấm còi “liên hồi kỳ trận”, tiếng ồn trung bình tăng hơn 90 decibel, tức gấp đôi mức độ tiếng ồn cho phép tại vùng đô thị của Tổ chức Y tế thế giới, nên đa số cảnh sát giao thông đều bị giảm thính lực.
Các cuộc kiểm tra thính giác của những cảnh sát tuổi từ 28 đến 40 và đã có ít nhất 5 năm làm việc. Kết quả: chỉ có 1 người có thính lực trên trung bình, có thể chịu đựng tiếng ồn 20 decibel. Không ai có thể nghe tiếng ồn hơn 65 decibel của một chiếc taxi đang chạy. Thăm dò này của Tổ chức hành động xã hội vì môi trường sạch (SoCleen), họ cho biết các cảnh sát giao thông luôn cảm thấy khó chịu, bực bội khi làm việc và ngay cả khi về đến nhà, tiếng còi xe vẫn còn “inh ỏi” trong tai họ.
Trong thực tế, từ năm 2000 Bombay đã có quy định về tiếng ồn, chủ yếu giảm những “tiếng ồn công cộng” như pháo nổ và tiếng loa trong các mùa lễ hội tôn giáo. Năm ngoái lễ hội hoa đăng Dowali của đạo Hindu cũng êm ả hơn, sau khi Tòa án tối cao cấm đốt pháo bông từ sau 22g. Tiếng ồn từ hoạt động giao thông thì được nêu trong Luật phương tiện động cơ năm 1998: khu dân cư nội thị không cho phép tiếng ồn quá 55 decibel vào ban ngày, khu buôn bán không quá 65 decibel. Nhưng người dân vẫn phải chịu đựng tiếng ồn từ 90 decibel trở lên.
Vì thế, Bombay phải đặt những tấm bảng điện nhắc nhở các tài xế hạn chế gây tiếng ồn bằng tiếng còi xe, ai vi phạm sự an bình ở những nơi cần giữ yên lặng (như bệnh viện, trường học, tòa án) đều bị phạt tiền 500 rupee (6 bảng Anh). Dù vậy, chẳng bác tài nào ngán.
Năm 2006, đã có 7.000 lượt tài xế Bombay đã bị phạt vì bấm còi xe loạn xị, so với 6.800 ca vi phạm năm 2005. Ông Mahesh Athavle, một quan chức trong ngành giao thông Bombay, nói: “Chúng tôi có nhiều nét văn hóa khác nhau, mà quý vị không thể đem tiêu chuẩn phương Tây ra để phán xét. Ở Tây, bấm còi xe là sự sỉ nhục, còn ở đây là cách người ta chào nhau” ! .
Diên Hy (theo Times)