Theo Sở Công thương An Giang, doanh số phục vụ Tết Nguyên đán năm 2012 trên địa bàn hơn 786 tỷ đồng, tăng gần 25% so năm trước. Hàng hóa được phân phối theo hệ thống 3.737 cửa hàng, điểm bán lẻ và 88 đại lý trên toàn tỉnh. Lượng hàng dồi dào và phong phú sẽ đảm bảo nhu cầu tiêu dùng Tết của các tầng lớp dân cư, góp phần bình ổn giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng biến động thiếu hàng, sốt giá.
Thế mạnh từ các siêu thị
Tại Co.opMart Long Xuyên, các mặt hàng dễ bị biến động về giá như: bia, bánh mứt, nước giải khát và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu (đường, dầu ăn, gạo...) đã được tích trữ trong kho khá đầy đủ với tổng trị giá lượng hàng trên 50 tỷ đồng. Trước sự chủ động đó, các mặt hàng đến nay vẫn giữ được giá ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ. Do thời gian nghỉ Tết năm nay dài hơn nên mặt hàng thực phẩm đông lạnh được tăng số lượng lên khá nhiều. Đặc biệt từ tháng 11, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất may mặc đều ngưng hoạt động nên mặt hàng này được chọn lựa và mua về từ rất sớm với nhiều mẫu mã đẹp, phong phú.
Anh Lê Hưng Vĩnh, Phó Giám đốc Co.opMart Long Xuyên cho biết, từ tháng 12 siêu thị còn mở hàng loạt đợt khuyến mãi thu hút khách hàng mua sắm. Mỗi đợt khuyến mãi kéo dài trong 2 tuần, siêu thị sẽ chọn ra các mặt hàng chủ yếu để giảm giá hoặc tặng phẩm, tập trung nhất là các mặt hàng bánh mứt.
Để đảm bảo lượng rau quả tươi sống phục vụ xuyên suốt trong dịp Tết, siêu thị cũng đã liên kết với các hợp tác xã rau an toàn tại Đà Lạt và thành phố Hồ Chí Minh để cung ứng đủ số lượng và giữ vững giá bán. Hàng tháng, siêu thị phối hợp với Sở Công thương thực hiện chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” để cung ứng nhiều hơn số hàng hóa đến các huyện và các vùng sâu, vùng xa.
“Mục đích chính của chương trình là cho người dân được tiêu thụ những mặt hàng mới, chất lượng nhưng vẫn đúng giá, qua đó người dân tự ý thức và có sự so sánh, lựa chọn khi mua sắm phù hợp với tài chính hơn, tránh được tình trạng đầu cơ và tăng giá bán vào dịp cuối năm”, anh Vĩnh nói. Hiện nay, mỗi ngày siêu thị đón trên 6.000 lượt khách/ngày, và con số này sẽ còn tăng lên rất nhiều nên đội ngũ nhân viên phục vụ cũng được tăng cường vào các đợt và ngày cao điểm.
Còn Siêu thị Vinatex Long Xuyên đã chuẩn bị hơn 90% lượng hàng phục vụ Tết. Riêng các mặt hàng “nóng” như bánh mứt, rượu, bia đến nay đã đầy đủ để cung ứng cho nguyên tháng Tết. Tổng lượng hàng dự trữ trong siêu thị là 12 tỷ đồng. Anh Đinh Ngọc Lập, Giám đốc Vinatex chi nhánh Long Xuyên, cho biết, nhìn chung các mặt hàng không bị tăng giá nhiều so với năm trước, nếu có cũng trong khung cho phép và dao động trên dưới 10%. Đặc biệt ở những mặt hàng như may mặc, tiêu dùng, siêu thị có chương trình giảm giá lên đến 50% và trong tháng 1 sẽ tiếp tục giảm nhiều mặt hàng khác để phục vụ người dân mua sắm cùng với chương trình bốc thăm trúng thưởng. Hiện mỗi ngày, siêu thị đón trên 1.000 lượt khách. Bắt đầu vào giữa tháng Chạp, lượng khách có thể lên đến 4.000 - 5.000 lượt mỗi ngày nên siêu thị đã bố trí thêm lực lượng nhân viên để hướng dẫn khách hàng mua sắm nhanh, trật tự và đảm bảo an ninh.
Các công ty cùng nhập cuộc
Nhìn chung các mặt hàng năm nay, chỉ có thịt gia súc, gia cầm giảm do tình hình lũ lụt kéo dài ảnh hưởng nguồn cung. Sở Công thương An Giang đã phối hợp cùng với các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo chủ lực trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch bình ổn thị trường lúa gạo nhằm đảm bảo nguồn cung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đồng thời ứng phó với những thông tin sai lệch làm cho thị trường lúa gạo biến động theo chiều hướng xấu.
Ngoài các điểm bán thường xuyên, các doanh nghiệp cũng đã có kế hoạch tăng cường thêm điểm bán tại các kho lớn khi thị trường có biến động, sẽ có 29 điểm bán tại 8 huyện, thị, thành phố là Long Xuyên, Thoại Sơn, Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân, Châu Phú, Châu Đốc và Tịnh Biên. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ tổ chức các điểm bán gạo lưu động bằng xe tải và ghe nhỏ để phục vụ người dân trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp tham gia lượng gạo bình ổn như: Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (1.000 tấn), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang (5.000 tấn), Công ty Lương thực thực phẩm An Giang (1.000 tấn), Công ty Cổ phần Du lịch An Giang (5.000 tấn)…
Về mặt hàng xăng dầu, Công ty Xăng dầu An Giang là đơn vị chủ lực, chiếm trên 30% thị phần với 34 cửa hàng trực thuộc và 152 đại lý bán lẻ theo hệ thống, luôn có lượng hàng góp phần bình ổn thị trường. Công ty đã chuẩn bị gần 16.000m3 xăng, dầu tham gia thị trường Tết cùng với hệ thống bán lẻ của 8 doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý với tổng số 501 cửa hàng xăng dầu phân bố đều khắp các địa bàn trong tỉnh, đảm bảo nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nhân dân…
NGỌC BÍCH