An Giang vốn được xem là trung tâm kinh tế - thương mại nằm giữa 3 thành phố lớn là TP.HCM, Cần Thơ và Phnompenh (Campuchia). Hiện tại, tỉnh đang “trải thảm đỏ” kêu gọi đầu tư vào nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, văn hóa – xã hội…
Chú trọng phát triển giao thông
Vị trí địa lý thuận lợi, An Giang là cửa ngõ của ĐBSCL nối với các nước ASEAN thông qua hệ thống giao thông thủy bộ của Vương quốc Campuchia. Do vậy, trong danh mục 54 dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư giai đoạn 2012 – 2015 trên địa bàn tỉnh, ưu tiên hàng đầu vẫn là phát triển hạ tầng giao thông.
Theo Sở Giao thông Vận tải An Giang, Quốc lộ 91 vốn được xem là tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh nhưng hiện nay chưa được đầu tư, phát triển đồng bộ. Trong giai đoạn đến năm 2015, tuyến đường từ cầu Nguyễn Trung Trực (thành phố Long Xuyên) đến thị xã Châu Đốc (thuộc Quốc lộ 91) sẽ được nâng cấp, mở rộng để đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. Bên cạnh đó, trước năm 2020, tuyến đường cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc (An Giang) cũng sẽ được xây dựng hoàn thành nhằm rút ngắn thời gian kết nối từ Long Xuyên đến Phompenh qua tuyến Quốc lộ 2 của Campuchia. Dự kiến sau khi cầu Vàm Cống được đầu tư xây dựng, đường dẫn vào cầu sẽ kết nối với đường tránh thành phố Long Xuyên, qua tỉnh lộ 943 đã được mở rộng trên địa bàn huyện Thoại Sơn để đi Kiên Giang. Bên cạnh đó, tuyến N1 kết nối Tân Châu – Châu Đốc cũng sẽ được xây dựng đạt tiêu chuẩn cấp IV đồng bằng, còn các tuyến tỉnh lộ 941, 942, 952, 954 và tuyến Tri Tôn – Vàm Rầy sẽ được nâng cấp thành quốc lộ theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng trong giai đoạn đến năm 2015.
Trong giai đoạn 2012 – 2015, có 12 dự án phát triển giao thông được tỉnh tập trung kêu gọi đầu tư. Trong đó, nổi bật nhất là Dự án đường cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu đốc (An Giang) với chiều dài 200km. Dự án Sân bay An Giang với diện tích hơn 245ha trên địa bàn huyện Châu Thành cũng được tỉnh kêu gọi đầu tư. Công trình này có kinh phí xây dựng khoảng 3.417 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 1 là 1.418 tỷ đồng. Song song đó, tỉnh đang thực hiện chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư nhiều công trình giao thông quan trọng khác như: Đường tránh Long Xuyên dài 23,7km (vốn đầu tư 3.227 tỷ đồng), cầu An Hòa dài 2.500m (3.000 tỷ đồng), cầu Châu Đốc bắc qua sông Hậu dài 3.900m (2.780 tỷ đồng), Cảng Tân Châu (200 tỷ đồng)…
Phát triển đồng bộ nhiều lĩnh vực
Bên cạnh phát triển hạ tầng giao thông, nhiều lĩnh vực khác cũng được tỉnh tập trung kêu gọi đầu tư. Trong đó, có dự án xây dựng Bệnh viện Tim mạch với quy mô 600 giường trên diện tích 6ha (tổng mức đầu tư 1.380 tỷ đồng), xây dựng Khu du lịch sinh thái Búng Bình Thiên (huyện An Phú) với diện tích 132,9ha (600 tỷ đồng), Trung tâm phân phối bán buôn cấp vùng thành phố Long Xuyên (554 tỷ đồng), tòa nhà văn phòng làm việc các cơ quan nhà nước cấp tỉnh (diện tích 3,2 ha, vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng), Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải Tân Châu với công suất 12.000 m3/ngày đêm (380 tỷ đồng), mở rộng Khu thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí Tịnh Biên (524 tỷ đồng)…
Ngoài các lĩnh vực trên thì phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao luôn được An Giang chú trọng nhằm phát huy lợi thế là vựa lúa, cá và rau màu của cả nước. Trong giai đoạn 2012 – 2015, tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào dự án Trung tâm Giống sản xuất rau màu công nghệ cao (quy mô 5.302ha, tổng vốn 87 tỷ đồng), Chợ lúa gạo Châu Thành (5ha, 26 tỷ đồng), Chợ đầu mối rau quả xuất khẩu sang Campuchia ở huyện An Phú (4,18 ha, 43 tỷ đồng), Nhà máy chế biến nấm rơm xuất khẩu ở huyện Thoại Sơn và Chợ Mới (2ha, 20 tỷ đồng), Chợ rau quả Mỹ An (1ha, 15 tỷ đồng)…
Bài, ảnh: NGÔ GIA