Kết thúc năm 2011, tốc độ tăng trưởng GDP của An Giang đạt 11,07%, tuy thấp hơn so với Nghị quyết HĐND tỉnh nhưng vẫn cao gần gấp đôi so với bình quân cả nước. Phát huy những thành tựu to lớn của 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2001 – 2010) và hơn 25 năm đổi mới, trong năm 2012 này, An Giang phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 12,5%, tương đương với giá trị thực tế khoảng 72.851 tỷ đồng, GDP bình quân đầu người đạt hơn 33,8 triệu đồng, kim ngạch xuất khẩu 880 triệu USD, tăng 6% so với năm 2011...
Thu hút mạnh mẽ đầu tư
Trong những ngày cuối năm 2011, An Giang đón nhận tín hiệu vui khi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư ALPHANAM (ALPHANAM Group, Hà Nội) tổ chức lễ công bố chứng nhận đầu tư Dự án ALPHANAM Golden City - Dự án xây dựng Khu liên hợp Văn hóa, Thể thao, Du lịch, Hội chợ triển lãm và Dân cư phường Mỹ Hòa (TP.Long Xuyên). Dự án có tổng diện tích sử dụng 75,9ha, được chia làm 3 giai đoạn xây dựng trong thời gian 5 năm với tổng vốn đầu tư gần 2.318 tỷ đồng. Trong đó, ALPHANAM Group đóng góp 30% vốn, còn lại là vốn vay ngân hàng, vốn ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội. Dự án bao gồm nhiều hạng mục như: Sân vận động có sức chứa 25.000 người, nhà thi đấu đa năng sức chứa 3.000 người, nhà hát 500 chỗ ngồi, trung tâm hội chợ - triển lãm, khu thương mại - dịch vụ, trường học, 361 căn biệt thự cao cấp song lập, 321 căn biệt thự cao cấp đơn lập, 333 căn nhà phố liền kề… Toàn bộ Dự án ALPHANAM Golden City mang dáng vẻ “con rồng uốn lượn bảo vệ TP.Long Xuyên” theo thiết kế của GS.TS.KTS Salvador Perez Arroyo (người Tây Ban Nha), 1 trong 10 kiến trúc sư nổi tiếng thế giới theo trường phái hậu hiện đại.
Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng, ALPHANAM Golden City là một dự án trọng điểm của tỉnh, góp phần thay đổi bộ mặt đô thị TP.Long Xuyên, tạo ra trung tâm hội nghị, văn hóa, thể thao và nơi ở hiện đại cho hơn 11.000 người. Ngoài dự án của ALPHANAM Group, trong năm 2011, UBND tỉnh An Giang đã cấp 82 giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp khác với tổng vốn 5.188 tỷ đồng, tăng 2 dự án và 34% về vốn so với năm 2010. Đến nay, An Giang đã thu hút được 14 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 118,7 triệu USD.
Đánh thức tiềm năng
Dự báo trong năm 2012, kinh tế thế giới sẽ phục hồi và tiếp tục tăng trưởng cao hơn năm 2011, nguồn vốn FDI vào Việt Nam sẽ tăng gần bằng với năm 2008. Theo ông Vương Bình Thạnh, đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho tỉnh An Giang đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng chủ lực như lúa gạo, cá và rau quả đông lạnh. Đồng thời, thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, với vai trò là 1 trong 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, An Giang sẽ được Chính phủ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để tạo điều kiện cho cả vùng phát triển. Một khi các công trình trọng điểm như cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, đường tránh TP.Long Xuyên, cầu Long Bình, cầu Tân An… được khởi công xây dựng hoàn thành, hệ thống giao thông từ các địa phương trong nước đến An Giang, lên tận biên giới Campuchia sẽ thông suốt, tạo thuận lợi cho tỉnh thu hút đầu tư, phát triển đồng bộ các loại hình kinh tế.
Trong năm 2012, tuy An Giang đề ra mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh (GDP tăng 12,5%) nhưng phải đảm bảo yếu tố bền vững, gắn phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong đó, An Giang sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao những công nghệ tiên tiến, nhất là công nghệ sinh học trong lai tạo giống cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, tập trung phát triển những sản phẩm công nghiệp có giá trị kinh tế cao, thị trường ổn định, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng... Ông Vương Bình Thạnh cho biết, trong những năm tiếp theo, lúa gạo, thủy sản và rau quả tiếp tục được xác định là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Cùng với việc đẩy nhanh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, An Giang sẽ mở rộng diện tích các “cánh đồng mẫu lớn”, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng. Riêng đối với ngành nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là các vùng nuôi cá tra, phải tiếp tục triển khai công nghệ số hóa (đánh số, cấp mã vạch) nhằm quản lý vùng nuôi, đáp ứng theo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN