Ăn món tái sống coi chừng nhiễm giun sán

Th.S-BS Lê Thị Tuyết Phượng - BV Nhân dân 115, cho biết: đa phần những người thường xuyên ăn món thịt tái sống hãy coi chừng nhiễm các loại ký sinh trùng độc hại như giun xoắn, giun đầu gai, sán lá nhỏ ở gan, sán lá phổi, sán lá ruột và sán dãi heo.

Bệnh giun xoắn lây truyền cho người khi ăn thịt heo hoặc thịt các động vật hoang dã nấu chưa chín hoặc ăn sống. Bệnh giun xoắn có thể gây phù mắt, nhức đầu, đau cơ, rối loạn tiêu hóa, sốt kéo dài…

Trường hợp nhiễm giun xoắn số lượng lớn có thể gây ra liệt cơ, teo cơ, đặc biệt nếu ảnh hưởng đến hô hấp có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong.

Trong khi đó, ăn cua, cá, hải sản và thực vật thủy sinh sống hoặc nấu nướng chưa chín có thể nhiễm sán lá nhỏ ở gan và sán lá phổi, gây nên đau bụng ở vùng gan, tiêu chảy, táo bón, ngứa, phù, vàng da, gan to cứng và đau; nghiêm trọng hơn là dễ gặp phải sán lá ruột và sán dãi heo.

Đây là 2 căn bệnh phổ biến thường gây ra rối loạn tiêu hóa như đau bụng, đầy bụng, khó tiêu và buồn nôn… Thậm chí gây nên những biến chứng nặng có thể dẫn đến tử vong. Còn giun đầu gai chủ yếu sống ở động vật như chó, mèo.

Ấu trùng gây bệnh có thể chui vào mắt, gan, phổi, ổ bụng… gây sưng mắt, đỏ mắt, xuất huyết trong mắt, mù mắt, đau vùng gan, viêm phổi, tràn dịch màng phổi, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, viêm tụy cấp. Nguy hiểm hơn, giun đầu gai có thể chui vào tủy sống, não, gây ói mửa nhức đầu, rối loạn tâm thần, co giật, động kinh, liệt tứ chi và nặng có thể dẫn đến tử vong.

Ngoài ra, ăn thịt tái sống nhiều thì nguy cơ bị nhiễm trùng, nhiễm độc cấp, bị bệnh thương hàn và dịch tả do ăn các thực phẩm như cá, tôm, cua, sò, ốc… được đánh bắt ở những nguồn nước bị ô nhiễm, mà không được nấu chín.

Ngoài ra, do người bán có thể ướp một số hóa chất để giữ thịt tươi lâu, có màu đẹp như phân urê, hàn the và formon gây ngộ độc, gây rối loạn tâm thần, gây ung thư hoặc tổn thương các cơ quan trong cơ thể con người.

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hạnh - TT Dinh dưỡng TPHCM, cho biết: “Ăn thực phẩm đã nấu chín để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu cần phải ăn những món tái sống phải ngâm thức ăn vào giấm đậm đặc từ 5 tiếng trở lên mới đảm bảo độ an toàn.

Ở một số món gỏi bằng thịt, cá tươi sống nên dùng kèm một số loại lá như đinh lăng, lạc tiên, lá sung… có tác dụng tốt cho tiêu hóa, “kìm” hiện tượng tiêu chảy.

Đặc biệt, luôn luôn thực hiện theo 10 “nguyên tắc vàng” để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đó là: Chọn thực phẩm tươi sạch; ăn chín, uống sôi, ngâm kỹ, rửa sạch rau quả ăn sống; ăn ngay khi thức ăn vừa nấu xong; bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín ở nhiệt độ trên 600C và dưới 50C.

Ngoài ra, luôn đun kỹ thức ăn trước khi dùng lại. Đối với thức ăn sống và thức ăn chín phải để riêng, không dùng chung dụng cụ chế biến; rửa tay trước khi chế biến và trước khi ăn, nơi chế biến thức ăn luôn khô, sạch.

Không ăn thức ăn hôi, thiu, hư hỏng và chế biến thức ăn bằng nước sạch. Nếu lỡ mắc bệnh thì khi có những dấu hiệu bất thường cần đi khám sớm để được điều trị, tránh được những biến chứng nguy hiểm và hạn chế những hậu quả tai hại.

Nhưng tốt nhất, chúng ta nên hạn chế và thận trọng khi sử dụng những thực phẩm tươi sống như: lẩu sống, bò tái, tiết canh, cá nướng, thịt nướng… chưa chín kỹ”. 

NGỌC LÂM

Tin cùng chuyên mục