Ở Việt Nam, những thị trường như bất động sản, chứng khoán, vàng, tiền tệ… dễ được định dạng lời lỗ một cách cụ thể, sự mạnh yếu của thị trường lệ thuộc nền kinh tế. Nhưng với cổ vật dường như là ngoại lệ, thị trường ấy hoạt động khá kín đáo, trầm lặng, độc lập và gần như thoát khỏi những quy luật thông thường của cán cân kinh tế. Dẫu ở thời thịnh - suy, thị trường cổ vật vẫn có những đầu vào - đầu ra khá… bình ổn.
Việt Nam có nguồn cổ vật cực kỳ phong phú, nhờ những mối quan hệ giao thương với bên ngoài từ thời Chămpa (đồ gốm sứ thời Tống, gốm Gò Sành Bình Định, đồ kim hoàn Chămpa), thời Nguyễn (đồ sứ ký kiểu tại Trung Hoa), cả những hiện vật gắn liền với thời kỳ Pháp thuộc. Khi thị trường cổ vật hình thành, đường Lê Công Kiều, quận 1, TPHCM từ những năm 80 đã trở thành một đầu mối hoạt động sôi nổi, là điểm trung chuyển những món cổ vật giá trị của cả nước đến các bộ sưu tập tư nhân trong và ngoài nước. Con đường ấy cũng là nơi dễ nhận thấy những thay đổi về kinh tế của từng khu vực thông qua các thương lái từ Mỹ, Anh… lui tới giao dịch đình đám ở những năm 80 - 90 của thế kỷ XX, và nay đã nhường chỗ lại cho dân sưu tầm, thương lái thuộc khu vực châu Á cũng như trong nước.
Đầu ra hiệu quả
15 năm trước, thị trường cổ vật ở Lê Công Kiều lúc nào cũng nhộn nhịp mua bán, bởi là thời điểm ăn nên làm ra của những người trúng chứng khoán, nhà đất, kiếm đôi ba món cổ vật về chơi. Các tay nhà giàu mới nổi từ Trung Quốc cũng lần tìm sang thị trường cổ vật này để săn lùng, tạo nên những cơn sốt về cổ vật. Những dòng đồ từ khí (gốm sứ) với niên đại chủ yếu đời Thanh (1644 - 1911), xuất xứ từ Trung Hoa, được thu gom nhanh chóng. Dòng đồ gốm sứ vớt biển từ Hòn Cau, Bình Thuận, Cà Mau, Cù Lao Chàm… cũng chỉ có mặt thời gian ngắn và lần lượt bị vét cạn. Từ năm 2010, thị trường cổ vật ngày càng im ắng hơn, một chỉ dấu cho thấy dường như thị trường này ít nhiều bị ảnh hưởng bởi kinh tế thị trường, nhưng đó chỉ là bề nổi.
Kinh tế suy thoái chỉ là bước gạn lọc cho thị trường cổ vật bớt đi những tay chơi nửa mùa, để tập trung vào dạng khách chính, cực giàu và có thế lực. Giới buôn cổ vật cũng gia nhập thêm những tay sưu tầm cỡ bự vào nghề. Một người từ lúc sưu tầm đến khi trở thành nhà buôn gồm các trình tự: Sưu tầm (không bán - chỉ mua), sưu tầm và trao đổi (vẫn không bán), sưu tầm và bán, bước cuối cùng là trở thành nhà buôn. Đây là những tay chơi lão luyện trong nghề, vừa nắm giá thị trường, vừa biết giá trị cổ vật, vận dụng những mối quan hệ để đánh bóng tên tuổi trên báo chí, xuất bản sách, mục đích ban đầu để khuấy động thị trường khi giới thiệu bộ sưu tập mình đang có, động thái đó nhằm đẩy giá bộ sưu tập lên và sau đó tìm đầu ra bán trọn bộ sưu tập.
Thị trường cổ ngoạn Việt Nam không chỉ nhắm đến người sưu tầm trong và ngoài nước, mà đầu ra của thị trường này hiện nay còn có một địa chỉ hấp dẫn khác, đó là các bảo tàng. Với những nhà sưu tập có đầu tư, biết chờ thời cơ, họ thừa biết hàng năm, hầu hết các bảo tàng đều có nguồn kinh phí sưu tầm, đó là cơ hội làm ăn. Bởi khi bán trọn bộ sưu tập cho bảo tàng, ngoài chuyện bổ sung hạng mục sưu tầm mà bảo tàng đang thiếu, cũng là cách để bảo tàng giải ngân được nguồn kinh phí hàng năm. Trong đó, điểm lợi của việc bán trọn bộ sưu tập cho bảo tàng, sẽ bao gồm tốt xấu lẫn lộn, trong đó số lượng thường được nhấn mạnh, nghe hấp dẫn nhiều hơn là chất lượng. Tất nhiên, giá cả cho mỗi lần giao dịch ấy thường là một ẩn số, bởi cổ vật luôn được mệnh danh là vô giá, có thể mua giá ve chai, bán giá ngọc ngà là lẽ thường tình.
Chuyển động ngầm
Thị trường cổ vật không giống như thương trường kinh tế thông thường. Bởi nó không có quy định giá cả cụ thể, nó có vẻ như nằm ngoài tầm kiểm soát của thuế, của tất cả các ban ngành liên quan khác như văn hóa, khảo cổ, lịch sử… Chuyện món đồ ấy nay ở Việt Nam, mai sang nước ngoài, dù có kêu gào hạn chế nạn chảy máu cổ vật, nhưng đó chỉ là lý thuyết; chuyện bán một món đồ, lời gấp mười, gấp trăm lần là lẽ thường tình. Kinh tế suy thoái, thị trường có vẻ bớt dần những tay buôn, những nhà sưu tầm nhỏ, nhưng là lúc các đại gia lớn về sưu tầm, mua bán bắt đầu vào cuộc.
Đó là những chuyến đi săn đồ từ châu Á, châu Âu, để mua lại chính những món mà thị trường cổ vật Việt Nam đã xuất đi từ vài năm trước. Một chiếc chóe 6 tấc xanh trắng đời Minh khi “chảy máu” ra nước ngoài chỉ là 25.000USD. Hai năm sau, người buôn lặn lội sang tận Pháp để mua về lại Việt Nam với mức giá 125.000USD, và khi yên vị trong gia thất của một đại gia bất động sản ở TPHCM, giá tròn trịa là 250.000USD.
Lần đấu giá lớn nhất trong năm về cổ vật châu Á tại Drouot, Paris, Pháp của nhà đấu giá Aguttes diễn ra cuối năm trước, xuất hiện khá nhiều hiện vật có xuất xứ từ Việt Nam như đồ sứ ký kiểu nhà Nguyễn đặt làm tại Trung Hoa, đồ gỗ cẩn ốc, sơn son thếp vàng… Trong phiên đấu giá ấy cũng xuất hiện không ít thương lái và nhà sưu tầm đến từ Việt Nam. Một thương lái cổ vật đến từ TPHCM tiết lộ: “Nhiều dòng đồ cổ từ thị trường Việt Nam bán ra nước ngoài những năm trước, chẳng hạn đồ gốm sứ, một số dòng có thể mua lại đưa về bán cho người chơi trong nước với giá tốt hơn ở thị trường châu Âu…”.
Nhìn vào phiên đấu giá, những món cổ vật bậc trung thường không được dân buôn Việt để mắt đến, bởi khi bán lại ở Việt Nam lợi nhuận không cao. Đồ độc, đẹp, giá trị cao được săn lùng nhiều hơn, bởi dễ thể hiện sự hoành tráng, hào nhoáng, và đầu ra dễ kiếm lời nhiều. Riêng ở trong nước, thị trường đồ ta (các dòng gốm Việt thế kỷ 11 - 15, thời Lý, Trần, Lê, Mạc) với những món giá trị, cũng đang chuyển động ngầm khá mạnh mẽ. Một chiếc thạp gốm hoa nâu thời Trần cao hơn 6 tấc với họa tiết người, voi, xuất hiện ở thị trường chưa đầy tuần lễ đã lên đường với mức giá ngót nghét 3 tỉ đồng!
Đầu tư có lãi
Giá trị thực của một món đồ nếu đúng là cổ vật, lệ thuộc vào độ hiếm của hiện vật. Những chiêu trò đẩy giá, dìm giá chỉ là nhất thời. Nhưng để sở hữu được cổ vật giá trị, đòi hỏi người mua phải có tiềm lực kinh tế mạnh, cộng với một chút quyết đoán. Bởi theo quan niệm thông thường, những đầu tư cho cổ vật về lâu về dài, luôn là một mối lợi lớn về vật chất, sâu xa hơn mới tính đến giá trị văn hóa.
Có thể lấy ví dụ khi con tàu đắm Cù Lao Chàm mang dòng gốm cổ Chu Đậu (thế kỷ 15) được ngư dân khai thác, bán ra thị trường ở thời điểm những năm 2000, việc mua một bức tượng thiếu nữ Chu Đậu hoàn hảo chưa đến 100 triệu đồng đã bị gọi là đắt, nhưng nay giá gấp 5 đến 7 lần, vẫn được thị trường gọi là rẻ, nguyên do chính bởi độ quý hiếm vốn có của nó.
Nhìn trên bình diện chung, ở thị trường cổ vật lớn nhất Việt Nam là Lê Công Kiều hôm nay, dễ thấy các tay buôn nhàn nhã đánh cờ, dân sưu tầm cũng ít người lui tới, vẻ mua bán thật đìu hiu. Nhưng đằng sau đó vẫn còn nhiều giao dịch với nguồn tiền lớn, bởi đồ càng giá trị cao, người chơi lẫn người bán càng kín kẽ, không dại gì khoe khoang để dễ bị xoi mói. Trong thời điểm mà các thị trường đua nhau trồi sụt, chỉ có thị trường cổ vật vẫn ngầm sôi động theo hướng đi riêng của nó.
Nói một cách đơn giản, khi chưa bán được hiện vật, dân buôn được gọi là nhà sưu tầm, nghiên cứu; còn khi cổ vật được bán đi, người sưu tầm nghiên cứu đều trở thành nhà buôn. Và hiển nhiên, việc sưu tầm những món cổ vật giá trị cao của người sưu tầm, lẫn người kinh doanh ngành nghề này ở Việt Nam, hẳn là một đầu tư có lãi!
THIÊN AN