Chúc mừng ngày Quân đội Nhân dân Việt Nam 22-12
Từ những ngày sau giải phóng, dù còn rất nghèo, chưa có nhà để ở, Lê Văn Kháng (Hai Kháng) đã gửi tiền từ Côn Đảo về quê xây lớp học cho các cháu nhỏ của xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp tỉnh Hậu Giang, nơi ông sinh ra và lớn lên.
Nghĩa cử của người con đối với quê hương không chỉ khi ăn nên, làm ra, giàu có, mà ngay từ trong gian khó, ông Lê Văn Kháng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản và Xuất nhập khẩu Côn Đảo (Coimex)đã nhường cơm sẻ áo với bà con quê hương mình.
Trở lại Thạnh Hòa trên con đường bê tông thênh thang hai xe ô tô có thể tránh nhau được, tôi vẫn không quên được cảm giác run rẩy đến nín thở khi được cậu kỹ thuật viên Trại cá Thạnh Hòa chở lắt lẻo trên chiếc cầu khỉ, luồn lách trên con đường đầy sình vào trại cá một năm về trước. Cũng vào đúng mùa mưa, con đường sống trâu có một lối mòn cho xe hai bánh, xung quanh là những vũng nước và sình lầy, đường đi vào trại cá không dễ dàng, đi sâu vào trong ấp Ba còn khó khăn hơn. “Nhiều năm rồi, bà con nơi đây mong mỏi có một con đường để con em đi học và vận chuyển nông sản ra lộ, nhưng Hậu Giang là tỉnh nghèo, lại vừa mới tách nên ngân sách hạn hẹp, mãi vẫn không làm được con đường cho dân đi. Vừa rồi, tỉnh và huyện quan tâm, đầu tư một phần ngân sách cho xã làm đường, một phần do Công ty Cổ phần Thủy sản và Xuất nhập khẩu Côn Đảo (Coimex) đóng góp mới có con đường rộng rãi như thế này” ông Đặng Văn Việt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thạnh Hòa cho biết.
Cũng theo ông Đặng Văn Việt, những con đường cũ chưa được rải bê tông và nhựa theo tiêu chuẩn nông thôn mới trong toàn xã Thạnh Hòa những năm gần đây đã được triển khai đầu tư theo hướng xã hội hóa để đạt chuẩn nông thôn mới. Nhiều tuyến đường, nhiều cây cầu đã được xây dựng trong 3 năm qua đã nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của người dân địa phương, các doanh nghiệp trên địa bàn và con em của xã sống xa quê hương. Hàng chục ki-lô-mét đường, hàng chục cây cầu đã được xây dựng. Con đường vào ấp Ba có chiều dài 3,5km, kinh phí xây dựng con đường là 3,4 tỷ, Hai Kháng đã ủng hộ xã 1,3 tỷ đồng. Từ khi làm xong con đường, toàn bộ nông sản của người dân không còn phải vận chuyển bằng ghe, xuồng ra lộ, xe ô tô vào đến tận nhà dân.
Thạnh Hòa là xã anh hùng, có nhiều thành tích trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đây cũng là mảnh đất sinh ra những người con anh hùng trong chiến đấu, bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước. Sinh ra và lớn lên tại Thạnh Hòa, hoạt động cách mạng tại địa bàn, sau giải phóng Hai Kháng được điều ra tái thiết Côn Đảo. Trong khi cuộc sống sau giải phóng muôn vàn khó khăn, mới chuyển ra Côn Đảo, mặc dù chưa làm được nhà ở, gia đình Hai Kháng đã chăn nuôi vịt xiêm, nuôi heo, tích cóp được ít tiền gửi về cho xã xây trường học cho các cháu mầm mon.
Khi có điều kiện hơn một chút, ông lúc nào cũng đau đáu về quê hương, khi thì gửi tiền mua máy đánh chữ, khi thì cấp học bổng cho các cháu học sinh nghèo vượt khó bằng tiền cá nhân. Sau này, khi công ty Coimex làm ăn phát đạt, Hai Kháng đã trích từ nguồn quỹ phúc lợi của công ty xây nhà tình thương, tình nghĩa cho bà con quê hương.
Những việc ông làm cho quê hương rất nhiều, việc nhỏ ông cũng làm, việc lớn ông cũng tham gia, nhưng việc làm không chỉ được nhân dân xã Thạnh Hòa mà cả huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang ghi nhận không chỉ làm con đường vào xã mà còn là việc xây dựng Trại nuôi cá giống Thác lác trên địa bàn nhằm giải quyết công ăn việc làm cho người lao động địa phương, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc. Sự đong đầy hạnh phúc đó được thể hiện qua những mái nhà ngói đỏ mọc lên bên những trại cá hàng nghìn mét của các hộ gia đình trong xã, đó là những trẻ em có đủ điều kiện kinh tế để đến trường học như những đứa trẻ nơi khác.
Trong ánh mắt ánh lên niềm hân hoan và hạnh phúc của ông Trần Văn Việt 60 tuổi ở ấp Ba xã Thạnh Hòa là sự thành đạt của cả 3 đứa con đều được đi học đại học, “được làm người nhà nước”. “Chúng tôi sống đeo vào trại cá của Coimex. Lúc đầu chúng tôi được cán bộ sang hướng dẫn kỹ thuật, tôi chỉ dám nuôi vào trăm con cá đẻ, bây giờ tôi đã mở rộng toàn bộ 6 nghìn mét đất để làm diện tích nuôi trồng. Với diện tích này, tôi có thể nuôi hàng ngàn cá mẹ và hàng trăm ngàn cá bột. Bên trại cá không chỉ giúp về kỹ thuật mà còn giúp tiêu thụ con giống nữa. Trước đây, 6 nghìn mét đất làm thuần nông, tôi chỉ thu nhập một năm được vài chục triệu. Từ ngày nuôi cá, thu nhập cao gấp 5- 6 lần, có tiền cất nhà, có tiền nuôi con ăn học đại học”. Nói về con đường mới làm chạy qua cổng nhà, ông không giấu nổi niềm vui: Khi chưa có con đường, hàng hóa nông sản đều phải vận chuyển bằng ghe, xuồng ra lộ rồi mới chở đi, bây giờ xe ô tô vào tận nơi vận chuyển nên đỡ cực lắm!
Được biết, Công ty Cổ phần Thủy sản và Xuất nhập khẩu Côn Đảo (Coimex) năm nào cũng đóng góp xây nhà tình thương, tình nghĩa cho xã. Mỗi căn nhà tình nghĩa (dành cho gia đình các đối tượng chính sách) là 50 triệu đồng và nhà tình thương (dành cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn) là 30 triệu đồng. Ông Đặng Văn Việt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thạnh Hòa cho biết: Hiện tại, xã Thạnh Hòa đã cơ bản giải quyết hết nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, tuy nhiên, có một số nhà xây cũ cần được nâng cấp và sửa sang lại. Nhà tình thương còn khoảng 300 nhà chưa đạt chuẩn nhà nông thôn mới. Chúng tôi cũng đang vận động các doanh nghiệp trên địa bàn cùng giải quyết khó khăn với xã để đến năm 2015, xã đạt chuẩn nông thôn mới. Khi được hỏi ông có mong muốn hay đề xuất gì với Hai Kháng và Coimex không, ông Đặng Văn Việt chia sẻ: Hai Kháng đối với quê hương đã quá trọn vẹn rồi, phải dùng hai từ trọn vẹn và nghĩa tình khi nói về tấm lòng của Hai Kháng đối với quê hương.
Theo dddn.com.vn