
Một năm 12 tháng, 12 sự kiện nổi bật. Điểm lại năm 2006, chúng ta thấy một năm có giá vàng, giá dầu trồi sụt thất thường, những khám phá khoa học ngoạn mục... và cả sự kiện hôn nhân đồng tính được công nhận, như một sự cảm thông của xã hội mang đầy tính nhân bản...
- Tháng 1: Giá vàng cao nhất trong 25 năm
Ngày 9-1, giá vàng trên thị trường New York có lúc tăng đến mức 546 USD/ounce. Mặc dù đến nay, giá vàng có lúc lên tới hơn 700 USD/ounce nhưng vào thời điểm đó, giá vàng 546 USD/ounce được đánh giá là mức cao nhất kể từ năm 1981.
Đây cũng là lúc mở đầu cho cả năm biến động thất thường của giá vàng. Những căng thẳng về địa chính trị ở Trung Đông, tuyên bố có thể tăng nguồn dự trữ bằng vàng của Trung Quốc là những nguyên nhân chính đẩy giá vàng tăng.
- Tháng 2: Tìm thấy “vườn địa đàng”

Một giống kangaroo ở “Vườn Địa đàng”.
Đoàn nghiên cứu gồm các nhà khoa học Mỹ, Indonesia và Australia thuộc tổ chức Conservation International (Mỹ) phối hợp cùng Viện khoa học Indonesia thông báo tìm thấy một “Vườn Địa đàng” với hàng trăm loài động thực vật mới mà thế giới chưa từng biết đến ở khu vực gần dãy núi Foja, tỉnh Papua (Indonesia).
Vùng núi xa xôi hiểm trở này có lẽ là hệ sinh thái hoang sơ nhất khu vực Thái Bình Dương, chưa từng có dấu chân người. Có ít nhất khoảng 20 loài ếch nhái, 4 loài bướm và 5 loài cây cọ chưa từng được biết đến.
- Tháng 3: CPE và nỗi phẫn nộ toàn nước Pháp
Đầu tháng 3, Thượng viện Pháp thông qua Hợp đồng tuyển dụng bước đầu (CPE). CPE là nguồn gốc của nhiều tranh cãi, phản đối gay gắt từ trong công chúng đến giới chính khách.
Các đảng và tổ chức cánh tả quyết định tổ chức “tuần hành động” từ ngày 1 đến 7-3 để đẩy cao phong trào chống CPE. Ngày 7-3 cũng là đỉnh điểm khi tất cả các đảng cánh tả ở Pháp cùng sự tham gia của các học sinh, sinh viên và nhân viên ngành giáo dục tham gia đình công, tổ chức hơn 160 cuộc tuần hành nhằm mục đích duy nhất: rút lại CPE. CPE được đánh giá là nước cờ sai lầm của Thủ tướng Pháp Dominique de Villepin.
- Tháng 4: Trung Quốc thực hiện thành công ca ghép mặt
Bệnh viện quân đội Tây Kinh, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, đã thực hiện thành công ca phẫu thuật ghép mặt đầu tiên cho bệnh nhân nam Lý Quốc Hưng, người Vân Nam 30 tuổi.
Đây là ca ghép mặt thành công thứ hai trên thế giới, sau một bệnh nhân nữ người Pháp năm 2005. Ca phẫu thuật ghép mặt, do giáo sư Viện trưởng Viện nghiên cứu chỉnh hình ngoại khoa Quách Thụ Trung và và Phó viện trưởng Hàn Nham thực hiện, kéo dài 14 giờ trong điều kiện gây mê toàn phần.
Sau ca phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân rất tốt, dự tính sau một tuần có thể liền vết thương, sau 2 tuần các tổ chức cấy ghép có thể được cung cấp máu. Cảm giác và thần kinh vận động sẽ khôi phục khoảng sau nửa năm.
- Tháng 5: Động đất ở Indonesia
Ngày 28-5, một trận động đất 6,3 độ Richter đã xảy ra tại trung tâm tỉnh Java của Indonesia, cách cố đô Yogyakarta 25 km về phía Nam. Trận động đất đã làm gần 6.000 người Indonesia thiệt mạng, 22.000 người bị thương, hơn 200.000 người mất nhà cửa và trở thành thảm họa thiên nhiên lớn nhất kể từ sau trận sóng thần tháng 12-2004 làm hàng trăm ngàn người thiệt mạng.

Tuần hành phản đối CPE.

Bệnh nhân Lý Quốc Hưng sau ca ghép mặt.

- Tháng 6: “Cha đẻ” tế bào mầm ra tòa
Hàn Quốc mở phiên tòa xét xử giáo sư Hwang Woo Suk cùng 5 đồng sự vì tội giả mạo công trình nhân bản tế bào mầm của người. Sau 5 tháng bị điều tra, giáo sư Hwang bị buộc tội gian lận, biển thủ và vi phạm luật đạo đức sinh học.
Hwang đã chủ mưu tạo dựng các dữ liệu cung cấp cho 2 bài báo trên tạp chí Science trong năm 2004 và 2005, trong đó ông tuyên bố đã nhân bản thành công tế bào mầm phôi thai người.
Ngoài ra ông Hwang còn bị cáo buộc sử dụng sai và biển thủ 2,8 tỷ won (2,91 triệu USD) tiền chính phủ tài trợ và nhiều cá nhân đóng góp. Khoản tiền này ông Hwang dùng để mua trứng phụ nữ (vi phạm luật đạo đức sinh học áp dụng từ năm 2005) và tài trợ cho các nhà chính trị.
- Tháng 7:Tuyến đường sắt đầu tiên nối Tây Tạng với Thanh Hải
Nằm ở độ cao 5.072m so với mặt nước biển, tuyến đường sắt này trở thành tuyến đường sắt cao nhất thế giới. Tuyến đường sắt mở ra triển vọng phát triển kinh tế, xã hội khu vực Tây tạng nói riêng và toàn bộ khu vực phía Tây Trung Quốc nói chung.
- Tháng 8: Sao Diêm Vương “chia tay” hệ Mặt trời
Lần đầu tiên trong lịch sử thiên văn học, Hiệp hội Thiên văn học quốc tế (IAU) đã đồng ý tước danh hiệu “hành tinh” của sao Diêm Vương (Pluto). Theo định nghĩa mới của IAU, hành tinh là một “thiên thể bay trong quỹ đạo quanh Mặt Trời, có tỷ trọng đủ lớn để tự tạo lực hấp dẫn và quỹ đạo của nó phải tách bạch với các vật thể khác”.
Trong khi đó, quỹ đạo hình ê-líp dẹt của sao Diêm Vương chồng lên quỹ đạo của sao Hải Vương (Neptune). Từ nay, sao Diêm Vương chỉ được gọi là “tiểu hành tinh”.
- Tháng 9; Hoàng tử Nhật Bản Hisahito chào đời
Hoàng tử nhỏ Hisahito chào đời sáng 6-9 trong sự chờ đón của hoàng gia và thần dân đất nước hoa anh đào. Là cậu con trai đầu tiên được sinh ra trong hoàng gia sau 41 năm, sự có mặt của Hisahito giúp giải tỏa cuộc khủng hoảng người thừa kế dòng dõi Nhật hoàng Akihito. Cậu bé Hisahito đứng hàng thừa kế ngai vàng thứ ba sau Thái tử Naruhito và Hoàng tử Akishino (cha cậu bé).
Các tờ báo lớn ở Nhật đều trang trọng đăng trang nhất thông tin về sự kiện này. Hoàng tử Hisahito được chính phủ Nhật Bản chu cấp 3,05 triệu yên mỗi năm.

GS.Hwang Woo Suk


Hoàng tử Hisahito cùng bố mẹ.
- Tháng10: Chủ “ngân hàng của người nghèo” nhận Nobel Hòa bình
Ủy ban Nobel ngày 13-10 đã trao giải Nobel Hòa bình 2006 cho Ngân hàng Grameen và người sáng lập Muhammad Yunus (người Bangladesh), vì những đóng góp của cá nhân ông và ngân hàng trong việc thúc đẩy những cơ hội phát triển hội kinh tế và xã hội, giúp được nhiều phụ nữ nghèo ở Bangladesh cải thiện cuộc sống và đưa họ thoát khỏi cảnh nghèo đói.
Muhammad Yunus cũng đã triển khai mô hình Ngân hàng Grameen ở nước ta thông qua việc hợp tác với Liên đoàn Lao động TPHCM thành lập Quỹ Trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (Quỹ CEP).
- Tháng 11: Hôn nhân đồng tính được công nhận
Nam Phi trở thành nước thứ 5 trên thế giới (sau Canada, Tây Ban Nha, Bỉ và Hà Lan) và là nước đầu tiên ở châu Phi hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Sau phán quyết này đã có hàng trăm cặp đồng tính chuẩn bị làm lễ cưới công khai.
- Tháng 12: Khám phá sao Hỏa có nước
Ngày 8-12, tạp chí Sience công bố những hình ảnh cho thấy bằng chứng có nước chảy trên bề mặt sao Hỏa. Theo các ảnh vừa công bố, do tàu thăm dò Mars Global Surveyor (MGS) chụp, có dấu hiệu nước mới chảy trên bề mặt sao Hỏa vài năm nay. Phát hiện này giúp tăng thêm sức thuyết phục đối với lập luận cho rằng sao Hỏa sở hữu những điều kiện cần thiết cho sự sống.

Ông Muhammad Yunus.

Một đám cưới đồng tính ở Nam Phi.

Hình ảnh của dấu vết nước chảy trên sao Hỏa.
Nhóm PV Quốc tế