Anh Bình nghĩa tình

Gần 8 tỷ đồng là số tiền nhóm Hướng thiện từ trái tim đã vận động và trao tặng cho các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong 9 năm qua. Và đặc biệt, người thủ lĩnh của nhóm là một chàng trai khuyết tật, còn sáng lập không gian đọc để lan tỏa văn hóa đọc tại địa phương. Anh là Lê Thái Bình, sinh năm 1988, ngụ tại thôn Trung Thượng, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Anh Bình (đội nón) xây dựng tủ sách tại xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh
Anh Bình (đội nón) xây dựng tủ sách tại xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh

Mở không gian đọc sách

Về thăm “Không gian đọc Thái Bình” của anh Lê Thái Bình, tôi hết sức bất ngờ khi thấy nhiều bạn đọc đang say mê đọc sách. Anh Bình kể, quê anh còn nghèo nhưng người dân rất thích đọc sách. Trước đây, do điều kiện chưa cho phép, trẻ em chỉ có sách giáo khoa, nay anh mở không gian đọc, hy vọng sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu thích đọc của người dân nơi đây.

Ít người biết rằng, chàng trai mê sách từng giành giải nhất hai cuộc thi viết: “Người khuyết tật lập nghiệp” do Báo Lao động và Xã hội tổ chức năm 2012 và “Nốt Sol Cuộc sống” do Báo Tuổi Trẻ tổ chức năm 2013, khi mới chỉ học hết lớp 5. Do bị ảnh hưởng chất độc da cam nên khi sinh ra, tứ chi của Bình bị co quắp, lúc biết nói thì không thể phát âm rõ tiếng. Đến tuổi đi học, bố mẹ không nỡ để anh đến trường vì sức khỏe yếu và sợ bạn bè trêu chọc. “11 tuổi, tôi mới biết đi. Đám bạn vô tâm thường bắt chước dáng đi lèo khoèo và cái miệng méo mó của tôi. Họ bảo tôi dị dạng. Hồi đó tôi buồn và tủi thân lắm”, anh Bình tâm sự.

Yêu con chữ, anh nằng nặc xin bố mẹ đi học. Và năm 12 tuổi, Bình vào lớp 1, nhưng rồi đến khi học lớp 5, anh không thể đến trường được nữa vì sức khỏe quá yếu. Không cam chịu số phận, năm 17 tuổi, Bình theo học tin học tại Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật Hà Tĩnh. Lúc đó, tin học là một lĩnh vực mới, người bình thường học đã khó, huống chi người khuyết tật. Nhưng bằng tất cả đam mê và nghị lực, anh Bình đã thành nghề sau một năm theo học.

Sau nhiều ngày trăn trở, anh mở một tiệm internet tại quê nhà. Tiệm của anh bị dị nghị vì nhiều người chưa hiểu về internet. Họ nghĩ rằng internet chỉ dùng để chơi game, dễ làm hư con trẻ. Nhưng anh Bình cam kết, tiệm chỉ phục vụ công việc, tìm kiếm thông tin và không cài game. Tuy có sẵn internet, có thể đọc bất cứ điều gì trên mạng, nhưng anh Bình hiểu được giá trị của những cuốn sách. Anh nhen nhóm ý tưởng mở không gian đọc từ năm 2014, nhưng đến tháng 6-2019, không gian mới đi vào hoạt động chính thức. Đến nay, không gian đọc của anh đã có tới 2.500 đầu sách với đa dạng thể loại và thu hút gần 20 lượt bạn đọc mỗi ngày.

Ngoài “Không gian đọc Thái Bình”, anh Bình còn kết nối và giúp đỡ xây dựng tủ sách trong các chương trình thiện nguyện như: chuỗi tủ sách khoảng 1.000 cuốn ở Trung tâm Người khuyết tật Hà Tĩnh; tủ sách làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh; tủ sách ở Trường Tiểu học Kỳ Thượng; và một số tủ sách ở vùng núi tỉnh Hà Tĩnh.

“Giấc ngủ trưa rất quan trọng, nhưng mỗi lúc chợp mắt mà nghe có em gọi “anh Bình ơi, em đến mượn sách ạ” là tôi bật dậy ngay. Tuy mất ngủ nhưng với tôi, niềm vui của bạn đọc xua tan tất cả, tôi luôn thấy hạnh phúc khi được phục vụ bạn đọc”, anh Bình tâm sự.

Truyền nghị lực sống

Cho dù bị khuyết tật nhưng anh Bình vẫn nhận là người “tốt số”, bởi theo anh, vẫn có thể đi lại và tự nuôi sống bản thân là đã hơn được rất nhiều người. Vậy nên, không dừng lại ở đó, anh luôn khao khát được cống hiến tuổi trẻ cho cộng đồng.

Năm 2013, anh lên mạng xã hội kêu gọi mọi người thành lập một tổ chức thiện nguyện. Có người ủng hộ, có người hoài nghi. Nhưng bằng tất cả sự chân thành, anh Bình đã kêu gọi được hơn 100 bạn trẻ thành lập “Đội tình nguyện hướng về Kỳ Anh” và “Nhóm hướng thiện từ trái tim”. Anh Bình và các thành viên bắt đầu đi vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ người yếu thế. Thời gian đầu vô cùng khó khăn. Có người dè bỉu: “Khuyết tật thế thì giúp được ai, ở nhà cho khỏe”. Nhưng anh không phật lòng mà vui vẻ đáp: “Cuộc đời này ngắn lắm, giúp được ai điều gì thì hãy nên làm ngay. Tôi khuyết tật nhưng không phải tàn tật, tôi sẽ mang cả trái tim để đi làm thiện nguyện suốt cuộc đời này”.

Niềm tin trong cộng đồng dần được gây dựng qua các hoạt động thiện nguyện của nhóm. Mỗi lần kêu gọi được ít quà là anh Bình lại cùng nhóm lên đường đi tặng ngay, bất chấp nắng mưa, đường sá gập ghềnh. Danh sách địa chỉ cần sự giúp đỡ của anh vẫn còn dài, anh chỉ mong “số trang này càng ít đi càng tốt”. Có thể kể một số chương trình thiện nguyện tiêu biểu mà nhóm đã thực hiện như: Chương trình Nâng bước em đến trường năm 2019; Tết thiếu nhi - lan tỏa nghị lực sống; Xây nhà tình nghĩa; Điều kỳ diệu cuộc sống dành cho người khuyết tật; Hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn hoạn nạn… Số tiền thiện nguyện mỗi chương trình lên đến hàng trăm triệu đồng.

Trong đó, không thể không nhắc tới chương trình cứu trợ đồng bào lũ lụt miền Trung năm 2020. Anh và nhóm đã đi vận động được gần 5.000 suất quà gồm tiền mặt, gạo, mì tôm, thuốc men… với tổng giá trị gần 800 triệu đồng. Sau đó, cả nhóm lênh đênh sông nước vào cứu trợ bà con vùng lũ ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…

Trên hành trình thiện nguyện, ngoài giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ thì niềm hạnh phúc nhất đối với anh Bình là truyền được nghị lực sống cho họ. “Có những bạn khuyết tật từ nhỏ, chưa bước chân ra khỏi nhà. Họ sợ bị trêu chọc, mỉa mai. Chính tôi cũng đã từng trải qua giai đoạn đó, nên tôi rất đồng cảm. Tôi động viên và hướng họ đến sự tích cực, để họ tự tin phá vỡ bức tường vô hình bao bọc. Một số bạn đã bật khóc, ôm chầm lấy tôi. Họ bảo, tôi đã giúp họ lạc quan và họ phải sống thật có ích cho xã hội”, anh Bình tâm sự.

Đúc kết hành trình làm thiện nguyện, tháng 5-2021, anh Bình đã xuất bản cuốn sách Hành trình từ trái tim. Cuốn sách như “liều thuốc kích thích” đã giúp cho không ít người khuyết tật “hồi sinh” niềm tin vào cuộc sống. Anh đã dành 50% tiền bán sách để ủng hộ chương trình Tết vì người nghèo.

Viết tiếp bài văn cuộc đời

Bình tâm niệm: “Cuộc đời tôi như một bài văn có mở bài không được hoàn hảo. Tôi chấp nhận điều đó và sẽ cố gắng hết mình để hoàn thành từng trang”. Những trang văn đó không gì khác là những chương trình thiện nguyện, hoạt động ý nghĩa cho cộng đồng, cho dù di chứng da cam vẫn hàng giờ giày xéo thân thể anh.

Một trong những trang văn rất thú vị của Bình là hoạt động bảo vệ môi trường. Anh đã kêu gọi các thành viên trong nhóm Hướng thiện từ trái tim thường xuyên dọn rác ở các bãi biển Kỳ Phương, Kỳ Nam, Kỳ Ninh (huyện Kỳ Anh)... Hoạt động bảo vệ môi trường biển của nhóm đã lan tỏa mạnh mẽ qua các trang mạng xã hội...

Ngoài ra, nhóm thường xuyên triển khai gây quỹ thiện nguyện, như: Quán nước gây quỹ, Trao quà Noel cho các bé… và dự án nuôi heo đất gây quỹ từ thiện. “Mỗi thành viên nuôi một heo đất. Đến khi heo lớn sẽ mang đi làm thiện nguyện. Và trong nhóm, cứ mỗi tháng lại có vài heo được “xuất chuồng”, anh Bình cho biết.

Nhận xét về anh Lê Thái Bình, ông Nguyễn Thế Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Tân, cho biết, mặc dù là người khuyết tật nhưng Bình rất hăng hái làm thiện nguyện. Gần 10 năm nay, Bình và nhóm Hướng thiện từ trái tim đã giúp đỡ hàng ngàn hoàn cảnh khó khăn. Ngay trong đợt bão lũ và dịch Covid-19 vừa qua, anh và nhóm đã đi vận động hàng trăm nơi, vào từng điểm nóng - tâm dịch, tâm bão, hỗ trợ bà con vượt qua thời điểm khó khăn, hoạn nạn. Tấm gương của anh khiến nhân dân địa phương vô cùng yêu mến và cảm phục.

Tin cùng chuyên mục