“Anh cả” vẫn còn mãi!

Đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một vị tướng tài giỏi, tên tuổi ông không chỉ gắn liền với những chiến thắng hào hùng trong lịch sử của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mà ông còn là một người “Anh cả” vô cùng thân thương và gần gũi đối với mọi thế hệ tướng lĩnh trong Quân đội Nhân dân Việt Nam.
“Anh cả” vẫn còn mãi!

Đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một vị tướng tài giỏi, tên tuổi ông không chỉ gắn liền với những chiến thắng hào hùng trong lịch sử của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mà ông còn là một người “Anh cả” vô cùng thân thương và gần gũi đối với mọi thế hệ tướng lĩnh trong Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu tại Hội thảo về cuộc tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 tại TPHCM năm 1998. Ảnh: GIẢN THANH SƠN

Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu tại Hội thảo về cuộc tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 tại TPHCM năm 1998. Ảnh: GIẢN THANH SƠN

Một vị tướng tài ba nhưng giản dị

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh (nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam) không giấu được nỗi xúc động và tiếc thương trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thượng tướng Rinh nghẹn ngào: “Với những người lính trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người “Anh cả” của chúng tôi. Ông mất đi là một tổn thất rất lớn cho toàn Đảng, toàn dân nói chung và cho Quân đội Nhân dân Việt Nam nói riêng…”.

Đối với Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, trong suốt quãng thời gian được may mắn làm việc chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng đã để lại trong ông những ấn tượng rất sâu sắc. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh tâm sự: Đối với những tướng lĩnh trong quân đội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng vô cùng tài ba về tài thao lược, một vị tướng kiệt xuất trên chiến trường. Ngay từ năm 1944, khi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân mới được thành lập (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam), quân số mới chỉ 34 người với một vài khẩu súng và vũ khí thô sơ, nhưng dưới sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó, một người chưa từng được đào tạo tại bất kỳ trường quân sự nào, đội quân này lập chiến công đầu tiên là tập kích diệt gọn 2 đồn Phai Khắt và Nà Ngần. Đây là chiến thắng mở đầu cho rất nhiều trận đánh lớn với chiến thắng vang dội mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy trong suốt chặng đường của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, giành lại độc lập tự do cho đất nước.

“Những đóng góp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ có trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ mà trong thời bình, ông cũng có rất nhiều công lao to lớn trong quá trình xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam chính quy và hiện đại…”, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh chia sẻ.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cũng tâm sự đối với ông cũng như các đồng đội, cuộc sống của “Anh cả” Võ Nguyên Giáp còn là tấm gương lớn về sự uyên bác, về tri thức, nhưng rất giản dị, chân thành và gần gũi. Đặc biệt hơn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là người có ảnh hưởng rất lớn đối với đất nước và quốc tế, khi ông là biểu tượng của sức mạnh, tinh thần giải phóng dân tộc mà rất nhiều quốc gia phải nể phục và kính trọng.

“Hãy là một cán bộ tốt”

Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Lê Mã Lương (nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam)ï: Khi tôi được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp lâm chung, tôi cảm thấy hụt hẫng, mất mát vô cùng lớn. Là một người lính từng chinh chiến qua nhiều trận đánh, chứng kiến không ít sự hy sinh, mất mát của đồng đội nhưng tin về Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần khiến cho tôi đau buồn hơn cả. Toàn Đảng, toàn quân và nhân dân mất đi một con người vĩ đại, tài ba, một thống soái lỗi lạc trong mọi thời đại, nhất là trong tổ chức chiến tranh nhân dân và hậu cần nhân dân.

Anh hùng Lê Mã Lương cũng chia sẻ trong suốt chặng đường binh nghiệp của mình, đặc biệt là hơn 10 năm công tác tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, ông có rất nhiều kỷ niệm, ấn tượng sâu sắc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tuy nhiên, ấn tượng mà ông nhớ mãi là lần đầu tiên được gặp Đại tướng vào tháng 4-1971 tại Văn phòng Bộ Tư lệnh Chiến dịch đường 9 Nam Lào.

“Lúc đó, tôi là một chính trị viên của đại đội và được Bộ Tư lệnh gọi về báo cáo. Dù chỉ may mắn được gặp và trò chuyện với Đại tướng khoảng 10 phút nhưng những ấn tượng về Đại tướng đã đi theo tôi suốt từ đó tới nay. Với tình cảm rất giản dị, nhưng đầy sâu lắng, lúc chia tay, Đại tướng đã bắt chặt tay tôi và căn dặn: Hãy trở thành một cán bộ tốt. Từ lời căn dặn của Đại tướng, tôi đã xem đây như kim chỉ nam cho cuộc sống, hành động và việc làm trong công việc của mình…” - Thiếu tướng Lê Mã Lương tâm sự.

Anh hùng Lê Mã Lương cũng bày tỏ sự tự hào khi được là một người lính của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một vị thống soái vĩ đại, một vị anh hùng mang nhân cách lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đấu tranh đem lại hòa bình cho đất nước. “Chúng tôi và các thế hệ sau này sẽ mãi mãi không quên được sự nghiệp lẫy lừng của Đại tướng trong chiến tranh giải phóng dân tộc. Ông ra đi nhưng những di sản, sự nghiệp của ông mãi là niềm tự hào của dân tộc và các thế hệ sau này, không chỉ có nhân dân Việt Nam mà bạn bè khắp năm châu…” - Anh hùng Lê Mã Lương khẳng định.

Vị Đại tướng của nhân dân

Theo lời kể của Đại tá Nguyễn Văn Bảy, Anh hùng LLVTND, năm 1954, ông là bộ đội Sư đoàn Bộ binh 338 tập kết ra Bắc. Nghe tin có bộ đội từ miền Nam mới ra, Đại tướng Võ Nguyên Giáp liền tới thăm. Đại tướng ân cần bắt tay từng người rồi hỏi thăm tình hình sức khỏe sau những ngày đi đường. Đại tướng không quên dặn dò chúng tôi giữ gìn sức khỏe để sắp tới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mọi người rất đỗi cảm động trước tình cảm thân thương của Đại tướng dành cho đồng bào miền Nam. Ai nấy đều tự hào vì được gặp một vị tướng văn võ song toàn, tài đức vẹn toàn. Tình cảm gần gũi, thân thương của Đại tướng đã trở thành nguồn sức mạnh to lớn động viên tinh thần những người con miền Nam chúng tôi, khiến mọi người thật sự ấm lòng và tin tưởng sắt đá vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Một lần Bác Hồ đến thăm đơn vị phi công, Bác hỏi Đại tá Nguyễn Văn Bảy: “Chú đã bắn rơi được mấy chiếc máy bay Mỹ?”. Ông trịnh trọng trả lời: “Dạ thưa Bác, cháu bắn rơi được 4 chiếc rồi ạ!”. Về sau, ông có dịp gặp Bác nhiều lần, lần nào Bác cũng hỏi ông bắn rơi thêm bao nhiêu máy bay nữa. Lúc đó, có Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi cùng nên Bác quay sang Đại tướng nói vui: “Chú Giáp làm thế nào để mỗi khi nhìn thấy các chú phi công là Bác biết ngay người đó bắn rơi được bao nhiều máy bay nhé…”. Tưởng Bác nói vui nên tôi không suy nghĩ gì, nào ngờ chỉ ít lâu sau, Đại tướng trực tiếp chỉ đạo mỗi khi phi công bắn rơi máy bay Mỹ đều được thưởng một huy hiệu mới đúc to ghi rõ số máy bay bắn rơi được để chỉ cần nhìn số huy hiệu là biết ngay phi công đó bắn rơi được bao nhiêu máy bay địch.

Câu chuyện tưởng chừng rất nhỏ ấy nhưng đã khiến tôi thấm thía một điều: Đại tướng hiểu ý Bác từ việc nhỏ đến việc lớn.

Với nhân dân ta, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là “vị Đại tướng của nhân dân”, với thế giới, Đại tướng là một danh tướng lẫy lừng của thế kỷ 20

KHÁNH NGUYỄN - MINH NGỌC - MAI AN

Tin cùng chuyên mục