Hàng chục năm qua, chúng ta nghe nói đến 5 chiến sĩ - 5 người anh hùng Cuba bị giam cầm phi lý trong nhà tù của Mỹ vì hoạt động bảo vệ lợi ích Cuba trên đất Mỹ. Mới đây, các anh đã được Mỹ trả tự do. Và một trong số họ, anh Antonio Gurrero Rodrigue đang có mặt tại Việt Nam dự Hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương đoàn kết với Cuba lần VII, diễn ra ngày 8 và 9-9 tại Hà Nội.
Anh đã dành cho phóng viên Báo SGGP buổi trò chuyện đặc biệt về những tháng năm bị giam cầm trong nhà tù của Mỹ, về tình cảm mà nhân dân Việt Nam đã dành cho anh trong suốt những năm tháng đó.
Bức ảnh Antonio cầm bức chân dung Bác Hồ do chính tay anh vẽ trong nhà tù của Mỹ
° PV: Chúng tôi đã nghe về các anh rất nhiều và đã nhiều lần viết về các anh. Hôm nay chúng tôi rất xúc động vì đã được gặp người anh hùng Cuba bằng xương bằng thịt. Anh có nghĩ rằng sẽ có ngày mình đến Việt Nam như hôm nay?
° Anh hùng Cuba ANTONIO GURRERO RODRIGUE: Trong thời gian bị giam giữ trong nhà tù của Mỹ, tôi đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành, tình cảm yêu quý của nhân dân Việt Nam. Nhiều tổ chức, cá nhân đã ký tên vào thư thỉnh nguyện gửi Tổng thống Mỹ yêu cầu trả tự do cho 5 người chúng tôi. Có đồng chí đã gửi thư trực tiếp động viên chúng tôi cố gắng chịu đựng gian lao, tin tưởng vào chiến thắng của chính nghĩa. Có thể nói, hình ảnh Việt Nam luôn trong trái tim tôi trong suốt thời gian tôi bị giam giữ phi lý trong nhà tù của Mỹ. Và giờ đây được đặt chân đến Việt Nam, tôi cũng rất xúc động. Hôm qua, tôi đã đi dạo khắp nơi ở TPHCM cùng với chiếc máy ảnh để ghi nhận cuộc sống trên đất nước mà tôi yêu quý này.
° Anh có thể kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện 17 năm về trước?
°Vào những năm 1990, khi Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, Cuba gặp rất nhiều khó khăn. Cộng đồng người Cuba lưu vong ở Mỹ được sự hỗ trợ của chính quyền Mỹ không ngừng chống phá Cách mạng Cuba. Lúc đó, Cuba muốn phát triển ngành công nghiệp du lịch nhưng họ tiến hành nhiều hoạt động chống phá, đánh bom khủng bố trên đất nước chúng tôi để đe dọa du khách đến với Cuba. Đảng và Nhà nước Cuba muốn tiêu diệt nạn khủng bố nên đã cử chúng tôi sang Mỹ, thu thập thông tin về các tổ chức Cuba lưu vong phản động.
|
Chúng tôi đi bằng nhiều con đường khác nhau. Ba tôi từng sống ở Mỹ nên tôi nhập cảnh vào Mỹ khá dễ dàng. Chúng tôi đã phát hiện và góp phần ngăn chặn nhiều âm mưu đánh bom khủng bố khách sạn ở Cuba. Vào năm 1997, Chính phủ Cuba đã chuyển hồ sơ về tên khủng bố Luis Posada Carriles, kẻ từng đánh bom ở thủ đô La Habana vào năm 1997 và bắn rơi 2 máy bay mà Mỹ dùng giúp đỡ người Cuba vượt biển sang Mỹ rồi đổ cho lực lượng dân quân Cuba. Thế nhưng, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã không sử dụng hồ sơ đó để điều tra Luis Posada Carriles mà sử dụng hồ sơ lần ra dấu vết của chúng tôi. Và chúng tôi bị bắt vào tháng 9-1998. Chúng tôi bị giam giữ 17 tháng trước khi có phiên tòa xét xử. Tòa án Mỹ đã buộc tội chúng tôi 26 tội danh, trong đó có tội làm gián điệp trên đất Mỹ mà không có bằng chứng nào.
° Khi anh bị bắt, các con anh bao nhiêu tuổi? Ai chăm sóc các cháu? Một khoảng thời gian rất dài không được cha chăm sóc chắc các cháu nhớ anh lắm? Cha con anh có được thường xuyên liên lạc với nhau không?
°Lúc tôi bị bắt, con trai lớn của tôi 13 tuổi và cậu con trai nhỏ mới 6 tuổi. Gia đình tôi chăm sóc các cháu, và Chính phủ luôn quan tâm chăm lo cho gia đình tôi. Tôi cũng được gặp con vài lần trong suốt 16 năm ấy.
° Anh có bị lao động khổ sai ở trong tù?
°Tôi nhận được sự kính trọng của các cai ngục và tù nhân vì họ biết rõ về trường hợp của tôi. Vì tôi từng là thầy giáo nên họ đề nghị tôi dạy tiếng Anh cho các tù nhân nói tiếng Tây Ban Nha, hoặc các tù nhân Mexico, Colombia…
° Họ có trả lương cho anh chứ?
° Có, nhưng chỉ là tượng trưng, 30 USD mỗi tháng.
° Anh đã làm những gì để giữ vững niềm tin, tình yêu vào cuộc sống trong những năm tháng đó?
° Ngay từ ngày thứ 2 sau khi bị đưa đến nhà tù hà khắc nhất nước Mỹ, tôi bắt đầu viết sách. Trong 16 năm bị giam giữ, tôi đã viết 9 quyển sách, bao gồm cả các tập thơ. Tôi cũng học vẽ và đã vẽ chân dung các nhà lãnh đạo của chúng ta như Chủ tịch Fidel Castro, Chủ tịch Hồ Chí Minh… Trong thời gian đó, chúng tôi nhận được sự ủng hộ hết lòng, sự yêu mến của các cá nhân, tổ chức và nhân dân ở nhiều nước khác nhau trên thế giới. Và khi biết mình được ủng hộ, yêu mến, chúng tôi nghĩ mình đã là người tự do.
° Hiện nay, anh đang đảm nhiệm công việc gì?
°Tôi làm bất cứ việc gì cách mạng giao cho. Hiện nay, tôi đi nhiều nơi để kể lại câu chuyện của chúng tôi, về sự phi lý của lệnh bao vây cấm vận của Mỹ chống lại Cuba, về cuộc đấu tranh vì chính nghĩa của nhân dân Cuba.
Cuộc gặp gỡ xúc động giữa hai người đồng chí Trong cuộc tiếp đón đoàn đại biểu Cuba của Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba TPHCM, chúng tôi xúc động chứng kiến cuộc gặp gỡ giữa anh hùng Cuba Antonio Gurrero Rodrigue và bà Hồ Thị Minh Nguyệt - nguyên Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị TPHCM. Vào năm 2006, bà Minh Nguyệt đã gửi bức thư cho Antonio, với tư cách một cựu tù nhân chính trị từng bị giam cầm trong nhà lao đế quốc Mỹ, bà đã động viên anh vượt qua thử thách, tin tưởng vào chiến thắng của chính nghĩa. Bà Hồ Thị Minh Nguyệt và anh Antonio chụp hình kỷ niệm tại buổi gặp gỡ ngày 6-9-2015 Nhận được thư của bà Minh Nguyệt, từ trong nhà tù của Mỹ, Antonio đã viết bức thư trả lời: “Việc biết rằng những người anh em Việt Nam đang ở bên cạnh chúng tôi trong cùng một chiến hào, làm cho trái tim chúng tôi tràn đầy sức mạnh và khẳng định niềm tin của chúng tôi vào chiến thắng”. Kèm theo lá thư là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do chính tay anh vẽ cách đó không lâu và tấm ảnh anh cầm bức chân dung của Bác Hồ được chụp trong tù. |
VIỆT TRUNG - ĐỖ VĂN (thực hiện)