Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh (1916 - 2016)
1. Trong cơ quan lãnh đạo đầu não của Trung ương Cục miền Nam, anh Tư Kỉnh (Nguyễn Văn Kỉnh) là người trẻ tuổi nhất và là người duy nhất sinh trưởng tại Sài Gòn. Đặc biệt, anh là một trí thức dân Tây (có quốc tịch Pháp), đây là hiện tượng rất độc đáo trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta qua các thời kỳ cách mạng.
Những ai được tiếp xúc ngay trong buổi đầu gặp gỡ cũng đều nhanh chóng có thiện cảm với anh Tư Kỉnh bởi cách giao tiếp chân tình, sự thân thiện, cởi mở xuất phát từ tấm lòng nhân ái của anh.
Là Phó Bí thư thường trực Xứ ủy Nam bộ và là Ủy viên thường trực Trung ương Cục miền Nam trong kháng chiến chống Pháp, hàng ngày anh phải giải quyết một khối lượng lớn công việc, phải tiếp xúc với nhiều cán bộ của các cơ quan, đơn vị, các địa phương và các cấp, các ngành. Trong khi giải quyết công việc, lúc bình thường cũng như khi gặp những chuyện khó khăn gút mắc, anh luôn chủ động xử lý mọi tình huống bằng thái độ bình tĩnh và tính tự chủ cao.
Nguyễn Văn Kỉnh không bao giờ dùng quyền uy để áp chế cán bộ. Một trong những điểm ưu việt trong nghệ thuật lãnh đạo của anh là biết tìm cách khơi dậy tính năng động của cấp dưới trên cơ sở phát huy nội lực để tự tu dưỡng, tự rèn luyện bản thân.
Từ trái sang: Đồng chí Bùi Văn Dự, Nguyễn Văn Kỉnh, Thạch Cang (tháng 3-1950) Ảnh tư liệu
Tôi nhớ trong những năm kháng chiến, có một số cán bộ lãnh đạo cấp cao đã từng nổi danh là hay “chỉnh đốn tư tưởng” cán bộ nhưng anh Tư Kỉnh không làm điều ấy, bởi anh nhận thức rằng công tác tư tưởng, công tác về con người vốn có quy luật riêng. Khi tiếp xúc với những cán bộ phạm phải khuyết điểm sai lầm, anh đã lấy việc cảm hóa con người và chinh phục nhân tâm bằng đức trị. Tư duy giáo dục cán bộ của anh đã được thể hiện chắt lọc trong ngôn ngữ văn hóa giao tiếp, khiến cho người nghe tiếp thu thoải mái trong sự thấu lý đạt tình.
2. Nguyễn Văn Kỉnh là người sống rất thủy chung, trong tình yêu đối với Tổ quốc và nhân dân cũng như đối với gia đình, anh em, đồng chí, bạn bè. Vào cuối những năm 1960, trong thời gian diễn ra Hội nghị Paris về Việt Nam, mỗi lần anh Sáu Thọ (tức đồng chí Lê Đức Thọ) từ Hà Nội sang Paris hoặc từ Paris về Hà Nội đều dừng chân một đôi ngày tại Mátxcơva. Thời gian này, anh Tư Kỉnh làm Đại sứ nước ta tại Liên Xô. Anh thường tranh thủ thời gian tới thăm và trò chuyện tâm tình với anh Sáu Thọ. Có lần, tôi rất cảm động trông thấy anh đem một bộ lễ phục và đôi giày đẹp nhất của mình để tặng anh Sáu sử dụng trong công tác đối ngoại ở Paris. Xúc động trước tấm chân tình đó, đồng chí Cố vấn Lê Đức Thọ những lúc ngồi trước bàn hòa đàm đối diện với Tiến sĩ Henri Kissinger - Cố vấn của Tổng thống Mỹ, đã không e ngại mà nhiều lần mặc áo quần và mang giày của người bạn chiến đấu từng nằm sương gối đất với mình trên chiến trường Nam bộ này.
3. Một trong những đặc điểm nổi bật của anh Tư Kỉnh là giàu ý chí tiến thủ, ham học hỏi. Ngoài giờ công tác, anh thường ngồi đọc đến thâu đêm. Trên giá sách và tại bàn làm việc của anh không bao giờ thiếu vắng các loại sách báo bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Nga và Quốc tế ngữ. Anh có thói quen đáng quý là khi đọc sách báo thường quan tâm ghi chép những đoạn văn hay, những số liệu thống kê cập nhật và các sự kiện đáng lưu ý để phục vụ cho nhu cầu công tác. Do kết quả của quá trình chuyên cần lao động, anh đã tích lũy được nguồn tư liệu phong phú, dồi dào trên nhiều lĩnh vực hoạt động.
Một điều đáng để cho chúng ta học tập là anh Tư đã tự trang bị cho mình thứ vũ khí rất lợi hại để sử dụng trong công tác - vốn liếng quý báu về tiếng nước ngoài. Có thể nói trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta (cả khóa II và khóa III), ngoài Bác Hồ, anh Tư Kỉnh là người giỏi ngoại ngữ nhất. Anh có thể sử dụng tốt các thứ ngôn ngữ: Pháp, Anh, Nga, Quốc tế ngữ, biết tiếng Tây Ban Nha và có thể giao dịch bằng tiếng Quảng Đông.
4. Mặc dù là người học nhiều hiểu rộng, giỏi ngoại ngữ, đã từng viết báo và tham gia quản lý hàng chục tờ báo, tạp chí được ấn hành trong các thời kỳ hoạt động công khai, bí mật và trong những tháng năm kháng chiến chống Pháp, song anh Tư là một người rất khiêm tốn. Anh nghe nhiều, xem nhiều, đọc và viết nhiều hơn là nói.
Sở dĩ con người và cuộc đời anh Tư Kỉnh được đồng chí, đồng bào thương yêu là vì suốt đời anh đã bền bỉ và khổ công phấn đấu để rèn luyện cho mình có được một quan điểm nhân sinh cách mạng cao đẹp, vũ trang bằng tư tưởng tiên tiến nhất của thời đại, đó là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong bài chuyên luận “Học tập Lênin, nêu cao chủ nghĩa quốc tế vô sản” đăng trên tạp chí Học tập - tạp chí lý luận và chính trị của Đảng Lao động Việt Nam, số 6 năm 1970, anh Tư Kỉnh đã dứt khoát khẳng định: “Uống nước nhớ nguồn”, những người cộng sản Việt Nam đời đời nhớ ơn Lênin. Chính vì có chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam nên mới có Đảng ta. Nhờ có Bác Hồ, Đảng ta vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin một cách sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta để lãnh đạo cách mạng Việt Nam nên nhân dân ta mới lập được chiến công hiển hách nhất trong 4.000 năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước”.
Điều anh Tư Kỉnh nhấn mạnh đó cũng chính là nhắc nhở chúng ta không bao giờ được quên những bài học cay đắng mà Đảng Cộng sản Liên Xô và các nước Đông Âu đã phải trả giá quá đắt về sự sụp đổ trong thập kỷ 90 của thế kỷ 20. Giá trị của sự tổng kết quý báu trên đây của anh Tư còn trang bị thêm cho chúng ta vũ khí tư tưởng màu nhiệm chống lại sự suy thoái, tha hóa và biến chất về chính trị để đẩy lùi nguy cơ của sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” như Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã chỉ rõ.
TRẦN HỮU PHƯỚC
(Nguyên Thư ký của đồng chí Lê Đức Thọ - Bí thư Trung ương Cục miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp)
|