Chưa bao giờ người thầy chịu áp lực nặng nề như trong ngày hôm nay, ngày 20-11, ngày tôn vinh sự đóng góp chung của họ vì sự thịnh vượng của dân tộc, vì sự phát triển đi lên từ công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Phải nói thật, chúng ta thoát nghèo phần nhiều là nhờ công sức người thầy, và để trở thành công dân một đất nước có mức thu nhập trung bình 1.200 USD/người theo chuẩn trung bình của thế giới, chúng ta cũng phải nhờ cậy sự đóng góp của những người “rũ bùn, đứng dậy sáng lòa” như người ta hay nói về những người khoác áo lính - mà trong số đó có không ít những nhà giáo - một thời ra đi vì Tổ quốc, vì tương lai dân tộc.
Trên bình diện hôm nay, với cuộc đấu tranh sinh tồn - còn cam go hơn “một thời đạn bom, một thời hòa bình” - là sự hòa nhập trong cạnh tranh thương trường - thì người thầy có vai trò đặc biệt quan trọng. Chính họ đã góp phần quan trọng quyết định vận mệnh đất nước. Và cũng chính vì thế, họ chịu áp lực lớn hơn hết thảy chúng ta. Thành tích ư, đành rằng cũng có vì đó là một phần của cuộc sống, vì đó là “thương hiệu” của cơ sở giáo dục mà người thầy là đại diện. Nhưng không hiểu sao, chúng ta vẫn nhói tim khi người thầy buộc phải “làm thêm, dạy thêm” trong sự mưu sinh cơm áo, gạo tiền.
Mới đây, khi có một nghị định của Chính phủ - Nghị định 49 - quy định mức tăng đóng góp của người dân đối với sự nghiệp giáo dục, tăng học phí lên mức tối đa là 200.000 đồng/tháng với khối phổ thông công lập - thì nhiều thầy cô thật mừng nghĩ rằng cuộc đời họ có lẽ ấm áp hơn, đỡ hẩm hiu trong phận “phấn trắng, bảng đen”, song rốt cuộc họ …vẫn phải sống trong lay lắt hy vọng chờ “sự tăng lương tối thiểu” của mặt bằng chung. Và có lẽ “cái CPI” chỉ mức tăng giá cả hàng tháng ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số IQ của người thầy cũng như mức hấp thụ lượng kiến thức truyền đạt.
Vì lẽ không ai dám vượt “khung” khi phần lớn ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục là trả lương cho giáo viên và còn có quá nhiều định kiến khác trong quan niệm xã hội. Họ hiểu: Đất nước còn nghèo, còn gồng mình vì nhiều mục tiêu khác, nhất là việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Nhưng vẫn buồn vì thân phận “người chở đò” chưa được coi trọng đúng mức khi ít giờ dạy thêm bằng lao động chính đáng vẫn bị tị nạnh và sự lên án chung. Người thầy không muốn vậy, song vẫn phải đành làm vậy bởi chương trình học quá nặng, bởi… chính họ cũng phải ráng tồn tại để đủ sức đứng vững trên bục giảng. Đó là nỗi khổ chung, ai cũng biết, ai cũng hiểu, nhưng ai sẽ chia sẻ “nỗi đau khổ không phải của riêng ai”?
Ngày xưa, thăm thầy chỉ bằng tấm lòng “muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy” thì nay thật khó… Người ta nói nhiều đến “văn hóa phong bì”, đến sự đổi chác của đồng tiền lấy “tín chỉ”… dẫn đến những bi kịch không thể hình dung được, tại sao lại tồn tại sự đồi bại đến vậy trong cuộc đời. Không thiếu cảnh tượng thầy bị hành hung, bị sỉ nhục, lăng mạ…và thật buồn khi một học trò khi thăm một người thầy bị tạt axít ở Trường ĐH Nông Lâm nói rằng thầy chỉ có mỗi cô thăm nuôi, không con cái, không họ hàng và cũng bởi “sự tử tế đã làm hại thầy. Cứ cho điểm thì đâu nên nỗi…”.
Còn nữa, những sự thật nhức nhối khi hình ảnh người thầy bị bôi nhọ trên mạng, bị phát tán trong “thế giới ảo” bởi lẽ thầy vì hoàn cảnh sống đã không theo kịp sự phát triển của công nghệ tiên tiến. Hơn nữa, với một cường độ làm việc chóng mặt - số giờ lên lớp gấp 2, 3 lần so với ở các nước phát triển, người thầy Việt cũng chỉ là “cỗ máy dạy” không hơn không kém nên thật khó mà nói đến sự “cách tân” không đọc chép và khơi gợi sự tự do sáng tạo như chúng ta vẫn hằng mong muốn. Tóm lại, để có ngày nhà giáo thật sự, chúng ta còn nhiều điều phải làm từ chuyện thực thi bằng được lời hứa giáo viên sống được bằng lương đến thay đổi cơ chế đánh giá chất lượng giáo dục, coi giáo dục là thước đo đánh giá mức độ hoàn thành trách nhiệm của các cấp quản lý trung ương và địa phương…
Và thật mừng khi mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã cấp riêng cho GS Ngô Bảo Châu một căn hộ cao cấp rộng 160m², để GS có thể cống hiến sức sáng tạo cho ngành toán học cũng như giáo dục chung của đất nước. Đó chính là cú hích để các ngành, các cấp dành thêm nhiều ưu đãi cho người thầy trong sự nghiệp trồng người gian nan vì sự phát triển đi lên của đất nước.
BÍCH AN