(SGGP).- Ngày 4-4, tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Bộ NN-PTNT Việt Nam chủ trì cuộc họp Hội đồng Giám đốc Trung tâm phát triển nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC) lần 48. Tham dự có các thành viên trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đại diện Nhật Bản.
Nghề cá đã được xem là một ngành quan trọng đóng góp đáng kể cho an ninh lương thực ở nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Nhằm mục đích giải quyết các vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển nghề cá bền vững, các nước ASEAN và Trung tâm SEAFDEC đã tổ chức các cuộc họp thường niên, nhằm đưa ra những kế hoạch hành động cụ thể. Trong bối cảnh hiện trạng nguồn lợi thủy sản đang xấu đi và có nhiều vấn đề phát sinh, những vấn đề tồn tại liên quan đến nghề cá cần nhanh chóng được giải quyết, nhất là trong những năm gần đây, vấn đề an ninh trên biển, ngư trường khai thác của một số nước bị xâm phạm trắng trợn, đòi hỏi có sự phối hợp xử lý. Bởi vậy, việc các nước trong cộng đồng ASEAN cần quan tâm, thắt chặt hơn trong việc phối hợp đưa ra các giải pháp cho nghề cá và đảm bảo an ninh cho vùng biển trong khu vực.
Việt Nam có thế mạnh khai thác cá ngừ nhưng hiệu quả chưa cao
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam Vũ Văn Tám cho biết, các mặt hàng hải sản Việt Nam có mặt trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ; kim ngạch xuất khẩu luôn tăng, nhưng ngành thủy sản Việt Nam còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhiều rủi ro, giá trị chưa cao nên ngành thủy sản chưa phát triển như kỳ vọng. Vậy nên, hơn 4 triệu lao động có thu nhập trong lĩnh vực này bị ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Ông Tám cho biết, thời gian qua ngư dân Việt Nam gặp phải rất nhiều thách thức trên biển, đặc biệt là vấn đề an toàn khi khai thác trên vùng biển chủ quyền Việt Nam, khi diễn biến trên biển ngày càng trở nên phức tạp. Từ năm 2014 đến nay, tổng số tàu cá Việt Nam bị nạn trên biển là 3.967 vụ, tổng số người chết và bị thương lên đến 2.364 trường hợp. Đây là một thách thức không nhỏ của Việt Nam cũng như các nước trong cộng đồng ASEAN.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng để đảm bảo an ninh trên biển, nhất thiết phải hạn chế, kiểm soát được tình hình khai thác cá bất hợp pháp. Thời gian qua, nhiều nước ASEAN đã xây dựng cơ chế đối thoại, trao đổi thông tin liên quan đến ngư trường, tình hình cứu nạn, cứu hộ trên tinh thần hữu nghị, nhân đạo…, bước đầu đã cho kết quả khả quan, cần nhân rộng. Riêng đối với Việt Nam, thời gian qua đã nỗ lực thiết lập và vận hành đường dây nóng với các nước ASEAN. Trong đó, đường dây nóng giữa Việt Nam - Philippines đã có hiệu quả. Hiện Việt Nam đang xúc tiến hợp tác qua đường dây nóng với các nước khác trong khối ASEAN, như: Malaysia, Campuchia, Thái Lan, Brunei... Việt Nam cũng cam kết phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên để xây dựng các quy chế đối thoại, trao đổi thông tin, tiến tới thiết lập, vận hành đường dây nóng cấp độ song phương và đa phương trong khối kinh tế ASEAN.
VĂN NGỌC