Xã hội lại đang nhìn và theo dõi việc chạy trường. Báo SGGP lại tiếp tục hành trình, như bao lần khác, phản ánh những câu chuyện thực tế. Vẫn còn đó sự bỏ ngỏ câu trả lời cho vấn đề luôn mang tính thời sự và suy nghĩ này. Vâng, chỉ cần đưa ra kỳ vọng nhỏ của một vấn đề lớn: Giảm bớt chút xíu việc chạy trường, chứ không hoàn toàn hy vọng, mặc dù muốn, đề cập đến vấn đề lớn hơn: Hết chạy trường.
Việc chạy trường là một vấn đề xã hội đã kéo dài qua nhiều năm, cứ đến hẹn lại lên. Vấn đề này trở thành nỗi ám ảnh cho phụ huynh học sinh và gây không ít khó khăn trong việc tuyển sinh. Nên cần thiết phải nhìn nhận thẳng nguyên nhân và từ đó có giải pháp căn cơ để giải quyết tận gốc vấn đề này.
Nguyên nhân của việc chạy trường là do tồn tại sự khác biệt đáng kể về chất lượng giữa các trường học, phụ huynh có nhu cầu cho con em mình được học ở một trường học có chất lượng tốt, nhưng không may, trường học đúng tuyến có chất lượng kém hơn so với một trường khác ngoài tuyến.
Khi đã có nhu cầu từ phụ huynh, một thị trường về nơi chốn học cho học sinh phát sinh là điều không thể tránh khỏi. Các trường học có chất lượng tốt, sau khi tuyển hết số học sinh trong tuyến, sẽ tiếp tục tuyển học sinh ngoài tuyến. Đây là nguồn “cung” để đáp ứng “cầu” cho những phụ huynh “chạy” trường.
Tất nhiên thị trường này sẽ có giá của nó. Có thể giá bằng tiền hoặc bằng quan hệ xã hội. Như vậy, xóa bỏ thị trường này là một giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề “chạy” trường. Nếu tập trung khía cạnh “cung”, tức là kiểm soát việc tuyển sinh của các trường học thì không giải quyết được vấn đề nếu nhu cầu “chạy” trường vẫn còn tồn tại. Việc kiểm soát càng nghiêm, giá có khi càng cao.
Nhu cầu của phụ huynh “chạy” cho con mình được học một trường học ngoài tuyến có chất lượng tốt là một nhu cầu chính đáng, không có tội, mà đúng hơn là rất tích cực vì họ quan tâm đến chất lượng giáo dục của con em họ. Không ai bỏ tiền hoặc công sức một cách vô nghĩa để xin cho con mình được vào học một trường ngoài tuyến, mà còn phải đưa đón con đi xa hàng ngày.
Quan điểm chung, để triệt tiêu thị trường này cần phải triệt tiêu “cầu”, có nghĩa là phải giảm sự khác biệt về chất lượng giữa các trường học. Chất lượng của các trường học khác nhau là do 3 nguyên nhân: Cơ sở vật chất, giáo viên và học sinh.
Theo tôi, cần lưu ý đến các giải pháp sau đây: Thứ nhất, công khai minh bạch cho người học. Ở đâu và lúc nào cũng vậy, tính công khai minh bạch luôn được quan tâm hàng đầu. Phụ huynh có quyền biết về những lợi ích, những gì tốt, xấu về nơi mà họ cho con em của mình gửi gắm mấy năm trời và hơn thế nữa, tạo đà tốt cho tương lai. Và người học sẽ có cân nhắc về những điều thiệt – hơn để chọn lựa.
Thứ hai, giảm sự khác biệt về cơ sở vật chất. Nhà nước cần phải ưu tiên tập trung ngân sách hoặc nguồn xã hội hóa để phát triển nhanh cơ cở vật chất cho các trường thiếu, kém hiện nay, để cơ sở vật chất không còn quá cách xa nhau giữa các trường.
Thứ ba, giảm sự khác biệt về đội ngũ giáo viên. Việc này có tính 2 mặt rất lớn. Phải thừa nhận một thực tế là đội ngũ giáo viên chưa đồng đều. Cần phải có giải pháp để không còn khác nhau đáng kể về chất lượng giáo viên giữa các trường.
Trong lúc này, nên thực hiện chính sách luân chuyển giáo viên giữa các trường trong một phạm vi nhất định. Vào đầu mỗi năm học, phòng giáo dục quận (huyện) sẽ thực hiện luân chuyển giáo viên, như vậy sẽ giảm sự khác biệt về chất lượng giáo viên. Rất khó mà làm được việc này. Tuy nhiên, nếu hạ quyết tâm thì… biết đâu được?
Th.S Trần Đình Lý