Viết tiếp “Đề án 112 ở Lạng Sơn - Đưa cả dân buôn vào đào tạo”

Bà giám đốc… liều

Bà giám đốc… liều

Báo SGGP 12 Giờ ngày 11-10 có bài “Đề án 112 ở Lạng Sơn - Đưa cả dân buôn vào đào tạo”, đề cập những sai phạm của Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp (KTTH - HN) Lạng Sơn: “ép” hàng chục học sinh “nhập vai” nông dân, đưa dân buôn vào đào tạo tin học... Sau khi báo nêu, chúng tôi đã nhận thêm nhiều thông tin.

  • Sử dụng văn bằng giả
Bà giám đốc… liều ảnh 1

Những giáo viên, nhân viên ở Trung tâm KTTH-HN tỉnh Lạng Sơn đang bị o ép, trù dập bằng nhiều hình thức

Chúng tôi đã đến Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để tìm hiểu về “thầy” Nguyễn Văn Trí (được Trung tâm KTTH-HN mời về làm “giảng viên”) vì bằng cử nhân của anh Trí được ĐH Bách khoa Hà Nội cấp năm 1985.

Trước đó, chúng tôi đã gặp Giám đốc Nguyễn Thị Bình, bà đã đưa bằng cử nhân của anh Trí để chứng minh. Thế nhưng, ông Hoàng Thắng, Phó trưởng Phòng Đào tạo ĐH Bách Khoa Hà Nội khẳng định, bằng của anh Trí là giả mạo. Bởi thời điểm năm 1985, hiệu trưởng nhà trường là thầy Hà Học Trạc chứ không phải thầy Nguyễn Minh Hiển (năm 1995 thầy Hiển mới làm hiệu trưởng).

Thêm nữa, văn bằng lại ghi: “Căn cứ vào quy chế về văn bằng bậc đại học ban hành theo Quyết định số 1994/QĐ-ĐH ngày 23-11-1990 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT…”. Bằng được cấp năm 1985, nhưng lại căn cứ theo quyết định… năm 1990 (!?). Ông Hoàng Thắng cũng chỉ rõ cho chúng tôi thấy sự khác nhau giữa mẫu bằng cấp năm 1985 (hoa văn, số hiệu, con dấu, ngày, tháng, năm) của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội với mẫu bằng bà Bình đưa…

Như vậy đã rõ, việc giám đốc Nguyễn Thị Bình cố tình đưa thợ sửa xe, sử dụng văn bằng giả vào làm giảng viên là sai phạm. Tuy nhiên, những sai phạm của bà Bình không dừng lại ở đây.

  • Cậy thế làm liều!

Cách đây 3 năm, Phòng Tài vụ Trung tâm KTTH-HN Lạng Sơn phát hiện bị mất 50

Bà giám đốc… liều ảnh 2
Tấm bằng tốt nghiệp giả của "thầy giáo" Trí

 triệu đồng đựng trong két. Không những mất tiền, 1 chiếc  nhẫn và đôi hoa tai của cô thủ quỹ để trong két cũng “biến mất”. Công an Lạng Sơn vào cuộc và kết luận, két không có dấu hiệu bị phá từ bên ngoài vì 3 lớp khóa được mở gọn gàng, két được mở bởi người biết rõ mật mã. Kết luận là vậy nhưng mãi 3 năm sau, công an vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Ngày 31-8-2006, giám đốc Bình tự ý ra quyết định “xử lý” thủ quỹ Triệu Thị Bích, yêu cầu bồi hoàn toàn bộ tiền bị mất. Mỗi tháng, trung tâm trích khấu 30% lương của cô Bích để “trả lại” quỹ.

Từ tháng 8-2006 đến nay, cô Bích đã nhiều lần “kêu oan” lên Sở GD-ĐT Lạng Sơn. Cô cho rằng, việc làm của giám đốc trung tâm (khi chưa có kết luận điều tra từ công an) là sai phạm. Vả lại, hiện trường vụ án có nhiều điểm khả nghi: khi xảy ra mất tiền trong két, có 1 tủ gỗ đặt cạnh két, trong tủ có 1 dây chuyền, 1 nhẫn vàng, 1 đôi hoa tai vàng và 1 sổ tiết kiệm của cơ quan thì không hề hấn gì?!...

Việc làm của bà Bình khiến nhiều giáo viên bức xúc và cô Nghiêm Thị Liên đã tố cáo sai phạm của bà Bình. Cô Liên cho biết: “Ngày 18-5-2006, danh sách học sinh lớp 12 đủ tiêu chuẩn thi tốt nghiệp THPT đã chốt và gửi lên tỉnh. Thế nhưng hôm sau, bà Bình yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm phải cho thêm 3 “học sinh cá biệt” gồm: Đoàn Hoàng Anh, Lương Xuân Hòa (lớp 12B) và Trịnh Xuân An (lớp 12A) dự thi tốt nghiệp. Hỏi lý do, bà Bình nói vì phụ huynh của em Đoàn Hoàng Anh là ông Đoàn Minh Hà, Công an Lạng Sơn”. Cô Liên cho rằng, 3 em này không đủ điều kiện dự thi vì bỏ học quá nhiều (bỏ học 58 buổi/năm), điểm trung bình dưới 4,0. Tuy nhiên, bà Bình vẫn cố “giúp” các em này đi thi tốt nghiệp.

Theo tố cáo của giáo viên vật lý Đặng Hồng Thúy, tháng 6-2006, khi tổ chức chấm thi tốt nghiệp, bà Bình với tư cách là Phó chủ tịch Hội đồng chấm thi đã tự tay cầm bút sửa bài thi vật lý của Đoàn Hoàng Anh rồi yêu cầu giáo viên chấm thi nâng cho em này từ 2 điểm lên 4,5 điểm.

  • “Loại” dần người chống tiêu cực

Những việc làm sai trái của giám đốc Nguyễn Thị Bình ngày càng bị giáo viên phản đối kịch liệt. Họ trở thành “cái gai” trong mắt bà và bà tìm cách “loại” dần từng người một.

Sau khi Báo SGGP 12 Giờ đăng thông tin về tiêu cực ở Trung tâm KTTH-HN Lạng Sơn, Chánh Thanh tra Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TBXH) Lê Vinh và đoàn công tác đã lên kiểm tra những vấn đề liên quan, bước đầu khẳng định có sai phạm ở đây. Ông Lý Mạnh Thường, Giám đốc Sở LĐ-TB XH tỉnh Lạng Sơn cũng thừa nhận một phần trách nhiệm của Sở do không giám sát, theo dõi thường xuyên mà nguyên do là trung tâm không báo cáo.

Đầu tiên là cô Nghiêm Thị Liên. Xét thi đua cuối năm, cô Liên bị bà Bình xếp loại trung bình, không được thưởng. Sau đó, đến lượt cô Đặng Hồng Thúy bị “buộc tội” trong các cuộc họp. Bà Bình yêu cầu cô Thúy “viết kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật”. Đến ngày 16-7-2007, bà Bình triệu cuộc họp đột xuất bỏ phiếu kỷ luật cô Thúy.

Giám đốc Bình còn nghi ngờ bàø Dương Thị Thau, cán bộ văn thư, đã làm “nội gián” cho nhóm người chống tiêu cực. Gần đây, bà “triệu” bà Thau lên bắt nhận tội, ép phải nghỉ phép và làm tờ trình về việc kỷ luật bà Thau. Con dấu bà Thau đang giữ cũng bị bà Bình thu lại.

VĂN PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục