Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Trái tim nóng nhưng đầu phải lạnh

Trước những diễn biến trên thực địa cũng như trong ngoại giao liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép trên vùng biển Việt Nam và tấn công tàu Việt Nam, Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với bà Tôn Nữ Thị Ninh (ảnh), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội về chiêu trò của Trung Quốc và kinh nghiệm trong đấu tranh dư luận hiện nay.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Trái tim nóng nhưng đầu phải lạnh

Trước những diễn biến trên thực địa cũng như trong ngoại giao liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép trên vùng biển Việt Nam và tấn công tàu Việt Nam, Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với bà Tôn Nữ Thị Ninh (ảnh), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội về chiêu trò của Trung Quốc và kinh nghiệm trong đấu tranh dư luận hiện nay.

* PV: Bà đánh giá những gì Việt Nam phản ứng cho đến nay như thế nào, nhất là thái độ của người dân trong và ngoài nước?

* Bà TÔN NỮ THỊ NINH: Theo tôi, cho đến nay, phản ứng của Việt Nam là thích hợp. Việt Nam đã thể hiện rõ là không chấp nhận các hành động khiêu khích của Trung Quốc và khẳng định đây không phải là vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc. Khi sự việc xảy ra, chúng ta đã có tiếng nói, hành động kịp thời trên biển, trên công luận trong và ngoài nước, phù hợp với từng thời điểm. Hiện nay từ trên xuống đến dân đều có một sự thống nhất rất cao, bày tỏ thái độ mạnh mẽ, rõ ràng, dứt khoát, không tránh né. Các thực thể trong xã hội cũng lên tiếng rất quyết liệt. Truyền thông ta đưa tin đậm nét, đủ thể loại với ngôn từ thẳng thắn. Không chỉ vậy, người Việt ở nhiều nước trên thế giới cũng xuống đường biểu thị lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam.

Các hành động và thái độ của ta cho đến nay đã thể hiện rõ một thông điệp kép cho Trung Quốc và thế giới hiểu rõ ý chí, quyết tâm của nhân dân Việt Nam là rất yêu chuộng hòa bình nhưng không để bất cứ ai xâm lấn lãnh thổ của mình. Việt Nam cũng thể hiện rõ trách nhiệm của mình trong việc tham gia gìn giữ hòa bình trong khu vực. Thiện chí này của Việt Nam cũng đã được các nước trong khu vực và thế giới đánh giá cao.

Trong khi đó, xuyên suốt sự việc nói trên, Trung Quốc đã lộ rõ bản chất và dã tâm sâu xa của mình. Lẽ ra, với trách nhiệm một nước lớn, Trung Quốc phải thực hiện vai trò hàng đầu trong việc ổn định, gìn giữ hòa bình của khu vực nhưng mọi động thái của họ cho đến nay đều ngược lại hoàn toàn. Cá nhân tôi cho rằng phương thức mà Trung Quốc đang áp dụng là tìm cách tạo sự việc đã rồi sau đó từng bước âm mưu lấn rộng ra để thâu tóm biển Đông trong cái gọi là đường chín đoạn mà họ vạch ra.

* Dưới góc nhìn của một nhà ngoại giao nhiều kinh nghiệm, theo bà, trong cuộc đấu tranh dư luận, chúng ta cần chú ý thêm điều gì?

* Tôi nghĩ việc này không thể tay đôi Việt Nam - Trung Quốc giải quyết triệt để với nhau được. Với vụ việc nghiêm trọng lần này, Việt Nam phải cho thế giới và cho nhân dân Trung Quốc thấy được quan điểm, thái độ của Việt Nam. Đối với báo chí, cần chú ý các bản tin, bài viết bằng nhiều thứ tiếng, nhất là tiếng Hoa, Anh, Pháp, Tây Ban Nha.

Những phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc vài ngày qua (bản tin Reuters chiều 12-5-2014: "Trung Quốc nói nỗ lực của Việt Nam lôi kéo những nước khác vào cuộc tranh cãi sẽ thất bại") cho thấy phía Trung Quốc đã chú ý, cảm thấy "bị chạm" bởi hàng loạt biểu thị của quần chúng và các biện pháp truyền thông chuyên nghiệp của ta.

Đồng thời chúng ta quá rõ giọng lưỡi võ đoán, bất chấp lý lẽ, trịch thượng nước lớn của phía Trung Quốc. Do vậy, chúng ta phải kiên trì đẩy mạnh đấu tranh dư luận trên bình diện quốc tế, lật tẩy các luận điệu xuyên tạc, vu cáo của phía Trung Quốc, củng cố và mở rộng "vốn cảm tình" quốc tế đối với lập trường thái độ của ta. Chúng ta cũng phải nhớ đến chỗ dựa tinh thần và phát huy vai trò nhịp cầu tích cực của cộng đồng người Việt với những nước sở tại ở khắp năm châu.

Không chỉ bày tỏ quan điểm cật lực phản đối mà chúng ta cần phải có những phân tích xác đáng cho thế giới thấy lợi ích có liên quan của họ trong khu vực để cùng tham gia bảo vệ. Đáng chú ý, khu vực Mỹ Latinh, châu Phi ít biết về châu Á, nhưng Trung Quốc lại có mặt ở đó từ sớm và có những hỗ trợ, mối quan hệ kinh tế với chính quyền các nước này nên ta càng phải chú ý trong cuộc đấu tranh dư luận này. Tương tự đối với những khu vực “vùng xám” - những nơi, khu vực đang do dự, chưa biểu hiện cụ thể, ta cần tranh thủ thông tin rõ, súc tích để họ nắm sự thật, không sập bẫy của sự vu cáo, xuyên tạc của Trung Quốc.

* Nếu Trung Quốc càng ngày càng lấn tới thì theo bà, giải pháp của chúng ta là gì?

* Hiện nay theo tôi, chúng ta cần phải giữ vững khí thế, cảnh giác cao độ, luôn sẵn sàng với trái tim nóng bỏng nhưng phải giữ cho cái đầu luôn lạnh, tỉnh táo để nắm bắt được ý đồ sâu xa, thực chất của Trung Quốc, từ đó ứng phó sắc bén, kịp thời, khôn ngoan với mỗi bước có tính toán của Trung Quốc, không tạo cho họ cơ hội tiếp tục lấn tới. Chúng ta lựa chọn phương án kiên trì kết hợp đấu tranh chính trị và ngoại giao. Mặt khác, ngay lúc này cần hỗ trợ, bảo vệ, động viên ngư dân ta kiên quyết bám biển, bám ngư trường truyền thống. Song song đó, ta phải tăng cường mạnh mẽ ngoại giao nhân dân. Lúc này các đoàn thể chính trị xã hội, các hiệp hội, nhất là các tỉnh sát biên giới, người dân Việt Nam ở nước ngoài cần phải có những bước đi liên tục thiết thực tăng cường quan hệ với các đoàn thể, tổ chức và nhân dân Trung Quốc. Cần làm cho nhân dân Trung Quốc hiểu rõ bản chất vấn đề. Chúng ta phải lắng nghe chuyên gia nước ngoài về Trung Quốc chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu kỹ luật pháp quốc tế có cho ta những gợi mở về tiền lệ xử lý hay không...

Đồng thời, chúng ta sẽ phát huy bài học kinh nghiệm thành công của Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến được thế giới nhìn nhận đó là: Sức mạnh không thể bẻ gãy của đoàn kết toàn dân (tướng Pháp bại trận tại Điện Biên Phủ De Castries nhận định sau thất bại của Pháp: Người ta có thể đánh thắng một đội quân nhưng không thể đánh thắng một dân tộc, nếu dân tộc ấy đoàn kết thành một khối "trên dưới đồng lòng, cả nước giúp sức"). Ngoài ra, tác dụng lan tỏa cộng hưởng của việc kết hợp nội lực (đoàn kết toàn dân) và ngoại lực (sự thấu hiểu, đồng cảm và ủng hộ của quốc tế).

Ngoài mặt trận thực địa ngoài khơi, chúng ta cần không ngừng đẩy mạnh mặt trận đấu tranh dư luận trên bình diện quốc tế như một vũ khí hòa bình nhưng không kém sắc bén.

HỒNG HIỆP (thực hiện)

>> Cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư và ngư dân sẽ được vinh danh trong Chương trình “Vinh quang Việt Nam”

Tin cùng chuyên mục