Bác Hồ và bài học dùng người

Đây là một câu chuyện gần như cổ tích vì bây giờ, ngay các "quan huyện" cũng có xe con bóng lộn đi công cán, đến độ chính phủ phải đặt ra "định mức" giá mua xe cho cán bộ các cấp. Gọi là cổ tích không chỉ vì xảy ra cách đây hơn 60 năm, mà còn vì câu chuyện hậu thế mãi có thể kể lại cho nhau nghe, để soi vào mình, nhằm thấy rõ đục - trong, xấu - tốt.
Bác Hồ và bài học dùng người

45 năm thực hiện di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đây là một câu chuyện gần như cổ tích vì bây giờ, ngay các "quan huyện" cũng có xe con bóng lộn đi công cán, đến độ chính phủ phải đặt ra "định mức" giá mua xe cho cán bộ các cấp. Gọi là cổ tích không chỉ vì xảy ra cách đây hơn 60 năm, mà còn vì câu chuyện hậu thế mãi có thể kể lại cho nhau nghe, để soi vào mình, nhằm thấy rõ đục - trong, xấu - tốt.

Chuyện xảy ra tại rừng Việt Bắc hồi đầu kháng chiến chống Pháp. Cụ Hồ thấy nhiều vị trong Mặt trận, Quốc hội, Chính phủ, tuổi đã cao nhưng ngại nằm cáng, thường phải trèo đèo lội suối vất vả, nên đã đề nghị Bộ Tài chính chi ngân sách mua một số con ngựa cho các cụ. Ông Vũ Đình Huỳnh, bí thư của cụ Hồ, được giao nhiệm vụ này, một việc không dễ dàng vì phải tìm được ngựa thuần nết, chứ "ngựa hay mà háu đá", lỡ các cụ bị tai nạn thì người mua ngựa cũng khó yên.

Đúng lúc ông Vũ Đình Huỳnh sắp đi Cao Bằng mua ngựa thì từ cơ quan Trung ương Mặt trận Liên Việt, ông Vi Văn Định chống gậy băng rừng sang, tình nguyện đi tìm mua ngựa cho cụ Hồ, vì ông có kinh nghiệm chọn ngựa và cũng để bày tỏ ân tri ngộ với cụ Hồ.

Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc

Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc

Xin được "mở ngoặc" để nói thêm về cái ân tri ngộ đó, cũng để bạn đọc hôm nay biết ông Vi Văn Định là người như thế nào. Ngay sau ngày Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cụ Hồ đã cử ông Vũ Đình Huỳnh đi mời ông Vi Văn Định về giúp việc nước. Với chính sách đại đoàn kết dân tộc như thế, Chính phủ đã mời nhiều vị nhân sĩ trí thức từng đảm nhiệm trọng trách dưới chế độ cũ cùng cộng tác trong sự nghiệp mới. Nhưng khi nghe chuyện mời ông Vi Văn Định, một cán bộ giúp việc cho cụ Hồ nói: "Vi Văn Định làm Tổng đốc Thái Bình khét tiếng bắt cán bộ cách mạng ta, ta không trừng trị là phúc cho ông ta, liệu có nên mời ông ta ra làm việc không, thưa Bác?". Cụ Hồ mỉm cười đáp: "Một người có "tiếng khét" chắc cũng có cả "tiếng thơm" chứ? Chúng ta khai thác, sử dụng cái tiếng thơm ấy có lợi cho sự nghiệp chung…". Cụ Hồ nói vậy vì biết nhân dân Lạng Sơn (nơi ông Vi Văn Định về nghỉ hưu từ 1942) còn ngưỡng mộ ông ta. Hơn nữa, không phải ngẫu nhiên mà hai trí thức tên tuổi là giáo sư Nguyễn Văn Huyên (từng là Bộ trưởng Bộ Giáo dục nhiều năm) và bác sĩ Hồ Đắc Di (từng là Hiệu trưởng Đại học Y Dược Hà Nội) lại là con rể và giáo sư Tôn Thất Tùng là cháu rể của ông Vi Văn Định.

Một chi tiết có thể gọi là kỳ ngộ: Nhân kể chuyện mua ngựa lại liên quan đến một nhân vật tên Ba Ngọ - một người từng bị Tổng đốc Vi Văn Định bắt giam ở Thái Bình. Phải nhờ ông Ba Ngọ đi mời thì ông Vi Văn Định mới tin. Quả nhiên, ông Vi Văn Định đã về Hà Nội theo chính phủ cụ Hồ, sau bữa tiệc tiễn đưa có hàng ngàn đồng bào dân tộc trong vùng tới dự…

Câu chuyện trên được rút từ cuốn sách Nguyễn Ái Quốc qua hồi ức của bà mẹ Nga (NXB Thanh niên, 2008) của nhà văn Sơn Tùng - một tác giả từng viết nhiều cuốn sách nổi tiếng về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác giả căn cứ theo cuốn hồi ký Tiếp bước chân cha của Nguyễn Kim Nữ Hạnh, trưởng nữ của giáo sư Nguyễn Văn Huyên, còn cho biết: Hồi 1930-1931, khi Ba Ngọ bị bắt, buổi trưa, Tổng đốc Vi Văn Định thường mời ông lên đọc báo cho nghe… Đến năm 1935, nhận ra Ba Ngọ tại hội chợ Đấu Xảo (Hà Nội), Vi Văn Định ra hiệu gặp riêng, rồi đưa cho Ba Ngọ 20 đồng Đông Dương và bảo: "Trốn nhanh, nó đang lùng bắt ông đấy". Vậy nên có thể nói, Ba Ngọ đi mời ông Vi Văn Định về với Chính phủ cụ Hồ, tránh sự lôi kéo của giặc Pháp, cũng là cách tri ân…

Trở lại chuyện mua ngựa, khi ông Vũ Đình Huỳnh mời cụ Hồ sang xem ngựa, thấy nó có tướng tốt, ông nói:

- Thưa Bác, cụ Vi trực tiếp chọn con ngựa này để Bác dùng ạ!

- Thế à? Cụ Vi chọn ngựa thì "bách lộ thiên san an nhiên thượng mã".

Có điều lạ là khi mới dắt ngựa về, ông Vi Văn Định cùng ông Vũ Đình Huỳnh lại gần thì nó rung bờm tránh né; nhưng lúc cụ Hồ đến, nó dỏng hai tai, mũi hít hơi, vẫy vẫy đuôi hiền thục. Bác đặt tay lên trán nó, vuốt nhẹ xuống sống mũi, vỗ về lưng ngựa. Hai mắt nó lim dim nhận cảm sự trìu mến của Người…

Chuyện mua ngựa, nhưng điều cốt yếu là nói về một bài học không bao giờ cũ: Đại đoàn kết dân tộc. Với tinh thần đó, luật sư Phan Anh, từng là Bộ trưởng Thanh niên Chính phủ Trần Trọng Kim, Khâm sai đại thần Phan Kế Toại, Thượng thư Bùi Bằng Đoàn, Đổng lý Văn phòng Phạm Khắc Hòe… đã được trọng dụng trong chính phủ cụ Hồ. Vấn đề là muốn thực hiện bài học không bao giờ cũ đó thì người lãnh đạo phải biết cách nhìn người, không thành kiến và có lòng tin ở sự hướng thiện của con người - nhất là với đội ngũ trí thức, kể cả những người từng làm việc trong chế độ cũ, không cùng chính kiến với mình, miễn là họ thành tâm với sự nghiệp xây dựng Tổ quốc . 

Nguyễn Khắc Phê

Tin cùng chuyên mục