Bắc thang lên hỏi ông trời

Trận mưa kinh hoàng với vũ lượng lên đến hơn 200mm đã qua gần một ngày, nhưng trên gương mặt bạn tôi vẫn chưa hết nét lo âu, mệt mỏi. Trong cơn mưa ngày 26-9, con gái cưng học lớp 9 của bạn tôi tan học vào lúc mưa to. Đoạn đường từ trường về nhà, mọi khi bé đi chỉ hết hơn 10 phút… Vậy mà nay tan học đã hơn 2 giờ, bé vẫn chưa về nhà. Gọi điện thoại cho con, điện thoại kêu tít tít… Gọi cho cô giáo, cô giáo nói “bé đã về”. Không an lòng, tất cả người lớn trong nhà tỏa đi tìm bé. Thế nhưng, bước chân ra đường, nước ngập mênh mông, xe cộ tắc nghẽn… tiến không được mà lùi cũng không xong. Tại sao điện thoại của bé không gọi được? Nếu bé tránh mưa ở đâu thì cũng phải gọi điện thoại về nhà chứ?... Hàng loạt câu hỏi như thế cứ vây quanh bạn tôi. Thật may, cuối cùng, sau hơn 2 giờ bì bõm lội nước, gò lưng đẩy chiếc xe đạp điện ướt sũng nước, bé đã về nhà an toàn. Chỉ là chiếc cặp bị rớt xuống nước nên điện thoại để trong đó không gọi được…

Bao nhiêu bà mẹ đã đau tim như bạn tôi vì cơn mưa trút xuống đúng giờ tan học. Những bà mẹ có con lớn, con đã trưởng thành và thậm chí đã đi làm cũng chắc gì đã yên tâm khi mà trên nhiều tuyến đường, không những nước ngập cao mà còn chảy xiết, kéo trôi cả xe mô tô như lũ. Bao nhiêu nguy hiểm có thể xảy ra cho những người lưu thông qua đó. Một ngày sau cơn mưa kinh hoàng, trên các báo và cả mạng xã hội, các thông tin TPHCM ngập nặng sau mưa vẫn tràn ngập.

Những tấm ảnh ghi lại nét mặt hoảng hốt, mệt mỏi của người dân trong cơn ngập vẫn làm day dứt người xem. Đó là chưa kể sẽ có những tấm hình bị viêm da, ghẻ ngứa… sau khi lội nước mưa trộn lẫn nước cống mà người dân không muốn đưa lên mạng. Sau con người là tài sản… Những chiếc xe bị ngâm nước phải sửa chữa mới đi được; những chiếc tủ, chiếc bàn mục vì ngâm nước; quạt máy, ti vi thấm nước không thể lên hình; những cây mai chờ khoe sắc trong dịp tết giờ bị thối rễ… Bắt đền ai bây giờ khi đây là… thiên tai? Trong các hợp đồng dân sự, luôn luôn có điều khoản “không đền bù khi gặp tình huống bất khả kháng như thiên tai, địch họa…”. Rốt cuộc, người dân sẽ phải gánh chịu tất cả bởi không thể… bắc thang lên hỏi ông trời!

Khách quan mà nói, với những động thái gần đây của lãnh đạo thành phố như: đi đến từng điểm ngập; phân tích, xem xét kỹ từng lý do gây ngập và có những chỉ đạo kịp thời… người dân thành phố biết và tin rằng, lãnh đạo thành phố cũng rất trăn trở với việc chống ngập. Thế nhưng, với tình trạng ngập ngày càng nặng nề… phải chăng công tác chống ngập của TPHCM chưa chạm được vào những vấn đề mang tính cốt tử?

Theo nhiều chuyên gia về phát triển đô thị, đó là các vấn đề về quy hoạch, tổ chức không gian đô thị hợp lý và thích ứng hơn với tự nhiên. TPHCM vẫn phát triển đô thị như… vết dầu loang, bê tông hóa nhiều diện tích thoát nước tự nhiên… trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra mạnh mẽ với nhiều cơn mưa có vũ lượng ngày càng lớn hơn, không ngập mới là lạ. Cứ đi một vòng quanh thành phố là thấy rõ việc này. Giữa quận 12, Tân Bình, Tân Phú với các huyện ngoại thành như Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi… chẳng còn mấy diện tích đất nông nghiệp. Ruộng vườn, kênh, rạch một thời là hướng thoát nước tự nhiên của cả khu vực giờ đã bị bê tông hóa gần hết… thử hỏi sao không ngập?

 Về hướng Nam còn phức tạp hơn, vì là một trong những hướng phát triển đô thị chính của TPHCM. Thời gian qua cùng với sự hình thành của đô thị mới Phú Mỹ Hưng, hàng loạt cao ốc của Him Lam, Hoàng Anh Gia Lai… xuất hiện đã xóa đi gần hết diện tích đất ngập nước tự nhiên của khu Nam. Theo nhiều chuyên gia về phát triển đô thị, việc này không những ảnh hưởng tiêu cực đến việc thoát nước của cả khu Nam mà còn ảnh hưởng đến thoát nước chung TPHCM, vì hướng Nam là hướng thoát nước tự nhiên bao đời nay cho cả thành phố.

Xem lại các đồ án quy hoạch xây dựng TPHCM từ năm 1993 (thời điểm đồ án quy hoạch xây dựng TPHCM đầu tiên được lập) đến nay, chưa có đồ án nào cho phép đô thị phát triển theo kiểu vết dầu loang như thực tế đã và đang diễn ra. Theo các đồ án xây dựng này, TPHCM sẽ phát triển các đô thị vệ tinh với các trung tâm đô thị vệ tinh hoàn chỉnh cả về hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội để giãn dân, chống ngập nước và kẹt xe. Thế nhưng, cho đến nay, TPHCM chưa có đô thị vệ tinh nào như thế… Ngay cả đô thị mới Thủ Thiêm cũng mới cơ bản hình thành được bộ khung.

Biết rằng, để hình thành các đô thị vệ tinh hoàn chỉnh, phải có thời gian và một nguồn lực khổng lồ. Song tính từ năm 1993 tới nay đã gần 25 năm. Một khoảng thời gian không quá dài nhưng cũng đủ để tạo dựng những cơ sở ban đầu để hình thành nên các khu đô thị như thế. Mong rằng trong thời gian tới TPHCM sẽ có những bước chuyển mạnh mẽ, mạnh dạn “đụng” vào các vấn đề cơ bản trong tổ chức đô thị bền vững để chống ngập hiệu quả hơn.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục