
Những con tàu “ma” bất ngờ xuất hiện và đám cướp biển nhanh chóng áp đảo tàu nạn nhân. Mục tiêu bị hạ gục và chuyến ra khơi trấn lột của hải tặc thành công hoàn toàn. Hệt như ngày xưa, hải tặc vẫn tàn bạo khi thực hiện các phi vụ của mình. Tuy nhiên, hải tặc thời nay được trang bị bằng đủ thứ thiết bị hiện đại: điện thoại di động, tàu cao tốc, hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và nhiều vũ khí chuyên dụng. Những kẻ cướp biển ngày nay khát máu không kém tay cướp biển huyền thoại “Râu đen” (tức Edward Teach, người Anh) hay “Thuyền trưởng Kidd” (William Kidd, dân Scotland) hồi thế kỷ 18…
Băng cướp Somalia

Eo biển “tử thần” Malacca
Reuters (17-11-2007) cho biết, băng cướp biển Somalia bắt chiếc tàu dầu Nhật Golden Nori ngày 28-10-2007 đã đòi tiền chuộc hơn 1 triệu USD để đổi lấy sự trở về an toàn của con tàu cùng 23 thủy thủ đoàn. Trước đó, băng cướp biển Somalia đã đòi tiền chuộc 1,5 triệu USD cho sự trở về của con tàu Đan Mạch Danica White bị bắt ngày 1-6-2007 và được thả ngày 12-8-2007. AP (15-11-2007) thuật lại chuyện thuyền trưởng Xinshen Ling đã liều mình nhảy xuống vùng biển đầy cá mập khi bọn hải tặc Somalia dọa giết cậu con trai mình (tuy nhiên, bọn cướp đã cứu thuyền trưởng và sau đó con tàu Đài Loan cùng thủy thủ đoàn Ching Fong Hwa 168 được hải quân Mỹ giải cứu ngày 4-11).
Theo lời kể Xinshen Ling, vụ cướp xảy ra vào tháng 4-2007 khi khoảng 15 tên hải tặc tấn công chớp nhoáng Ching Fong Hwa với súng máy và súng phóng lựu. Một thủy thủ chống trả đã lập tức lãnh 6 phát đạn. Bốn thành viên thủy thủ đoàn được lệnh lôi xác nạn nhân vào hầm đông. Tiếp đó, băng cướp yêu cầu Ling gọi điện về nhà để gửi tiền chuộc (1,5 triệu USD). Vụ việc xảy ra tại vùng biển Indonesia, nơi hiện được xem là điểm nóng nhất của cơn sóng dữ hải tặc Đông Nam Á với 37 vụ cướp trong 9 tháng đầu năm 2007 và hầu hết đều do bọn “giang hồ biển” Somalia thực hiện.
Cục Hàng hải quốc tế (IMB) cho biết có 26 con tàu đã bị đánh cướp ngoài khơi Somalia trong năm nay, so với 8 vụ trong cùng thời gian năm 2006. Duyên hải Somalia với 3.700km bờ biển đang là một trong những nơi nguy hiểm nhất thế giới (Hải quân Pháp thậm chí triển khai một tàu tuần dương tại khu vực vào giữa tháng 11-2007 nhằm bảo vệ các con tàu thuộc Chương trình lương thực LHQ mang gạo cứu đói châu Phi).
Toàn cảnh, hải tặc đang lộng hành dữ dội, đặc biệt tại Đông Nam Á. Theo Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO; dẫn lại từ analyst-network.com 24-11-2007), từ tháng 7-2004 đến tháng 10-2006, đã xảy ra 3.993 vụ cướp biển tại nhiều nơi thế giới và một trong những nơi đặc biệt nghiêm trọng là Đông Nam Á mà “tâm điểm” của nó là eo biển Malacca, cửa ngõ hàng hải của 50.000-70.000 con tàu mỗi năm.
“Thiên đường” của cướp biển
Thông hành cho biết tên của hắn là Johan Ariffin và địa chỉ thường trú của gã tù nhân 44 tuổi này là Batam (hòn đảo Indonesia cách không xa Nam Singapore). Dù người ta vẫn chưa rõ tên thật của hắn nhưng hắn rõ ràng là một “lanun” - có nghĩa “tù cướp biển” trong ngôn ngữ Malaysia. Cảnh sát tuần dương Malaysia đã bắt hắn cùng 9 đồng phạm sau khi chúng tấn công tàu bồn dầu Nepline Delima chở 7.000 tấn diesel trị giá 3 triệu USD tại Malacca.
Đó là một trong những vụ cướp biển xảy ra năm 2005 tại eo biển “kinh khủng” này (National Geographic 10-2007). Thiệt hại kinh tế (lẫn an ninh) tại Malacca tất nhiên không nhỏ. Theo hãng bảo hiểm Lloyd’s of London, khoảng 70.000 tàu hàng chở 1/5 giá trị mậu dịch hàng hải toàn cầu cùng 1/3 dầu thô thế giới đều đi ngang Malacca. Yếu tố địa lý khiến Malacca trở thành nơi mà nguy hiểm sẵn sàng rình rập.
Vắt ngang Malaysia và Indonesia (trong khi quan hệ hai nước không tốt), Malacca rộng khoảng 400km ở cái miệng phía Bắc và kéo dài 16km xuống phía Nam, chạy giữa hàng trăm hòn đảo ngập rừng đước không cư dân, địa điểm lý tưởng trở thành nơi ẩn nấp của hải tặc. Từ năm 2002 đến nay, IMB đã ghi nhận 258 vụ cướp tại Malacca và vùng biển xung quanh với hơn 200 thủy thủ bị bắt làm con tin và 8 nạn nhân bị giết.
Tình hình bất an đến mức tháng 6-2005, Lloyd’s đã xếp Malacca vào danh sách “khu vực chiến sự” (chỉ đến khi Malaysia, Singapore cùng Indonesia hợp tác an ninh bảo vệ khu vực, Lloyd’s mới loại “tiêu chí” trên cho Malacca vào tháng 8-2006). Tuy nhiên, Noel Choong - giám đốc Trung tâm ghi nhận cướp biển thuộc IMB - cho biết 1/2 trong tất cả vụ cướp biển đều không được báo cáo. “Trong vài trường hợp, chủ tàu thuyết phục thuyền trưởng không báo cáo vụ cướp. Họ không muốn bị mang tiếng hoặc con tàu bị gián đoạn hoạt động bởi tiến trình điều tra” - Choong nói.
Trong phóng sự về cướp biển Malacca (National Geographic 10-2007), Peter Gwin đã so sánh Singapore như nàng Lọ Lem xinh đẹp của Đông Nam Á trong khi Batam (Indonesia) là cô chị xấu xí ác độc. Hai “chị em” này nằm đối diện, nơi Malacca chạy vào eo biển Singapore với dòng chảy bất tận của các con tàu hàng ngược xuôi giữa hai hòn đảo (hơn 1.000 chuyến mỗi tuần).
Thập niên 1980, Chính phủ Indonesia cố bắt chước mô hình thành công Singapore khi biến Batam từ làng chài thành một “đặc khu kinh tế” miễn thuế. Thế là người ta đốn rừng để làm sân golf và dựng casino để thu hút du khách từ Malaysia và Singapore. Dân Indonesia đổ xô đến Batam để tìm cơ hội đổi đời. Hòn đảo phút chốc trở thành điểm đến hấp dẫn đối với dân kinh doanh hàng hải, với những cuộc săn lùng thủy thủ cho các công ty tàu hàng.
Tuy nhiên, Batam thiếu một hệ thống luật nghiêm và liều thuốc tinh thần cao độ tương tự Singapore. Tham nhũng tràn lan, Batam phút chốc trở thành thiên đường của giới giang hồ, gái điếm và… cướp biển! Một số nhà “kinh doanh hàng hải” bắt đầu tham gia đường dây tội phạm có tổ chức. Vụ sụp đổ hệ thống tài chính châu Á 1997 khiến tiền đầu tư bốc hơi cực nhanh khỏi Batam, để lại hòn đảo nhiều công trình xây dựng dang dở cùng tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh. Vô công rỗi nghề trong khi bao tử lép kẹp, số người tham gia cướp biển bắt đầu tăng dần. Có thể nói hầu hết thành phần cướp biển chuyên nghiệp Indonesia hiện đều xuất thân từ Batam…
Bài 2: “Bần cùng sinh đạo tặc”
MẠNH KIM