
Từ đơn thư tố cáo của người dân liên quan đến các sai phạm trong đầu tư xây dựng công trình cao ốc văn phòng cho thuê tại số 13-13bis Kỳ Đồng (P.9, Q.3), các cơ quan chức năng đang tiến hành làm rõ những vi phạm trong xây dựng của công trình này. Báo SGGP 12giờ cũng đã nhận được đơn thư của nhiều cá nhân và tổ chức tố cáo ông Lê Khắc Tuấn - chủ đầu tư công trình, đã dùng nhiều thủ thuật làm “bốc hơi” hơn 600 m2 đất của một trong hai căn nhà vốn là tài sản của nhà nước. Chúng tôi đã tiến hành điều tra, xác minh vụ việc này.
Xóa sổ biệt thự 13 bis Kỳ Đồng

Biệt thự 13-13 bis Kỳ Đồng cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (chi nhánh TPHCM) thuê. Ảnh: C.T
Căn nhà 13 Kỳ Đồng có cấu trúc biệt thự 1 lầu, diện tích khuôn viên 13 x 19,4m (hơn 250m2) do bà Lê Thị Khai và chồng là ông Đỗ Hữu Phương đứng tên sở hữu theo giấy phép nhượng nhà số 169/NK ngày 12-12-1975 của Ban quản lý nhà đất thuộc Ủy ban Quân quản Sài Gòn. Ngày 12-3-1990, vợ chồng bà Khai làm văn tự bán căn biệt thự trên cho ông Phạm Ngọc Chính (đại diện là Công ty XADVNACO).
Thủ tục chuyển nhượng đang tiến hành thì phải hủy bỏ do Phòng CSĐT Công an TPHCM có công văn số 858/Đ.5 ngày 13-4-1991 gửi TAND TPHCM, Sở Nhà đất, UBND quận 3 và Phòng Xây dựng quận 3 đề nghị ngưng các thủ tục mua bán, chuyển nhượng vì chủ căn biệt thự này có liên quan đến một bị can đang bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân”. Đến đầu tháng 8-1991, biệt thự 13 Kỳ Đồng được “đổi chủ” mà người mua là vợ chồng ông Lê Khắc Tuấn - Phạm Quỳnh Như.
Không biết bằng cách nào, thủ tục chuyển nhượng sau đó được thực hiện một cách chóng vánh nhờ văn bản giải tỏa ngăn chặn số 2280/Đ5 ngày 27-8-1991 của Phòng CSĐT Công an TPHCM. Việc chuyển nhượng căn biệt thự này được coi là hợp lệ và sẽ không có chuyện gì xảy ra nếu chủ mới không tìm cách “thôn tính” luôn căn nhà 13 bis (nằm phía sau biệt thự 13 Kỳ Đồng).
Căn nhà 13 bis cũng có cấu trúc biệt thự 1 lầu như biệt thự 13 Kỳ Đồng. Diện tích khuôn viên của biệt thự 13 bis hơn 620m2 (gấp 3 lần diện tích khuôn viên biệt thự 13). Sau năm 1975, biệt thự 13 bis thuộc tài sản do nhà nước quản lý và được bố trí làm trụ sở của Phòng VH-TT quận 3. Sau này, biệt thự 13 bis được giao cho Phòng GD-ĐT quận 3 quản lý, sử dụng đến giữa năm 1995 thì phải “ngậm ngùi” ra đi, nhường lại toàn bộ diện tích nhà và đất cho chủ nhà 13 Kỳ Đồng. Sự ra đi khó hiểu này, đến nay nhiều cán bộ trong ngành giáo dục TP và quận 3 vẫn không lý giải được.
Thủ tục chuyển giao khối tài sản này được thực hiện bằng quyết định của UBND TP đồng ý “hoán đổi” biệt thự 13 bis Kỳ Đồng có khuôn viên đất hơn 620m2 mà Phòng GD-ĐT quận 3 đang sử dụng cho ông Lê Khắc Tuấn để lấy căn nhà số 318B Nguyễn Thiện Thuật có diện tích đất 4x25 m với cấu trúc một trệt, ba lầu (nhà của vợ chồng ông Tuấn). Sự đổi chác không ngang giá này được diễn ra khá nhanh với sự ra đi rất vội vã của Phòng GD-ĐT ngay trong những ngày cuối năm 1995. Đến đây, coi như biệt thự 13 bis Kỳ Đồng chính thức bị xóa sổ, trở thành tài sản riêng của vợ chồng ông Lê Khắc Tuấn-Phạm Quỳnh Như.
Trường học hay cao ốc cho thuê?
Có trong tay hai căn biệt thự trên diện tích 871,5m2 đất tại mặt tiền một con đường được coi là đắc địa nhất quận 3, vợ chồng ông Lê Khắc Tuấn đã tìm cách hợp thức hóa quyền sử dụng qua phương án xây dựng Trường cấp 2,3 dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hai căn biệt thự được san phẳng để xây dựng trường cao 5 tầng với 25 phòng học. Ngày 5-6-1997, Trường cấp 2,3 dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm được thành lập theo Quyết định số 2836/QĐ-UB-NC do Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Hồ Thiệu Hùng ký. Chủ đầu tư công trình xây dựng ngôi trường này là vợ chồng ông Tuấn - bà Như, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Chiến Thắng.
Ngôi trường mới được thành lập - những tưởng sẽ góp phần vào chủ trương xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện cho con em người dân trong khu vực quận 3 được học tập. Thế nhưng, hai năm đầu tuyển sinh, lượng học sinh vào học rất lèo tèo, đội ngũ giáo viên thiếu và trang thiết bị dạy học hầu như không có gì. Hai năm trường hoạt động, có đến 3 đời hiệu trưởng phải ra đi. Có lẽ đây là “cái cớ” để chủ đầu tư đưa ra chủ trương chuyển đổi công năng của ngôi nhà từ trường học sang cao ốc văn phòng cho thuê.
Chủ trương này sau đó nhanh chóng được các cơ quan chức năng của TP và quận 3 chấp thuận theo hướng thu hẹp quy mô của ngôi trường và chuyển trường đi nơi khác để xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê. Đến đây, chủ đầu tư - cũng là chủ của căn nhà 13 Kỳ Đồng (lúc này số nhà 13 bis đã không còn) đã thuê lại căn nhà số 140 Lý Chính Thắng (diện tích chưa đến một nửa so với vị trí 13 Kỳ Đồng) để chuyển Trường dân lập (không còn cấp 2,3) Nguyễn Bỉnh Khiêm về.
Để chuyển công năng ngôi nhà từ trường học sang cao ốc văn phòng cho thuê, ông Lê Khắc Tuấn đã lập thủ tục đầu tư xây dựng nâng tầng từ 5 tầng lên 9 tầng. Từ đây, quá trình sai phạm nối tiếp sai phạm của công trình này được diễn ra.
Phạm Hoài Nam