62 năm chiến thắng phát xít Đức - những câu chuyện phía sau cuộc chiến

Bài 1: Hồ sơ giải mật của CIA về Đức quốc xã

Đồ tể Klaus Barbie
Bài 1: Hồ sơ giải mật của CIA về Đức quốc xã

Cách đây không lâu, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) tung ra bộ hồ sơ giải mật 10.000 trang liên quan đến gần như toàn bộ thế giới tình báo thời Đức quốc xã cũng như những hoạt động gián điệp mà Mỹ nhằm vào Liên Xô vừa ngay khi Chiến tranh Thế giới thứ hai hạ màn...

CIA dùng cựu nhân viên Đức quốc xã?!

Bài 1: Hồ sơ giải mật của CIA về Đức quốc xã ảnh 1

Đồ tể Klaus Barbie

Bộ hồ sơ của CIA về Klaus Barbie - kẻ mệnh danh “tên đồ tể Lyon” - đã gây chấn động với chi tiết kể rằng Quân đoàn phản gián (CIC) thuộc quân đội Mỹ đã đứng ra đảm trách việc bảo vệ đồ tể Barbie thoát lưới công tố Pháp hồi sau chiến tranh và giúp Barbie trốn xuống Nam Mỹ. Cùng Friedrich (Federico) Schwend - chuyên gia làm giả đồng bảng Anh thời chiến tranh, Barbie làm việc cho Văn phòng hoạt động chiến lược (OSS, tiền thân CIA) hồi năm 1945. Hai gương mặt nhám này có dính dáng đến kế hoạch ám sát Victor Paz Estenssoro (Tổng thống Bolivia theo cánh tả, bị lật đổ và lưu đày sang Peru). Barbie sống ở Nam Mỹ cho đến năm 1983, khi cuối cùng bị giải về Pháp để ra tòa. Hắn chết trong một trại giam Pháp vào năm 1991…

Ngoài ra còn có Emil Augsburg (hay Althaus, hoặc Alberti) - một trong những sĩ quan cao cấp SS mang nhiều nợ máu với người Do Thái. Sinh tại Lodz (Ba Lan) năm 1904, thông thạo tiếng Nga, Augsburg là thiếu tá lực lượng SS (Schutzstaffel). Trước đó, Augsburg làm việc ở Viện Wannsee, nơi chuyên nghiên cứu Đông Âu. Cuối thập niên 1940, Augsburg là một trong những sĩ quan chính trong các “spezielle Aufgaben” (nhiệm vụ đặc biệt), tức những cuộc thảm sát nhằm vào người Do Thái. Sau chiến tranh, Emil Augsburg bị Chính phủ Ba Lan truy nã gay gắt nhưng ít ai ngờ rằng hắn đã được CIC tuyển dụng làm cố vấn riêng cho các vấn đề Liên Xô! Tuy nhiên, Augsburg cuối cùng bị CIC bỏ rơi khi nghe gièm pha từ đồ tể Klaus Barbie.

Các gương mặt kể trên, tuy thế, dường như vẫn chỉ là bóng mờ so với Wilhelm Hoettl, người hiện diện trong làng tình báo thập niên 1950 như một trong những nhân vật chủ chốt với nhiều điệp vụ phản gián tầm cỡ (bộ hồ sơ về Hoettl chiếm đến 600 trang). Sinh tại Vienna (Áo) ngày 19-3-1915, Hoettl là một trong những sĩ quan chóp bu của Cục An ninh Đức (Sicherheitsdienst) và từng là cố vấn cho viên toàn quyền Edmund Veesenmayer (thuộc Đức quốc xã) tại Hungary năm 1944, chiếm vị trí chỉ sau Himmler. Hoettl còn là một trong những đạo diễn chính trong quá trình triển khai chiến dịch bắt và tống gần 440.000 người Do Thái đến trại Auschwitz chỉ trong thời gian ngắn từ 15-5 đến 8-6-1944.

Tháng 12-1944, khi Hồng quân Liên Xô ào ạt tiến vào Budapest, Hoettl nhanh chân trốn đến Oedenburg, rồi Vienna. Trong cùng thời gian, Hoettl thực hiện sứ mạng cứu Ngoại trưởng Galeazzo Ciano của tên độc tài Italia Benito Mussolini (nhưng bất thành). Ngày 8-5-1945, quân đội Mỹ bắt Hoettl tại thị trấn quê nhà Alt Aussee (Áo) của hắn. Từ Hoettl, nhiều thông tin đắt giá hiện ra, chẳng hạn về các nhóm chống Cộng ở Balkans và về Werewolf - tổ chức ngầm quyết tâm lấy lại hình ảnh huy hoàng thời Hitler. Ngoài ra, Hoettl cũng tình nguyện giao nộp 5 trạm điều hành cùng khoảng 30 điệp viên…

CIC hớn hở xem Hoettl như một mỏ vàng. Mạng lưới cũ của Hoettl được lập thành hai cơ sở: “Montgomery” chuyên rình mò Hungary cũng như lực lượng Hồng quân ở Hungary và “Mount Vernon” nhắm vào việc đâm thọc nội bộ Đảng Cộng sản Áo. Tuy nhiên, người Mỹ nhanh chóng nhận ra rằng Hoettl chẳng mang lại giá trị cụ thể như mong đợi. Hai mạng điệp viên của hắn không làm nên cơm cháo gì. Cuối năm 1949, CIA quyết định dẹp tiệm hai mạng tình báo trên và đầu năm sau thì CIA tung ra một báo cáo thừa nhận rằng Hoettl chỉ là một tên dóc tổ, dùng ba tấc lưỡi để giữ mạng sống. Tháng 7-1952, Mỹ cắt đứt giao du. Thật ra, việc CIA không dùng Hoettl còn xuất phát từ nghi ngờ rằng Hoettl chơi trò điệp viên hai mang (hai sĩ quan tình báo quân đội Mỹ Kurt Ponger và Otto Verber bị kết án tội làm gián điệp cho Liên Xô đều có quan hệ với Hoettl).

Vài chi tiết lịch sử còn bỏ ngỏ

Bài 1: Hồ sơ giải mật của CIA về Đức quốc xã ảnh 2

Cho đến nay, số phận của trùm Gestapo Heinrich Mueller vẫn còn là một bí ẩn lịch sử

Trong cuộc họp báo công bố bộ hồ sơ CIA về Đức quốc xã, vài sử gia nói rằng bộ hồ sơ mà người ta hy vọng có thể mang lại ánh sáng một số hồ nghi tồn tại bao năm qua nay vẫn chưa soi rọi nhiều câu hỏi lịch sử. Bộ hồ sơ dường như muốn nói rằng Kurt Waldheim (Tổng Thư ký LHQ nhiệm kỳ 1972-1981 và là Tổng thống Áo 1986 -1992) không dính dáng đến Đức quốc xã như từng bị cáo buộc và cũng chẳng làm việc cho CIA như từng bị nghi ngờ. Tuy nhiên, khó có thể xem đó như một khẳng định. Giáo sư sử Richard Breitman thuộc Đại học Mỹ (American University) nói (một cách khó hiểu) rằng bộ hồ sơ cho thấy “CIA không có nhiều thông tin về quá khứ Nazi của Kurt Waldheim” và cũng không cho thấy Liên Xô nắm được thóp Waldheim để đe dọa lúc ông còn làm Tổng Thư ký LHQ.

Xin nhắc lại, Waldheim bị cấm vào Mỹ hồi năm 1987 do cáo buộc rằng ông là trung úy Đức quốc xã từng cầm súng chiến đấu ở Balkans. Về số phận Heinrich Mueller (giám đốc Gestapo), bộ hồ sơ kể lại các chi tiết cuộc điều tra quy mô của CIA hồi đầu thập niên 1970 nhưng không đưa ra kết luận cuối cùng. Một số nhà nghiên cứu cho rằng có thể Mueller bị giết hồi năm 1945; có ý kiến rằng tên trùm Gestapo hét ra lửa này đã được Mỹ cứu và làm việc cho CIA nhưng cũng có người nói Heinrich Mueller bị giết trong những ngày cuối cùng của Berlin thời Đệ tam đế chế, rồi được chôn với bộ quân phục sĩ quan SS trong một hố chôn tập thể ở Đông Berlin…

Nhận xét về bộ hồ sơ CIA, Richard Ben-Veniste - luật sư Washington, thành viên tiểu ban liên bang (Mỹ) chịu trách nhiệm thực hiện Đạo luật tiết lộ tội ác chiến tranh thời Nazi (ra đời nhằm buộc tất cả cơ quan Mỹ phải cung cấp hồ sơ lưu về Nazi) - nói rằng việc CIA dùng các nhân viên Đức quốc xã là “thiển cận và phản tác dụng”.

Phúc Cẩm

Bài 2: Truy tìm thi hài binh sĩ Hồng quân

Tin cùng chuyên mục