Thiếu điện luôn là điệp khúc vào mỗi mùa khô. Tình trạng này ngày càng diễn biến căng thẳng do nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng trong khi khả năng cung ứng điện hạn chế. Tại TPHCM, tình trạng này càng trở nên bức thiết khi đây lại là thành phố đông dân nhất nước và cũng là thành phố tập trung lượng lớn doanh nghiệp sản xuất. Vậy làm thế nào để chủ động ứng phó với điệp khúc thiếu điện?
Trên địa bàn TPHCM trong năm 2011 điện năng tiêu thụ toàn thành phố hơn 16 tỷ kWh chiếm 15% so với cả nước (cả nước là 100 tỷ kWh). Điều đáng nói là tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân 9%/năm.
Lý giải cho con số tăng 9%/năm, đại diện Sở Công thương TP cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 1,7 triệu hộ gia đình; 1.990 đơn vị cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước; có khoảng 58.463 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó có khoảng 170 doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm (có mức tiêu thụ năng lượng từ 1.000 TOE/năm trở lên (tương đương 6 triệu kWh/năm); 110.900 bộ đèn chiếu sáng công cộng, trong đó đèn có 2 cấp công suất là 10.462 bộ (chiếm 1%) và 12.000 bộ đèn chiếu sáng kết nối với trung tâm điều khiển hệ thống đèn chiếu sáng công cộng; 158.786 bóng đèn các loại thuộc hệ thống đèn chiếu sáng dân lập tại các quận - huyện do Ủy ban nhân dân các quận - huyện quản lý; 1.563 bệnh viện, trung tâm y tế từ cấp thành phố đến quận - huyện, phường - xã - thị trấn; 4.337 trường học các cấp; khoảng 4.000 bảng quảng cáo và 87.784 cơ sở kinh doanh dịch vụ đang sử dụng điện.
Chỉ tính riêng con số doanh nghiệp, hộ gia đình, đơn vị sử dụng điện thôi cũng đủ để thấy số lượng điện cần sử dụng là khổng lồ. Huống hồ rất nhiều trong số các đối tượng trên sử dụng điện chưa hiện quả, thậm chí là sử dụng điện lãng phí.
Ông Trần Anh Hào, Trưởng phòng quản lý năng lượng Sở Công thương khẳng định, theo kết quả điều tra do sở thực hiện, rất nhiều hộ gia đình chưa có thói quen sử dụng điện tiết kiệm, còn sử dụng các bóng đèn cũ, bóng đèn không tiết kiệm điện. Sử dụng thiết bị làm lạnh chưa phù hợp như đặt nhiệt độ dưới 25oC, thường sử dụng lại các máy lạnh đã qua sử dụng, chưa quan tâm tới việc đọc các hướng dẫn sử dụng thiết bị điện khi mua về, chưa mạnh dạn đầu tư các thiết bị đắt tiền thực sự tiết kiệm điện năng…
Bên cạnh đó, hệ thống điện trong lĩnh vực tiêu dùng dân cư phần lớn lắp đặt không đúng quy cách, gây lãng phí trong sử dụng điện. Còn đối với lĩnh vực cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước theo quy định hàng năm các đơn vị này phải thực hiện đăng ký kế hoạch sử dụng điện với ngành điện và đơn vị chủ quản. Trong đó cần xây dựng kế hoạch tiết kiệm ít nhất 10% sản lượng điện hàng năm. Thế nhưng, qua 3 năm triển khai vẫn còn nhiều đơn vị chưa thực hiện tốt như quy định, chưa thực hiện tiết kiệm 10% điện năng, đặt nhiệt độ máy điều hòa dưới 25°C… Không dừng lại đó, nhiều bệnh viện ở các quận - huyện, trung tâm y tế phường - xã - thị trấn và trường học vẫn sử dụng hệ thống điện đã xuống cấp, chưa có kinh phí để thay thế mới, gây lãng phí đáng kể trong việc sử dụng điện.
Tình trạng lãng phí điện trong sản xuất kinh doanh còn đáng lo ngại hơn khi phần lớn dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp đều lạc hậu. Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP cho biết, hiện chỉ có 1% doanh nghiệp có dây chuyền sản xuất hiện đại. Số còn lại là lạc hậu và rất lạc hậu. Điều này khiến cho việc sử dụng điện chưa hiệu quả.
Ông Hào cho biết thêm, việc áp dụng giải pháp tiết kiệm điện tại các doanh nghiệp chủ yếu là biện pháp tổ chức như dịch chuyển thời gian sản xuất từ giờ cao điểm sang thấp điểm, giảm công suất thiết bị vào giờ cao điểm, ban hành quy chế sử dụng điện… Về áp dụng giải pháp kỹ thuật còn hạn chế do kinh phí đầu tư lớn. Công tác kiểm toán năng lượng chưa được lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm, dẫn đến việc sử dụng năng lượng chưa đạt hiệu quả cao. Còn đối với lĩnh vực dịch vụ, để thu hút khách nên nhiều chủ cửa hàng đã sử dụng đèn chiếu sáng quá mức cần thiết cũng gây lãng phí điện.
Có thể nói, việc sử dụng năng lượng truyền thống đang gặp nhiều khó khăn do nguồn năng lượng này đang ngày càng cạn kiệt. Ở nước ta, nguồn điện từ thủy điện đóng vai trò chính trong cơ cấu cung cấp điện năng của cả nước. Tuy nhiên những năm vừa qua nguồn năng lượng này thường xuyên căng thẳng do diễn biến thời tiết thất thường. Mùa khô kiệt hơn và mùa mưa thì nước về nhiều hơn, gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động điều tiết nước phục vụ sản xuất điện. Còn nhiệt điện thì khả năng cung ứng không cao do chi phí sản xuất lớn. Giá dầu thường xuyên tăng cao gây bất ổn trong sản xuất điện. Do vậy, làm thế nào để kiểm soát được nhu cầu sử dụng điện, cũng như phát triển nguồn cung ứng sao cho đáp ứng nhu cầu này là việc mà các cơ quan chức năng cần phải tính trước, tính xa. Vậy TPHCM đã thực hiện vấn đề này như thế nào?
HOÀNG LAN