
Đi theo niềm tin chính mình

Nguyên Thủ tướng Phần Lan Harri Holkeri thực hiện cuộc gọi GSM đầu tiên vào ngày 1-7-1991 ở Helsinki
Tháng 9-1984, CEOvà là chủ tịch hội đồng quản trị Nokia, ngài Kari Kairamo mời nhà tài chính Jorma Ollila của Citibank tham dự một cuộc họp của công ty. Vài tháng sau, Ollila quyết định rút khỏi Citibank để gia nhập Nokia - một công ty nội địa ở Phần Lan. Ở Nokia, ông chỉ giữ vai trò phó chủ tịch một bộ phận về quan hệ quốc tế. Dường như chưa bao giờ ông giải thích cho sự lựa chọn này, một lựa chọn đã làm cho vị thế quốc tế của cá nhân ông giảm bớt. Chỉ cụ thể đoán rằng, ông đã chọn Nokia vì đơn giản rằng đó là một phần của đất nước của ông. Một năm sau, Ollila được bổ nhiệm vào vị trí phó chủ tịch tài chính cao cấp, vào năm 1986. Lúc này, Nokia bắt đầu có thêm lĩnh vực máy tính, máy nhắn tin, đồ điện gia dụng và điện thoại di động thế hệ sơ khai nhất.
Năm 1979, Nokia và Mobira bắt tay mở một liên doanh sản xuất điện thoại di động - thô sơ, nặng 5kg dùng trong xe hơi. Điện thoại di động vẫn sơ khai và ít được chú ý trong tập đoàn. Nhìn chung, Nokia khi đó là một tập đoàn cồng kềnh với 11 phân nhánh.
Ollila đã nhanh chóng mang về cho Nokia nguồn vốn 800 triệu FIM (đơn vị tiền tệ của Phần Lan) bằng cách phát hành cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán. Việc làm này có ba giá trị lớn. Một là, nó đảm bảo nguồn vốn để Nokia thực hiện những thương vụ mua lại Standard Elektrik Lorentz, Ericsson Data và Oceanic. Cả ba công ty này giúp Nokia thực hiện cuộc bành trướng trong lĩnh vực điện tử và viễn thông. Hai là, nguồn vốn của Nokia gần như tăng gấp đôi. Ba là, lần đầu tiên Nokia xuất hiện thành công trên các sàn giao dịch quốc tế bao gồm Stockholm, New York, London, Paris và Frankfurt, những trung tâm huy động vốn sầm uất nhất thế giới. Cần nhớ lại một chút để thấy rõ giá trị của việc này, vì khi đó Nokia chưa có tiếng tăm gì. Làm thế nào để bán cổ phiếu trên chợ chứng khoán thế giới? Khẩu hiệu được dùng cho chiến dịch này là “Hãy trở thành người sở hữu châu Âu”. Chiến dịch bán “sở hữu châu Âu” của Ollila rõ ràng đã đem lại hiệu quả.
Giữa lúc đó, Nokia nhận một đòn đau đớn: Chủ tịch kiêm CEO Kari Kairamo tự sát tại nhà riêng. Đó là tháng 12-1988. Đến tận hôm nay, nguyên nhân khiến ông tự kết thúc đời mình vẫn là một bí ẩn. Người ta chỉ có thể đoán rằng, người kỹ sư lâm nghiệp này đã tập trung quá mức để đẩy một tổ hợp kinh doanh kềnh càng về phía trước, với một tầm nhìn rất xa, đầy khát vọng nhưng lại phải thực hiện nó trong bối cảnh khủng hoảng. Nokia không thể đi nhanh và mạnh hơn như ông muốn. Jorma Ollila lúc này mới ở tuổi 38. Ngay sau cái chết của Kairamo, Simo S. Vuorileto trở thành người kế nhiệm vào mùa xuân năm 1989. Cũng trong năm 1989, Ollila được bổ nhiệm vào chức vụ phó chủ tịch hội đồng quản trị. Ngày Vuorileto nhậm chức là mùa xuân ấm áp nhưng những bước đi tiếp theo của ông vẫn chỉ đem lại một mùa đông dài ảm đạm trong kinh doanh. Lãi ròng của Nokia tiếp tục “điêu tàn”.
Chạm vào điện thoại di động
Một ngày mùa xuân năm 1990, Vuorilehto gọi cho Ollila để hỏi rằng, nhà tài chính của Nokia có muốn chịu trách nhiệm lãnh đạo Nokia Moblie Phones hay không? Ollila trả lời qua điện thoại: “Ông xem, đó không phải là nhiệm vụ dễ dàng nhưng tôi nghĩ là tôi sẽ làm việc đó. Được đấy!”. Và Ollila “sẽ làm việc đó” chỉ thông qua một cuộc thương lượng trên điện thoại như vậy mà thôi.
Trong năm 1991, khi Ollila - người từng thành công lớn trong suốt 8 năm ở Citibank - loay hoay ở xưởng sản xuất điện thoại, tiếp tục chứng kiến một vực thẳm tài chính khi tập đoàn lỗ đến mức kỷ lục, với 102 triệu USD. Giữa lúc đó, Jorma Ollila được Vuorilehto gọi lên từ xưởng điện thoại với chỉ một lời thách đố khắc nghiệt: “Anh chỉ có 6 tháng để trả lời nên bán hay giữ lại công việc làm ăn của mặt hàng điện thoại di động”. Jorma Ollila chỉ mất 4 tháng để đưa ra câu trả lời: “Chúng ta sẽ không bán công việc kinh doanh này cho ai cả”. Câu nói này đã làm nên số phận của Nokia.
Ollila đã chỉ bằng trực giác, nói như Business Week, mà tiến lên phía trước. Nhưng thật ra, Ollila có lẽ đã có những “nghiên cứu” riêng của mình bằng sự nhạy cảm của một sĩ quan chỉ huy, hoạt động chính trị và một doanh nhân quốc tế. Ollila muốn là người đầu tiên nắm lấy cơ hội GSM với tư cách một công nghệ, cho phép có một ngành kinh doanh mới. Đó gần như là con đường duy nhất để ở vị trí đi trước. Kẻ yếu thế cần phải chạy trước.
Khi Ollila tiếp quản công ty con bé nhỏ chuyên về điện thoại, nó đang rệu rã. Chỉ chưa đầy một giờ sau khi nhận nhiệm vụ mới, Ollila rời tổng hành dinh để đến thẳng công xưởng tại thị trấn Salo. Việc đầu tiên là ông lắng nghe nhân viên nói. Sự xuống cấp của toàn tập đoàn và bầu không khí ảm đạm của nền kinh tế đè nặng lên nhân viên. Vị giám đốc mới toanh nhận thấy đó là vấn đề then chốt. Công việc đầu tiên của ông là thổi vào một luồng sinh khí mới, với quyết định “hãy lao vào hệ tiêu chuẩn kỹ thuật số vừa ra đời tại châu Âu, gọi là GSM”. Fortune gọi đó là “dấu ấn nghề nghiệp” của Ollila.
Cuối năm 1991, Nokia cho ra đời chiếc điện thoại to như cục gạch theo công nghệ GSM. Thủ tướng Phần Lan được mời thực hiện cuộc gọi đó. Gần 10 năm sau, GSM mới thực sự chinh phục phần lớn thế giới, với gần một nửa số thuê bao toàn cầu (45% - 4-1999). Và Nokia có mặt tiên phong trong cuộc chinh phục đó. Nhà kiến tạo giấc mơ đó là Ollila.
Bài 2: Kinh doanh không biên giới
(*) Sách do Tổ hợp giáo dục PACE phối hợp với NXB Trẻ ấn hành.
Đặng Tươi-Ngọc Hoàng
và các chuyên gia của PACE