Bài 1: Lời giải cho vấn nạn ô tô cá nhân gây kẹt xe

Bài 1: Lời giải cho vấn nạn ô tô cá nhân gây kẹt xe

Chỉnh trang đô thị để chống ùn tắc giao thông

PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM: Một trong những giải pháp được nhiều thành phố lớn trên thế giới áp dụng nhằm làm giảm áp lực giao thông tập trung vào một số khu vực là tìm kiếm mô hình quy hoạch không gian hợp lý. Chỉnh trang đô thị có một ý nghĩa rất quan trọng trong việc chống ùn tắc giao thông…

Tính đến hết năm 2015, số lượng ô tô của TPHCM đã vượt 600.000 chiếc, chưa kể có trên 60.000 ô tô biển số tỉnh hoạt động trên địa bàn TP. Con số này vẫn có xu hướng tăng mạnh trong khi diện tích đường làm mới không tăng tương xứng. Giải quyết vấn đề này bằng cách nào?

Số lượng ô tô tăng quá cao so với diện tích mặt đường, làm ùn ứ giao thông. Ảnh: Cao Thăng

Chủ cao ốc phải có trách nhiệm

“Hãy cứ hình dung, nếu trước kia trong khu phố chỉ có nhà liên kế, giả định trong 10 ngôi nhà ở khu phố nêu trên có 1 - 2 nhà có ô tô riêng, các gia đình còn lại khi có nhu cầu mới thuê taxi. Như vậy, tính trung bình, mỗi ngày có khoảng 2 - 3 ô tô lui tới, dừng, đậu đón người đi. Bây giờ, 10 ngôi nhà đó bị tháo dỡ và thay bằng một cao ốc, cao khoảng 15 - 20 tầng. Cho rằng, mỗi căn hộ trong cao ốc rộng khoảng 100m2, mật độ xây dựng tối đa 60% - 70%  thì với 20 tầng, khu dân cư trước kia chỉ có 10 gia đình cư trú nay có thể đón tới khoảng 150 gia đình. Nếu cao ốc này là văn phòng cho thuê thì số người ra vào đây còn nhiều hơn nữa. Số lượng ô tô lui tới đây, chắc chắn cũng tăng tỷ lệ thuận với số người”, theo PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, đây chính là lý do mà giao thông tại nhiều khu vực nội đô TP, đặc biệt là khu vực trung tâm bị ùn ứ, thậm chí ùn tắc.

Quy hoạch phát triển hệ thống giao thông vận tải và phát triển đô thị “không bước đều nhau” là nguyên nhân chính của việc này. Về nguyên tắc, giao thông phải “đi trước một bước”, nhưng việc phát triển đô thị tại nhiều khu vực trong nội thành TPHCM lại ngược lại. Theo PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, đa phần những cao ốc đã và đang được phép xây dựng trong nội đô TPHCM, được quy hoạch như là những công trình của một TP đã có đủ mạng lưới tuyến giao thông công cộng metro, monorail, BRT và xe buýt kết nối một cách đồng bộ, có các tuyến đường trên cao và các tuyến đường ngầm chia tải cho số đường hiện hữu. Vấn đề là cao ốc đã xuất hiện, còn đường mới thì chưa, nên không ùn tắc giao thông mới là lạ. Giải quyết bất cập này, theo PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nên tuân theo nguyên tắc: “Đối tượng nào gây hậu quả, đối tượng đó phải có trách nhiệm chia sẻ gánh nặng giải quyết vấn đề”. Các cao ốc phải có khoảng lùi hoặc tầng hầm đủ cho ô tô ra vào cũng như dừng, đậu lên xuống khách và quay đầu xe. Tuyệt đối cấm ô tô vào các cao ốc dùng lòng, lề đường thực hiện các động tác nêu trên. TPHCM đã quy định về khoảng lùi, hầm đậu xe… đối với các cao ốc, nhưng nhiều khoảng lùi và hầm đậu xe của các cao ốc không đáp ứng được yêu cầu. Việc cần làm ngay là các cơ quan chức năng của TPHCM như Sở Giao thông Vận tải, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Xây dựng… nên phối hợp khảo sát lại toàn bộ nhu cầu dừng, đậu xe của các cao ốc. Nếu diện tích khoảng lùi và hầm đậu xe của các cao ốc quá tải, các cơ quan chức năng yêu cầu chủ các cao ốc phải làm thêm hầm hoặc sắp xếp lại hoạt động ở tầng trệt. Lấy tầng trệt làm nơi cho xe dừng, đậu và làm thêm gác lửng để đưa hoạt động của tầng này lên. Chủ cao ốc cũng có thể liên kết với các cao ốc gần đó có dư chỗ đậu xe, cho xe của mình vào lưu đậu… Và cuối cùng, cắm một biển báo “Cấm dừng, đậu xe ô tô” trước các cao ốc để lực lượng chức năng có cơ sở xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm. “Gỡ được các nút “thắt cổ chai” ở các cao ốc, chắc chắn sẽ làm cho tình hình giao thông ở nội thành TPHCM cải thiện đáng kể”, PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa nói.

Cho chủ cao ốc kinh doanh thêm chỗ giữ xe ô tô

Bên cạnh những cao ốc thiếu khoảng lùi, thiếu hầm đậu xe thì cũng có không ít cao ốc có… thừa chỗ cho ô tô vào lưu đậu, nhất là những cao ốc xây dựng về sau này. Nhiều cao ốc trong số này và nhiều cao ốc đang chuẩn bị xây dựng cũng sẵn sàng làm thêm… nhiệm vụ giữ xe ô tô. Vướng mắc lớn nhất ở đây chính là giá giữ xe. Cho đến thời điểm hiện nay, câu chuyện chi phí giữ xe là giá do nhà đầu tư bãi giữ xe chủ động tính toán hay là phí phải thông qua HĐND TP vẫn chưa ngã ngũ. Theo một chuyên gia về quản lý đô thị, trong khi chờ đợi quy định của pháp luật, cơ quan chức năng có thể “điều chỉnh” vướng mắc nêu trên bằng cách tạo điều kiện cho nhiều cao ốc làm thêm hầm giữ xe để các cao ốc phải cạnh tranh, hạ giá giữ xe. Dù là giá hay phí thì mức giữ xe hợp lý sẽ dễ được HĐND TP thông qua và người gửi xe chấp nhận.

Phương án khuyến khích cao ốc xây dựng thêm hầm giữ xe, như chính bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương - chủ đầu tư đang triển khai xây dựng bãi đậu xe ngầm dưới sân khấu Trống Đồng, nhận định là có hiệu quả hơn hẳn việc đầu tư xây dựng các bãi đậu xe tập trung: “Ở bất cứ khu vực nào cũng có nhu cầu lưu đậu xe. Chủ xe đến làm việc ở văn phòng nằm trên đường Đồng Khởi không thể đưa xe đến gửi ở bãi đậu xe dưới sân khấu Trống Đồng hay bãi đậu xe dưới công viên Lê Văn Tám hoặc bãi đậu xe trên cao nằm trên đường Võ Văn Kiệt…, bởi khoảng cách giữa nơi làm việc và nơi gửi xe quá xa. Chắc chắn chủ xe sẽ tìm nơi gửi xe gần chỗ làm việc nhất. Do vậy, hầm gửi xe của các cao ốc trên đường Đồng Khởi sẽ là ưu tiên một…”.

Như vậy, khuyến khích, tạo điều kiện cho các cao ốc xây thêm hầm giữ xe không những xử lý được chuyện thiếu bãi đậu xe mà còn giải quyết được bài toán chi phí giữ xe. Tất nhiên, về lâu dài, khi vận tải hành khách công cộng khu vực nội thành được tổ chức tốt hơn và khi TPHCM hình thành được một mạng lưới các bãi đậu xe ở ngoại vi, thì TP có thể dùng biện pháp nâng giá giữ xe ô tô lên thật cao để hạn chế ô tô vào khu vực trung tâm. Còn trước mắt, bên cạnh việc khuyến khích cao ốc xây thêm hầm giữ xe, ngành chức năng nên rà soát lại khả năng lưu đậu xe của các cao ốc hiện có. Nếu khu vực nào mà các cao ốc có đủ diện tích hầm để cho xe vào lưu đậu thì ngành chức năng nên cắm biển cấm xe ô tô lưu đậu trên lòng, lề đường. Không thể chấp nhận tình trạng xe ô tô lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi lưu đậu như hiện nay, đặc biệt là việc nhiều hãng taxi còn chiếm cả dãy phố dài để đậu xe, gây ùn ứ thậm chí ùn tắc giao thông cho cả khu vực.

Quy hoạch bãi đậu xe ngầm trong khu vực nội thành TPHCM đã được ban hành cách nay gần 10 năm. Hiện nay, ngoài hai bãi đậu xe trên cao của Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải TPHCM và một doanh nghiệp tư nhân được xây dựng thì chưa có bãi đậu xe ngầm nào ra đời. Vì vậy, tình trạng thiếu bãi đậu khiến ô tô lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi lưu đậu đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến giao thông TPHCM.

- Bài 2: Vun dân và giãn dân

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục