
Đánh dấu 70 năm sự kiện vụ thảm sát Nam Kinh (từ tháng 12-1937 đến tháng 3-1938) có khá nhiều bộ phim được thực hiện. Có thể kể đến Nam Kinh, Nam Kinh của đạo diễn Trung Quốc Lục Xuyên (với tham gia của Điền Tráng Tráng); trong khi hai đạo diễn lừng danh Hồng Công Đường Lý Lễ và Nghiêm Hạo thực hiện phim Quyển nhật ký và Giáng sinh Nam Kinh 1937; đạo diễn Anh Simon West thì bấm máy cho bộ phim mang tựa Purple Mountain (Tử Kim Sơn)… Nhìn lại vụ thảm sát Nam Kinh cũng là cách để lịch sử nhân loại không phải chép thêm những trang bi thương và đẫm máu…
Trong vài giờ, hàng chục ngàn người thiệt mạng

Cánh đồng sọ người trong vụ thảm sát Nam Kinh
Năm 1931, Nhật xâm chiếm Mãn Châu và đến tháng 7-1937, trận chiến giữa Nhật và Trung Quốc đã leo thang toàn diện. Nhật chiếm Thượng Hải và sau đó nhanh chóng tràn vào Nam Kinh. Ngày 25-11-1937, quân Nhật tổ chức tấn công Nam Kinh trên ba tuyến: tuyến phía Đông đánh trực diện vào thành phố (theo đường xe lửa Thượng Hải-Nam Kinh); tuyến trung tâm theo đường xe lửa Nam Kinh-Hàng Châu và tuyến phía Tây xông lên từ Vu Hồ để vây kín Nam Kinh.
Vài ngày sau, đầu tháng 12, quân Nhật đã đến ngoại vi thành phố và đến ngày 13-12 Nam Kinh gần như hoàn toàn thất thủ. Khi quân Nhật kéo vào Nam Kinh, thành phố rơi vào tình trạng hỗn loạn cực độ. Hàng đoàn người tản cư từ các thị trấn ven Nam Kinh đã ùn ùn chạy vào trung tâm thành phố, từ ngả Trung Sơn Môn và Trung Hoa Môn.
Trong khi đó, dân trong thành phố lại tay xách nách mang hành lý chạy ra ngoài. Cuối cùng, các đoàn người tràn ra những cánh cổng của thành phố để băng qua sông Dương Tử thoát thân. Bên bờ Dương Tử, lính của Tưởng Giới Thạch cũng có mặt, đông như kiến. Sợ đoàn người di cư gây cản trở cho cuộc trốn chạy của mình, bọn lính vội vã đóng hai cửa thành dẫn ra bờ sông. Sau lưng là tiếng đạn truy đuổi của Nhật và trước mặt là con đường bị khóa chặt, đoàn người tản cư than khóc vang trời.
Sau khi chiếm được thành phố, quân Nhật - dưới sự chỉ huy của tướng Tani Hisao - bắt đầu làm chủ các công sở, ngân hàng, nhà kho… Trong khi đó, một nhóm khác tổ chức những cuộc thảm sát dã man. Đám đông dân tản cư, nhất là dọc theo Trung Sơn Bắc Lộ và Trung ương Lộ trở thành mục tiêu chính. Dùng súng máy, quân Nhật bắn xối xả vào đoàn người. Cuộc thảm sát Nam Kinh thật sự bắt đầu. Những người sống sót kêu khóc, van xin tha mạng trong tuyệt vọng. Khắp nơi, người ta thấy toàn máu và xác người.
Sáng ngày 14-12, xe tăng và xe cơ giới Nhật đổ vào thành phố. Cuộc thảm sát càng kinh khủng hơn. Suốt cả ngày hôm đó, tiếng súng chưa một lần nào ngưng. Tình hình ở bờ Dương Tử tiếp tục hỗn loạn. Chiều ngày 14-12, quân Nhật mở hai cánh cổng dẫn ra Dương Tử và lại lia súng máy giết người. Nhiều nạn nhân quyết định chọn con đường chết bằng cách nhảy xuống sông. Chỉ trong vài giờ, hàng chục ngàn người đã thiệt mạng.
Giết người để tiêu khiển!
Ngày 16-12, hơn 5.000 người - đang trốn tại Trung tâm Trung Hoa Hải ngoại - được giải đi từng nhóm bằng xe tải, chở đến nhà ga Hạ Quan rồi bị giết. Thi thể của họ bị quẳng xuống sông. Sau khi thực hiện những cuộc thảm sát “sơ bộ” ở trung tâm Nam Kinh, quân Nhật bắt đầu đổ xuống các vùng ven và làng quê. Khoảng 50.000 dân bị gom lại và không được cho ăn uống. Những nạn nhân già cả hay bệnh tật bắt đầu chết.
Cuối cùng, những kẻ sống sót qua trận đói được đưa ra đồng bắn hàng loạt. Một số xác chết các nạn nhân sau đó được tẩm xăng và đốt; số khác, nằm vương vãi khắp nơi. Cuộc thảm sát đợt đầu kéo dài hơn 10 ngày. Vào ban ngày, hoàn toàn không có một “linh hồn sống” nào có thể thấy ở đường phố Nam Kinh, trừ lính Nhật. Buổi tối, trừ vài ngọn đèn ở các đồn lính Nhật, cả thành phố chìm trong màn đêm rợn người.
Khoảng vài chục ngàn người đã thiệt mạng trong đợt thảm sát này. Ngày 17-12, quân Nhật làm lễ mừng chiến thắng và tướng Matsui Iwane - chỉ huy trưởng quân đội Nhật trong chiến dịch Nam Kinh - lên kế hoạch cho cuộc thảm sát đợt thứ hai. Matsui buộc tất cả các nhà và cửa hàng phải mở toang cửa suốt ngày đêm, phòng người Trung Quốc hoạch tính âm mưu chống lại.
Trong 10 ngày cuối cùng của tháng 12, chiến dịch “dọn sạch đường phố” của Nhật được thực hiện. Từng nhóm 5 lính Nhật - lưng giắt kiếm, tay cầm súng - đến từng nhà, gọi mở cửa. Ngay khi cửa được mở, chủ nhà bị bắn chết tức thì. Chỉ trong một ngày, hàng ngàn thường dân Trung Quốc đã thiệt mạng.
Phần ba của cuộc thảm sát đã biến thành trò tiêu khiển của lính Nhật. Chẳng hạn, bọn chúng gom nạn nhân thành nhóm khoảng 1.000 người, xếp đứng thành hàng ngang và bị tẩm xăng. Sau đó, chúng bắn vài phát đạn vào khiến lửa bốc cháy trên những ngọn đuốc người. Một trò khác, lính Nhật cột các nạn nhân từng nhóm vài chục người, đưa họ ra một cái hồ đóng băng. Chúng bắt họ cởi hết quần áo, dùng tay phá lớp băng trên hồ rồi nhảy xuống dòng nước lạnh cóng để “bắt cá”. Người nào phản kháng lập tức bị ăn đạn.
Sau các trò đùa này, lính Nhật lao vào cuộc thi giết người. Chúng chia ra thành từng nhóm nhỏ và thách thức lẫn nhau xem ai giết được nhiều người nhất. Phần kế nữa là các cuộc hãm hiếp phụ nữ, từ em bé 7 tuổi đến cụ già 70 (theo đúng nghĩa đen của cụm từ này), kể cả phụ nữ có thai! Hàng loạt trò đùa kinh khủng và man rợ nhất lịch sử đã được lính Nhật sử dụng trong vụ thảm sát ở Nam Kinh mà không thể kể ra hết hoặc không tiện kể.
Toàn cảnh, đúng như tên bộ phim tài liệu 42 phần được Trung Quốc sản xuất năm 1995 - Nhất thốn hà san nhất thốn huyết, mỗi tấc đất Nam Kinh đều nhuộm đỏ tấc máu, trong vài tuần lính Nhật thực hiện cuộc thảm sát!
PHÚC CẨM
Bài 2: Những nhân chứng lịch sử