
Thời chứng khoán lên ngôi nên cái gì gắn được với nó người ta đều gắn vào… cho nó sang! Bởi vậy, giờ người ta không gọi đi nhảy đầm nữa mà rủ nhau: “lên sàn”. Ngày trước vũ trường chỉ mở cửa vào buổi tối, còn bây giờ sáng, trưa, chiều tối gì cũng “lên sàn” tuốt.
Từ sàn buổi sáng...

Một lớp học khiêu vũ tại công viên Gia Định. Ảnh: NHẬT NGÂN
Sáng vào cơ quan, mới quay tới quay lui đã thấy “mất dấu” nữ trưởng phòng của tôi. Cô bạn cùng phòng nói gọn lỏn: Lên sàn rồi. Tôi lẩm nhẩm: Trưởng phòng cũng chơi chứng khoán nữa ta. Mấy người cùng phòng bật cười, như có ý chế giễu. Quay sang tán gẫu bên tách trà sáng với người bạn cùng phòng nhưng anh cứ nhấp nha, nhấp nhỏm, thỉnh thoảng đưa tay lên xem đồng hồ. Lát sau anh kề tai tôi nói nhỏ: “Tôi phải đi sớm, vì sáng nay có hẹn… lên sàn”. Thấy tôi ngớ người không hiểu, anh cười giải thích: “Lên sàn… là đi nhảy đầm đó cha nội”. “Nhảy đầm gì giờ này, giữa ban ngày ban mặt?”. Thấy tôi quả tình không biết, anh bèn giải thích: “Bây giờ vũ trường mở cửa tuốt tuồn tuột, bất kể sáng trưa chiều tối, lúc nào cũng có chỗ cho dân thích “tung tăng bàn chân Việt”. Thấy công việc không có gì gấp, hơn nữa trưởng phòng cũng đã lên sàn tôi cũng hăm hở theo anh “lên sàn”.
Chúng tôi đến một CLB khiêu vũ ở quận 5, tuy mới hơn 9g sáng nhưng khách lên sàn khá đông, gần cả trăm người. Phần đông là người lớn tuổi, có người ở tuổi cổ lai hy, ai nấy đều ăn mặc đẹp, cung cách lịch sự. Đông người nhưng không ồn ào, mọi người như chìm lắng trong từng bước chân, điệu nhảy. Tôi làm quen với một phụ nữ trung niên đang ngồi dõi mắt nhìn mọi người dìu nhau. Chị là giám đốc một công ty tư nhân, lên sàn do mối quan hệ trong làm ăn. Chị nói dè sẻn: “Phía bên đối tác họ mời thì mình cũng chìu lòng khách cho vui”.
Bất ngờ tôi phát hiện ra Liên, cô bạn học vừa gặp lúc uống cà phê sáng nay, chưa kịp hỏi thăm nhau đã vội chia tay vì nhà cô “đang có khách”, đang say sưa trong điệu nhảy Rumba. Hóa ra cô vội là để… lên sàn buổi sáng. Bản nhạc chấm dứt, mọi người về chỗ ngồi, Liên nhìn tôi ái ngại, phân bua: “Từ ngày về hưu, suốt ngày quanh quẩn trong nhà với công việc nội trợ thấy tù túng quá. Em lén ông xã đi học khiêu vũ để tìm giây phút thư giãn. Liên ngập ngừng. Khổ nỗi, ông xã cho rằng nam nữ dìu nhau nhảy là không đàng hoàng cho nên em phải tranh thủ lên sàn buổi sáng, lúc cả nhà đi làm, đến trưa thì như mình đi chợ mới về, mọi việc đâu vào đó”.
Tôi còn nhận ra nhiều bạn bè hiện là lãnh đạo các phòng, ban cũng có mặt. Một anh bạn thân vỗ vai tôi giới thiệu người bạn gái vừa nhảy cùng anh điệu Tango: “Đây là vợ thằng bạn, cả hai vợ chồng cùng lên sàn sáng nay. Tụi này là bạn cùng học khiêu vũ, thi thoảng rủ nhau đi cho vui”. Rồi anh chậc lưỡi nói tiếp: Vì sức ép công việc hàng ngày làm căng thẳng đầu óc quá, những giây phút lên sàn như thế này sẽ giúp lấy lại sự thăng bằng trong cuộc sống.
...Đến sàn... công viên
Một hiện tượng xưa nay hiếm, đó là phong trào khiêu vũ đã lan rộng đến… công viên. Người ta có thể đến công viên vừa dạo mát vừa học nhảy đầm.
Tiếng nhạc rộn rã từ công viên 23-9 vang lên khi trời vừa mới hừng đông, cùng với tiếng bước chân nhịp nhàng theo điệu nhạc. Họ đến công viên này cũng như bao người khác là để tập thể dục buổi sáng, chỉ khác là không phải đi bộ hay chạy bộ mà bằng những bước nhảy Tango, Rumba, Cha cha cha… Ngày nào cũng vậy, cứ hơn 4g sáng là chị Diệu Tâm có mặt tại công viên 23-9 để chuẩn bị âm thanh, nhạc cụ cho lớp học khiêu vũ tại đây do chị hướng dẫn. Có khoảng 70 học viên theo học, phần đông là những người trung niên, rất nhiều người tuổi ngót 70. Vào những ngày không mưa, có hơn một trăm người theo học.
Một cụ già đầu tóc bạc phơ, nhưng bước chân còn rắn rỏi, điệu nghệ trong bước nhảy Tango với một phụ nữ khoảng 30 tuổi. Thỉnh thoảng ông dừng lại hướng dẫn cho người bạn nhảy những bước sai. Hỏi ra mới biết đó là con gái ông. Ông cho biết: Sáng nào tôi cũng ra đây tập thể dục. Ban đầu thấy có mấy người tập khiêu vũ, tôi cười thầm trong bụng nhưng khi gặp ông bạn hàng xóm cũng tham gia, tôi cũng “đua đòi” theo. Mà phải công nhận, từ khi… nhảy đầm, tôi thấy vui vẻ hơn, trẻ hơn, nhất là mấy cái bệnh già cũng biến đâu mất luôn. Chị Diệu Tâm ướt đẫm mồ hôi vì phải hướng dẫn người này đến người khác. Tay lau mồ hôi trán, chị cười vui vẻ: “Thấy các cụ tham gia chúng tôi mừng lắm, vì trước tiên là giúp các cụ khỏe mạnh, yêu đời”.
Buổi chiều ở công viên Lê Văn Tám phong trào khiêu vũ cũng nhộn nhịp không kém với khoảng 100 người tham dự. Đa số là cán bộ công nhân viên, sau một ngày lao động, họ tìm giây phút thư giãn với những bước nhảy công viên. Anh T.T.C., trưởng phòng kinh doanh một công ty cho biết đã khiêu vũ từ lâu nhưng vẫn đóng tiền để đi học khiêu vũ lại ở… công viên. Bởi theo anh đây là một sân chơi lành mạnh, có văn hóa. Anh Hoàng Tâm, người có thâm niên hướng dẫn khiêu vũ tại công viên, bộc bạch: “Khiêu vũ từ lâu chỉ xuất hiện ở những nơi mà giới bình dân khó tham dự, vì nó vừa đòi hỏi phải có tiền, có đào, có rượu bia, có sàn nhảy sang trọng.
Chính vì vậy, tôi muốn biến khiêu vũ thành một sinh hoạt quần chúng, rộng khắp, ai cũng tham gia được”. Anh Hoàng Tâm cho biết: Học viên đóng học phí 60.000đ/tháng, chiều nào cũng học. Anh Tâm nhấn mạnh: Học khiêu vũ ngoài công viên khiến nhiều người e ngại, vì vậy người hướng dẫn phải tận tâm, nhiệt tình để xóa bỏ mặc cảm nơi họ. Có thế mới thu hút đông học viên được. Và quả thật, anh Hoàng Tâm, chị Diệu Tâm… đã làm được điều này. Bằng chứng là trước kia chỉ lèo tèo có mấy người, còn bây giờ những lớp học khiêu vũ ở công viên thu hút hàng trăm người”.
Nguyễn Tường Lộc
Bài 2: Vũ trường thời... vũ nam