
Năm 1967, Daniel trở về Mỹ và được phân công vào nhóm nghiên cứu tối mật về hoạch định chính sách đối với Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mc Namara. Tại đây, ông đã được trực tiếp tiếp xúc với các tài liệu mật của Nhà Trắng và biết rõ kế hoạch muốn leo thang chiến tranh Việt Nam.
- Ngày đầu tiên ở Lầu Năm Góc

Tàu USS Maddox (ảnh TL)
Sáng thứ tư ngày 4-8-1964, ngày đầu tiên với công việc mới của tôi ở Lầu Năm Góc, một người đưa thư tới văn phòng đem theo một bức điện khẩn cho cấp trên của tôi. Nhưng Trợ lý Bộ trưởng John MCNaughton đã ra ngoài cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara.
Bức điện đến từ tàu trưởng John J.Herrick, phó chuẩn đô đốc đội tàu khu trục ở Vịnh Bắc bộ, ngoài khơi miền Bắc Việt Nam tại biển Đông. Theo bản báo cáo tàu của ông ta bị các tàu tuần tra của Bắc Việt tấn công khi đi ngang trong vùng hải phận quốc tế và đã ra lệnh bắn trả. Vài phút sau, Herrick báo cáo hai tàu khu trục của ông ta bị tấn công và có thể một trong hai chiếc đã bị hư hại. Cuộc đụng độ diễn ra vào một đêm tối, trong nhiều giờ tới gần nửa đêm.
Đây là một sự kiện không bình thường. Chính xác đây là đợt tấn công thứ hai vào tàu hải quân của Mỹ kể từ Đại chiến Thế giới thứ II. Đợt đầu chỉ cách đó không đầy 3 ngày, cũng là tàu Maddox của Herrick đang đi tuần trên Vịnh Bắc bộ. Tất cả điều này, trừ những công bố mới nhất, tôi đều đã đọc trên các báo.
Trưa hôm đó, đọc những thống kê được giải mật của giai đoạn này tôi đã học thêm được nhiều điều. Giờ đây mỗi khi có bức điện mới tôi thường nhìn vào điểm thời gian ở góc trái của các bức điện. Hai số đầu tiên chỉ ngày trong tháng, 4 số tiếp theo là thời gian chính xác khi bức điện được chuyển đi.
Tôi đối chiếu thời gian chuyển với đồng hồ trên tường trong văn phòng ở Lầu Năm Góc, lúc đó khoảng một tiếng rưỡi sau khi bức điện được chuyển, một khoảng thời gian quá ngắn để một bức điện có thể tới được chỗ tôi. Sự thật tương tự như thế với bức điện thứ hai, được gửi lúc 10g52 sáng (giờ Washington) và tới tay tôi lúc 11g20. Các bức điện khác cũng chỉ mất ít phút. Vì thế những báo cáo gửi đi đều không đáng tin cậy.
Năm 1967 các tài liệu dường như đều khẳng định không có cuộc tấn công thứ hai. Năm 1981, với những bằng chứng mới trong cuốn nhật ký của mình, nhà báo Robert Scheer đã khẳng định với Herrick rằng báo cáo về quả ngư lôi đầu tiên không được tìm thấy.
Các bức điện của Herrick đã chuẩn bị cho một cuộc không kích trả đũa nhanh chóng ở Vịnh Bắc bộ. Tổng thống triệu tập một cuộc họp với hội đồng an ninh quốc gia (NSC) để thông báo những hành động đã dự tính. Tổng thống cũng quyết định nói với công chúng Mỹ về các cuộc tấn công. McNamara cũng tổ chức một cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc ngay sau nửa đêm.
- Những cảnh báo
Thông báo của tổng thống và cuộc họp báo của McNamara vào cuối ngày 4-8 cho công chúng biết rằng Bắc Việt lần thứ hai trong ngày đã tấn công các tàu chiến của Mỹ trên “đường tuần tra thuộc hải phận quốc tế”, rằng đây là một hành động cố tình gây chiến và Mỹ đáp trả lại để ngăn chặn bất cứ sự tái diễn nào chứ không có ý định ở rộng chiến tranh. Và tôi nhanh chóng nhận ra rằng mỗi lời thông báo này đều sai sự thật.
Sự thật, hai tàu khu trục đang làm nhiệm vụ tình báo với mật danh cuộc tuần tra Desoto đã thâm nhập vào bên trong nơi mà Bắc Việt đã công bố là hải phận của họ (12 dặm tính từ bờ biển và từ các hòn đảo). Mỹ không thừa nhận ranh giới này nhưng các tàu hải quân của Mỹ cũng đã được chỉ thị rõ ràng phải giữ khoảng cách ít nhất 15 dặm từ các hòn đảo và đất liền.
Tuy nhiên trước sự kiện ngày 2-8, tàu Maddox đã thường xuyên ở khoảng cách 8 dặm từ đất liền của Bắc Việt và 4 dặm từ các hòn đảo của họ. Mục đích này cho thấy phía Mỹ không những đã bác bỏ những lời công bố về ranh giới của Bắc Việt mà còn khiêu khích họ tấn công vào ra đa phòng thủ bờ biển để các tàu khu trục có thể đánh dấu được các khu vực phòng thủ của họ và chuẩn bị cho các cuộc tấn công trên không lẫn trên biển. Ngày 7-8 Quốc hội thông qua Nghị quyết Vịnh Bắc bộ, theo đó tán thành và ủng hộ quyết định của tổng thống.
Những lời cảnh báo được chuyển đến Bắc Việt thông qua Blair Seaborn, người Canada, một thành viên của Ủy ban Giám sát quốc tế (ICC), tổ chức này được thành lập để giám sát quy tắc của các Hiệp ước Geneva 1954 và 1962. Trong cuộc gặp đầu tiên ở Hà Nội, ông ta đã gặp riêng Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Seaborn đã chuyển tiếp lời cảnh báo của các quan chức Mỹ rằng: “Sự kiên nhẫn của các quan chức và công chúng Mỹ đối với sự khiêu khích của Bắc Việt đang dần suy giảm” và nếu cuộc xung đột tiếp tục leo thang thì “tất nhiên chính Bắc Việt sẽ phải gánh chịu hậu quả lớn”.
Phản ứng của ông Phạm Văn Đồng, theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, là “rất tức giận” và lạnh lùng, không nhượng bộ. Sau đó ông Đồng nói triển vọng của Mỹ và quân đồng minh ở miền Nam Việt Nam là “không có”: không lối thoát, một kết cục thảm bại.
________
Bài 2: Đường dẫn tới leo thang
(*) “Những bí mật về chiến tranh Việt Nam” do NXB CAND phối hợp cùng Công ty Văn hóa Phương Nam phát hành.
Năm 1971, Daniel Ellsberg, sĩ quan Lầu Năm Góc từng tham chiến ở Việt Nam, đã cho công bố 7.000 trang tài liệu tối mật cho báo chí, tạo nên một làn sóng phản đối chiến tranh Việt Nam mạnh mẽ chưa từng có tại Mỹ. “Những bí mật về chiến tranh Việt Nam - Hồi ức về Việt Nam và hồ sơ Lầu Năm Góc” (Secrets: A Memoir of Vietnam and the Pentagon papers) là cuốn hồi ký của Daniel, kể lại cuộc hành trình đi tìm sự thật và phanh phui những âm mưu dối trá về cuộc chiến tranh Việt Nam của ông, bắt đầu từ sự kiện Vịnh Bắc bộ. Xuất bản năm 2002, nó đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất, gây xôn xao nước Mỹ. |
GIA BÌNH lược ghi