Mafia- cuộc chiến không có hồi kết

Bài 1: Thế hệ mafia thời hiện đại của Mỹ

Bài 1: Thế hệ mafia thời hiện đại của Mỹ

Vào 7g sáng ngày 30-5-2007, ngôi nhà của Danny Leo (có biệt danh “The Lion”) bất ngờ đón tiếp một loạt những vị khách không mời - các nhân viên Cục điều tra liên bang với đầy đủ vũ khí. Các đại diện pháp luật còn mang theo còng tay và lệnh bắt giữ chủ nhân ngôi nhà sang trọng tại thị trấn nhỏ Rockley (bang New Jersey). Nhiều người giờ đây mới biết, Danny Leo chính là ông trùm mới của băng nhóm mafia gia đình nổi tiếng Genovese tại Mỹ.

“Lời nhắc” về sự tồn tại của mafia

Bài 1: Thế hệ mafia thời hiện đại của Mỹ ảnh 1
Danny Leo

Ngay từ sáng sớm, Danny Leo (66 tuổi) đã được hộ tống tới tòa án liên bang khu vực, nơi hắn bị cáo buộc thực hiện 4 vụ tống tiền khác nhau. Theo thuật ngữ của giới tư pháp Mỹ, hình thức tội phạm của Leo là “loan sharking” - cho vay tiền trong một thời hạn ngắn nhưng với mức lãi suất chẳng khác gì ăn cướp. Nếu con nợ không thể trả đúng thời hạn (thường là như vậy), họ sẽ bị bọn tay chân của các chủ nợ tước đoạt mọi thứ có thể có, trong khi khoản nợ cùng với lãi suất vẫn phình to ra theo cấp số nhân.

Luật sư bị cáo cho rằng, thân chủ của ông ta không phải là trùm mafia mà chỉ là một “công dân hiền lành” từ 34 năm qua vẫn sống tại duy nhất một ngôi nhà. Lần duy nhất Leo có dính líu tới pháp luật đã diễn ra từ 27 năm trước, khi từ chối đưa ra lời khai trước bồi thẩm đoàn về một vụ việc tương tự. Tuy nhiên, phía đại diện công tố khẳng định, họ có đầy đủ bằng chứng gồm nhiều đoạn băng ghi âm cho thấy bị cáo là một thành phần đặc biệt nguy hiểm nên không thể được tạm trả tự do ngay cả khi đồng ý nộp tiền thế chân. Kết quả là Danny Leo bị đưa ngay vào trại giam, sau khi quan tòa đồng ý với đề nghị của công tố viên. Nếu bị kết luận đúng với hồ sơ của bên công tố, Leo rất có thể phải đương đầu với bản án lên đến 20 năm tù.

Vụ bắt giữ Danny Leo một lần nữa lại nhắc nhở công luận Mỹ về sự tồn tại của mafia. Các mạng lưới tội phạm có tổ chức nguy hiểm này vẫn hiện diện một cách tinh vi và kín đáo hơn dù ở mức độ này hay mức độ khác. Dù không thể phủ nhận sự cố gắng của các cơ quan hành pháp Mỹ nhưng việc tuyên bố kết thúc kỷ nguyên của mafia vẫn còn là chuyện… quá sớm. Chẳng hạn như băng nhóm mafia gia đình hùng mạnh nhất tại Mỹ vẫn là nhà Genovese mà Danny Leo là một đại diện hàng đầu. Với tư cách ông chủ đứng đầu, Leo từng nắm quyền điều hành tới 200 phần tử tội phạm khác nhau.

Mafia và cuộc đổ bộ vào Tân thế giới

Mafia, theo hầu hết các thông tin, được bắt nguồn ban đầu tại Italia. Nhưng nếu lần theo lịch sử, bản thân các phe nhóm tội phạm có tổ chức tại Italia cũng chưa bao giờ tự gọi mình là mafia. Ngay cả các chuyên gia từ vựng cũng chưa có ý kiến thống nhất về nguồn gốc của từ này. Theo một giả thuyết, từ MAFIA xuất phát từ các chữ cái đầu của cụm từ tiếng Pháp “Morte Alla Francia, Italia Anela” (Cái chết cho quân Pháp, cố lên Italia) - một khẩu hiệu của quân khởi nghĩa tại Sicilia chống lại sự đô hộ của Pháp vào năm 1282. Một giả thuyết khác là nó có nguồn gốc từ Ả Rập “mahyas” có nghĩa là “ngạo mạn” (người Ả Rập từng chiếm Sicilia trong khoảng thời gian các thế kỷ VI-XI). Từ mafia được ghi nhận chính thức được dùng lần đầu tiên vào năm 1865, khi quận trưởng vùng Palermo báo cáo trong một văn bản gửi về thủ đô: “Các cộng đồng tội phạm được gọi là mafia đang trở nên táo tợn hơn”.

Còn giới mafia thực sự lại gọi tổ chức của mình là Cosa Nostra, có nghĩa “sự nghiệp của chúng tôi”. Nhiều sử sách ghi nhận sự xuất hiện của mafia vào trong giai đoạn khoảng giữa thế kỷ XII cho tới XV, khi Tây Ban Nha đang cai trị Sicilia. Tại đây hình thành một hội kín để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của những người nông dân trước quân Tây Ban Nha, tương tự như những băng nhóm của Robin Hood. Nếu như Italia là nơi mafia bắt nguồn thì Mỹ mới thực sự là nơi “con bạch tuộc” này phát triển và lớn mạnh với quy mô toàn cầu. Mafia bắt đầu xuất hiện tại Tân lục địa từ cuối thế kỷ XIX, khi có một làn sóng người gốc Italia ồ ạt nhập cư vào Mỹ. Tuy nhiên những tay tội phạm Italia cũng đã gặp phải đối thủ cạnh tranh - các băng nhóm tội phạm Ailen đang thống trị từ trước đó tại khu bờ biển phía Đông.

Phải nói về mặt liều lĩnh và tàn bạo, các băng nhóm tội phạm Ailen không hề thua các”anh chị” đến từ Sicilia. Cái chúng chịu thua kém là sự thâm hiểm - trong khi tìm đối thủ để thanh toán trực tiếp, các thành viên Ailen lại luôn bị ám sát từ phía sau lưng. Và trong thế giới tội phạm của New York nhanh chóng nổi lên ông trùm Ignacio Lupo với cái tên lóng là “Chó sói”. Những thủ đoạn và sự tàn bạo của đàn em Lupo khiến nhân vật này còn được gán cho “huyền thoại” là biết phép phù thủy. Sự thẳng tay của các thành viên mafia Italia trong việc thanh toán kẻ thù và những kẻ bị nghi ngờ phản bội đã khiến cho giới tội phạm bản địa tại New York phải kinh hoàng.

Phải nói là mafia Italia tại nước Mỹ có lẽ đã không thể hoành hành đến vậy, nếu như quốc hội nước này vào năm 1919 không trao cho giới tội phạm một “món quà vô giá” - đó là điều khoản bổ sung hiến pháp thứ 18 ngăn cấm việc sản xuất và buôn bán rượu. Trong thực tế, người dân Mỹ uống rượu trong những năm có hiệu lực của đạo luật này còn nhiều hơn cả trước đó. Nhu cầu uống rượu của người dân Mỹ nhanh chóng được các băng buôn lậu từ Mexico và Canada đáp ứng. Mãi về sau này người ta mới biết, buôn rượu lậu chính là nguồn gốc dẫn tới sự thành đạt của gia đình Kennedy - các lô rượu whisky từ Canada được chuyển qua đường biển tới thái ấp của Joseph Kennedy tại mũi Cod.

Bài 2: Cuộc chiến đẫm máu của các ông trùm

LINH NGA

Tin cùng chuyên mục