Bài 1: Truy án mờ - mò kim đáy biển

Bài 1: Truy án mờ - mò kim đáy biển

Cảnh sát hình sự, lặng lẽ với những trận đánh lớn

Sau cuộc rượt đuổi bất chợt trên phố như trong phim và có kẻ nào đó chợt “rơi” xuống đường bởi những thế võ chuyên biệt của những người mặc thường phục và chỉ loáng một cái, họ lại biến mất trên phố cùng những kẻ bị mang còng tay, người dân thành phố biết ngay rằng một tên tội phạm nguy hiểm nào đó vừa bị bắt bởi các trinh sát hình sự Công an TPHCM… Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân, chúng tôi giới thiệu với bạn đọc đôi gương điển hình của lực lượng cảnh sát hình sự nhiều huyền thoại của TPHCM.

Đằng sau chiến công của các trinh sát, các điều tra viên của Công an TPHCM (CATP) còn đó những nỗi buồn sâu kín, sự cô đơn lẻ bóng của những người phụ nữ đảm đang đã và đang “canh lửa”, giữ ấm nếp nhà thay các anh…

Băng cướp Dylan

Từ năm 2007 - 2010, Nguyễn Văn Hòa (tự Lâm), sinh 1968, cùng với 21 tên giang hồ cộm cán có nhiều tiền án, tiền sự như: Nguyễn Duy Khanh (tự Sơn Đảo), Lê Đình Tâm (Tám Bò), Nguyễn Văn Hoàng (Tư Nên)… lập băng cướp có súng, gây ra hơn 20 vụ án, bắn chết 4 người. Do chúng chuyên cướp xe Dylan, loại xe đắt tiền nhất thời ấy, nên người dân gọi chúng là “băng cướp Dylan”. Tháng 10-2007, Hòa và Tư Nên, dùng xe Wave xoáy nòng đi tìm “mồi”, phát hiện một thanh niên đi Dylan, dừng xe nói điện thoại trước cửa Bệnh viện 7A, đường Nguyễn Trãi, quận 5. Lúc đó khuya nên đường rất vắng, Tư Nên dừng xe cách đó 5m, Hòa đi bộ lại, rút súng gí sát ngực thanh niên, trợn mắt hô “xuống xe”. Thanh niên kia quát lại và đưa tay chụp súng. Hòa lạnh lùng nổ phát súng khiến người thanh niên đó quỵ xuống vệ đường. Bỏ chiếc “Wave cùi” lại, Hòa và Tư Nên lên xe Dylan tẩu thoát. Chúng mang chiếc Dylan xuống nhà Phú Quân ở quận Tân Phú để thay biển số, cà khung xe, rồi về nhà.

Thượng tá Hoàng Khanh (phải) trao đổi công việc cùng đồng đội.

Hôm sau, báo chí đưa tin một vụ cướp xe Dylan ở quận 5, nạn nhân tên Đoàn Hùng Cường, ngụ tại Hà Nội, bị bắn xuyên lồng ngực đã chết. Đêm đó, Hòa đến nhà Quân lấy xe mang ra đường vứt bỏ để tránh truy xét. Xe tang vật là của người khác cho nạn nhân mượn, không ai chứng kiến vụ giết người cướp xe và nạn nhân cũng chết khi chưa kịp cho lời khai. Ngoài cái tên Hòa “Lâm”, có mẹ từng là đào hát cải lương thì thông tin về hung thủ gần như không có gì. Các vụ cướp xe Dylan bằng súng cũng dừng lại. Hết thời hiệu truy xét, Thượng tá Hoàng Khanh, Đội trưởng Đội Truy xét trọng án mờ (Đội 9) Phòng Cảnh sát Hình sự CATP xếp hồ sơ lại.

Hai năm sau, Công an quận 10 bắt được nhóm đối tượng bán ma túy, trong đó có tên Nguyễn Văn Hòa, từng ở khu tập thể Đoàn cải lương PC. Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc CATPHCM xem hồ sơ vụ án, ông chợt nhớ bên Cảnh sát hình sự có vụ án mờ, đối tượng từng ở khu tập thể đoàn cải lương nên chỉ đạo chuyển hồ sơ sang Đội 9.  Đội trưởng Hoàng Khanh đọc nhanh hồ sơ và ông nhớ ra ngay tên Hòa này có khả năng liên quan vụ bắn chết người cướp xe Dylan ở quận 5 mấy năm trước. 

Hỏi cung hai ngày liền, Hòa cứ im như thóc, cái gì cũng không biết; cho đến khi Thượng tá Khanh cười nói: “Ngồi im nhìn nhau thế này mệt quá, hát một câu vọng cổ nghe chơi đi”.  Hòa giật mình vì cái gốc kép hát của y đã bị quên lãng rất lâu, giờ có người nhắc lại. Ký ức buồn bã ngày xưa ùa về; mẹ Hòa là đào hát chỉ đóng các vai phụ, khi bị chồng bỏ theo người khác, quẫn trí bà pha thuốc rầy cho 3 mẹ con cùng uống. Mẹ và anh của Hòa chết. Hòa bỏ đoàn hát đi sống lang bạt. Cuộc sống đường phố khiến Hòa trở nên hung ác, nhưng y lại dễ mềm lòng khi ai đó nhắc đến ngày xưa có mẹ. “Em biết, với tội của em, khai ra là chết, nhưng em hiểu những điều cán bộ nói mấy bữa nay. Đã đến lúc buông tay rồi”, Hòa chậm rãi nói rồi cho lời khai… Băng cướp của Hòa có 22 tên, đã thực hiện 20 vụ cướp tài sản và giết 4 người. Trong đó, Hòa thực hiện 10 vụ cướp và bắn chết 3 người. Để bắt được hết 21 tên còn lại, Đội 9 phải căng người ém quân hàng chục ngày chờ đến giờ G. Và thật xuất sắc khi cùng một ngày, cả 21 tên cướp đều bị bắt giữ. Đội trưởng Hoàng Khanh và tập thể Đội 9 đã nhận Bằng khen của Bộ Công an cho những ngày “nằm gai nếm mật” xóa sổ “băng cướp Dylan”, trả lại sự bình yên trên các tuyến phố.

Vết sơn trên xác chết

Thông thường, những ngày sát tết ít khi xảy ra trọng án, vậy nhưng vào năm 2003 có vụ trọng án đặc biệt nghiêm trọng đã khiến cả Đội 9 mất vui mấy ngày tết. Chiều 27 Tết, khi Thượng tá Hoàng Khanh đang xếp gọn bàn làm việc thì chỉ huy Phòng CSHS gọi hội ý gấp về việc tổ bảo vệ ở Bến xe miền Đông báo có người thuê xe xích lô chuyển một túi nylon màu đen đến cho bảo vệ tên Tiến nhờ chuyển đi tỉnh. Không có địa chỉ cụ thể nên họ kiểm tra và phát hiện xác người từ phần bụng trở xuống. Tại góc đường Hoàng Hoa Thám - Trường Chinh (Tân Bình) có người phát hiện một bọc nylon chứa xác người từ vai đến bụng. Vậy cái đầu vứt đâu? Cơ sở truy án này lúc đầu chỉ có từ “xích lô”. Các trinh sát và điều tra viên nhiều kinh nghiệm như: Nguyễn Thanh Tùng, Võ Hữu Nghĩa, Nguyễn Công Triều, Nguyễn Văn Hướng, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Thế Vinh… được tung vào cuộc. 

Những mảnh thân thể được bên pháp y xác định là cùng của một người nam, chết do đứt động mạch chủ bởi dao loại chặt xương, lực cứa, cắt để phân thây cho thấy hung thủ không cao, to… cộng với thông tin của người đạp xích lô cung cấp, Thượng tá Khanh phán đoán, nhiều khả năng hung thủ là phụ nữ. Trong khi tổ truy xét đi khắp nơi thu thập thông tin, Thượng tá Khanh quay lại nơi giữ xác nạn nhân, quan sát kỹ hai bàn chân, lật lên lật xuống bàn tay nạn nhân, thấy trên mu bàn chân, các ngón tay, kẽ tay nạn nhân có dính sơn; anh nghĩ, có thể nạn nhân làm nghề sơn phết…

Lúc này trinh sát báo cáo ở nhà trọ trên đường Nguyễn Thị Nhỏ, quận 11, có gia đình người chồng tên Lý làm nghề sơn khung xe đạp, vợ tên Thủy bán vé số. Theo chủ nhà trọ, bữa trước chồng nhậu say về, hai vợ chồng cãi nhau rồi thấy Lý bỏ nhà đi. Nghe nói, hôm qua Thủy có gọi thợ đến sơn lại nhà, sáng nay khóa cửa, chắc tụi nó về quê ăn tết. Sau đó trinh sát báo cáo đã có được địa chỉ nhà của Thủy dưới Đồng Tháp. Tổ truy xét hối hả lên đường và không cần đấu tranh lâu, Thủy khai nhận rất nhanh: hôm 27 Tết, Lý uống say về  ép Thủy “âu yếm” nhưng không được, Lý bắt Thủy cởi trần quỳ bên giường xin lỗi. Quá say, Lý ngủ vùi. Thủy vào phòng thay áo thì Lý bật dậy chụp tay Thủy. Tủi nhục lại sợ bị đánh, Thủy đã chụp con dao gần đó chém loạn xạ làm Lý chết. Sợ hãi, Thủy đã phân xác phi tang như đã nói trên; còn phần đầu của Lý, Thủy gói trong bao nylon đen mang vứt xuống ao cá ở xã Bình Trị Đông, huyện Bình Chánh.  Sau khi sơn nhà xong, Thủy lấy xe máy chạy về quê. Trên đường về đến cầu Cai Lậy (Tiền Giang), Thủy ném con dao gây án xuống sông.

Chiều tối 29 Tết, chiếc đầu Lý được tìm thấy dưới ao cá. Tổ điều tra chạy đua với thời gian để chiều 30 Tết gia đình nạn nhân mang xác nạn nhân về quê. Mùng 1-2-3 Tết, Thượng tá Khanh và các cộng sự vẫn “bù đầu” với  hàng loạt công việc như: tìm nhanh hung khí kẻo tang vật bị nước cuốn mất dấu, lấy lời khai, làm thủ tục khởi tố bị can, báo cáo cấp trên, viết kết luận điều tra…

Mùng 4 Tết, anh Khanh mới về nhà. Cửa nhà khóa trái. Trong nhà chỉ độc một bình hoa đã héo và tờ giấy chúc tết của vợ. Thừ người một lúc, anh gọi điện thoại về quê gặp vợ báo tin: “Anh xong việc rồi, nhà mình ăn tết thôi…”

 Thượng tá Hoàng Khanh là một trong những điều tra viên cao cấp được công nhận sớm nhất của CATPHCM.  Hơn 37 năm “đặc trị” truy xét án mờ, anh không thể nhớ hết những vụ án anh và đồng đội đã làm, nhưng với “gia tài” Bằng khen cấp Trung ương và TPHCM, Chiến sĩ thi đua nhiều năm liền; Huân chương Chiến công hạng ba mà anh có được đã khẳng định khả năng xuất sắc về nghiệp vụ, sự tận tụy với công việc và đức hy sinh của một người chiến sĩ Công an nhân dân khi thực thi chức trách của mình.  

Phạm Thục

Tin cùng chuyên mục