
Cô gái 25 tuổi trong số 20 người bị “xử kín” sống sót trở về sau một đêm băng rừng bằng hai tay; một cậu bé 14 tuổi bị dí súng và bắn vào gáy, viên đạn đi lệch để lại vết sẹo thành rãnh trên thái dương… Đó là hai trong số những người sống sót sau các vụ thảm sát mà lính Pháp gây ra...
Từ thảm sát Cam Ly

Cụ Nguyễn Thị Lang
Ngày 11-5-1951, nhà lao Đà Lạt vẫn bình thường như mọi ngày nhưng đến chiều, bọn cai ngục bắt đầu phân loại thành phần tù rồi đưa 20 tù nhân lên xe. Họ là những người còn rất trẻ, đa phần ở độ tuổi đôi mươi. Xe chở tù nhân chạy lòng vòng đến khi trời tối thì dừng lại ở thác Cam Ly. Chúng dồn họ đứng ở bãi đất đồi Ba Cây và những tiếng súng vang lên liên hồi. Hai mươi người gục xuống… Chuyện này sẽ không ai biết nếu không có người may mắn thoát chết, đó là bà Nguyễn Thị Lang.
Những tư liệu lịch sử ghi lại: Tháng 3-1951, đội cảm tử Phan Như Thạch được thành lập tại Chiến khu 300 do đồng chí Nguyễn Tấn Phước làm đội trưởng. Được sự đồng ý của Thị ủy, đội cảm tử Phan Như Thạch quyết định bắt sống tên mật thám đầu sỏ Victor Hazz, sống tại biệt thự Hoa Hồng (nay là số 17 Huỳnh Thúc Kháng, Đà Lạt) nhằm khai thác thông tin và đổi một số chiến sĩ đang bị giam cầm. Đêm 10-5-1951, đội cảm tử ẩn nấp tại cơ sở cách mạng gần nhà tên mật thám. Khoảng 17g, tên Victor Hazz về nhà và bị các cảm tử quân triệt hạ khi hắn có ý trốn chạy. Địch ra sức truy lùng nhưng không tìm được dấu vết các cảm tử quân nên điên tiết đi đến hạ sách mang 20 người tù chính trị ở nhà lao Đà Lạt đi xử kín.
Hôm tôi tìm đến, căn nhà 142 Hai Bà Trưng, TP Đà Lạt đầy ắp tiếng cười trẻ con. Nơi đây còn có một người đàn bà nay đã gần 80 tuổi, đó là người sống sót duy nhất trong số 20 người tù chính trị bị “xử kín” trước đây, người dân Đà Lạt gọi trìu mến là mẹ Lang. Cụ Lang sống bình dị như bao người khác: sáng gánh rau ra chợ bán, chiều về chăm sóc vườn rau, rảnh rỗi thì vào chùa cầu an. Cụ kể rành rọt: “Nửa đêm hôm ấy tôi tỉnh dậy, định thần và biết mình còn sống. Ý nghĩ đầu tiên là xem có đồng đội nào còn sống hay không. Nhưng chỉ có tiếng gió rừng, xác người nằm chồng lên nhau…”. Với ý chí phải sống, trong đêm tối bà lấy hết sức lực dồn lên hai cánh tay, lê mình qua các cánh rừng cho đến khi nhận ra một người quen đi lấy củi… Khi đó cụ Lang mới 25 tuổi.
Đến thảm sát làng Mỹ Thủy

Ông Phan Văn Thơ
Từ thị xã Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, theo quốc lộ 1A về huyện Hải Lăng chừng 15km, đi thêm 14km nữa thì về đến làng Mỹ Thủy, một làng biển nằm phía Nam xã Hải An. Cách trụ sở UBND xã chưa đầy 50m là bia tưởng niệm những người dân bị giết hại trong vụ thảm sát làng Mỹ Thủy. Bia tưởng niệm ghi: “Nơi đây, vào ngày 9 và ngày 29-2-1948 thực dân Pháp đã tàn sát 562 người dân làng Mỹ Thủy vô tội”. Đỉnh điểm của vụ thảm sát là vào ngày 29-2-1948 với 452 người dân bị giết chết (ngày ghi trên bia là ngày Âm lịch, tức vào ngày 8-4-1948 Dương lịch).
Ông Phan Thanh Hiếu, gần tuổi 80, là một trong những người sống sót sau vụ thảm sát ngày 8-4 năm đó. Khi đó ông 23 tuổi, là du kích xã nên biết rất rõ: Sáng đó, khoảng một trung đội Pháp từ Kim Giao (xã Hải Dương) đi thẳng về Mỹ Thủy; hướng thứ hai từ các đồn Thi Ông (Hải Vinh), Cổ Lũy, Phương Lan (Hải Ba) tiến ra Thuận Đầu rồi tiến về Mỹ Thủy. Trước khi hai cánh quân gặp nhau ở trung tâm làng (khu vực bia tưởng niệm ngày nay), lính Pháp đã tàn sát gần 200 người ở các làng Ba Du, Tân An… và đốt cháy hàng trăm ngôi nhà.
Lúc 12g trưa, quân Pháp bao vây các ngã đường rồi xả súng vào bất kỳ ai mà chúng gặp. Chúng giết trẻ em và người già ngay tại chỗ, còn phụ nữ thì chúng thay nhau hãm hiếp rồi dùng báng súng đập vỡ đầu… Chứng kiến cảnh tàn sát dã man đó, khoảng 300 người còn lại trong làng tập trung vào nhà của các ông Phan Boong, Phan Lão, Phan Lổ, Võ Tể để nấp. Nhưng lính Pháp tiếp tục vào nhà lôi phụ nữ ra hãm hiếp, sau đó xả súng tới tấp rồi phóng hỏa đốt nhà khiến không ít người cháy thành tro. Ông Hiếu trầm ngâm một hồi lâu rồi nói tiếp: “Sau hơn ba giờ đồng hồ thả sức giết, đốt và hãm hiếp…, khi quân Pháp rút đi để lại làng Mỹ Thủy hoang tàn, tang tóc; cát trắng loang lổ máu người,…”.

Đài tưởng niệm Cam Ly nằm trên ngọn đồi cạnh thác Cam Ly nơi xảy ra vụ “Thảm sát Cam Ly”
Ông Phan Văn Thơ, 71 tuổi, nhân chứng sống của sự tàn khốc do quân Pháp gây ra: một vết sẹo lõm thành rãnh kéo dài từ sau gáy ra phía trái thái dương, phần trên lỗ tai trái cũng bị biến dạng theo vết sẹo. Ông Thơ kể lại: “Khi lính Pháp giết dân ở giữa làng, tôi theo mẹ cùng một chị gái và hai em trai chạy vào nhà ông Phan Boong. Mấy phút sau thì bọn chúng cũng ập đến, gom người trong nhà lại rồi dùng súng bắn cho đến khi không còn tiếng kêu la.
Riêng tôi, một tên lính dùng súng để sau gáy… Tôi nhắm mắt lại và nghe một tiếng nổ đanh tai, máu me văng đầy mặt. Chừng một giờ đồng hồ sau tỉnh dậy, thấy mẹ và các chị em tôi nằm chất đống cùng xác người trong làng, nhà ông Boong lại đang cháy, thế là tôi bò ra vườn. Sau đó được người làng bên tìm thấy…”. Khi kể lại chuyện thoát chết trong gang tấc, ông cứ đưa ngón tay lên phía thái dương, như cách mà tên lính Pháp chĩa súng vào đầu… Nỗi ám ảnh và nỗi đau của vết thương vẫn còn.
Bài 2: Thoát chết trong gang tấc
Bá Tân