Bài 10: Từ hợp tác hóa đến mô hình nông thôn mới

Bài 10: Từ hợp tác hóa đến mô hình nông thôn mới

Thành phố Hồ Chí Minh - 30 năm đổi mới và phát triển

“…Bán bò. Bán hết 3 con này mua 1 con khác về nuôi”. “Tôi hổng chịu kiểu làm ăn kỳ cục đó. Ba con bò đang độ lớn, bán đi rồi phải bù thêm tiền để mua một con bò khác, biết có nuôi được không mà mua”... Câu chuyện bán bò, mua bò của vợ chồng ông Nguyễn Hoàng Thống, ấp Hậu, xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) làm rộ lên cả ấp, mọi người không hiểu đầu đuôi ra sao, chỉ biết từ hôm ông Thống lên UBND xã họp về cứ nhất quyết đòi bán bò; còn bà Sáu - vợ ông một mực can ngăn không cho bán, mua gì hết... 

Những mô hình thử nghiệm

Nhắc lại chuyện cũ trong cuộc gặp với chúng tôi, ông Thống bảo rằng: “Ba con bò cỏ lúc đó bán được chừng 6, 7 triệu đồng, trong khi một con bò sữa đang chửa phải 9, 10 triệu đồng. Nghĩ lại hồi đó liều thiệt, lỡ có chuyện gì coi như trắng tay”. Không riêng gì ông Thống, ở xã Tân Thông Hội thời đó (năm 1999) cũng có hơn 20 nông dân “liều” không chỉ bán bò, xe gắn máy, mà còn bán cả vàng, rồi vay mượn để hùn hạp mở HTX Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất - Chăn nuôi bò sữa. Ông Nguyễn Minh Khánh, Chủ nhiệm HTX, nhớ lại: “Lúc đầu mần ăn khó khăn lắm nhưng tôi động viên xã viên ráng sức vượt qua. Nhiều người thiếu tiền mua bò, HTX đứng ra vay rồi cho xã viên mượn lại. Để có đầu ra, HTX ký kết với Vinamilk lập trạm thu mua sữa ngay tại xã. Hàng ngày xã viên vắt được bao nhiêu sữa là tiêu thụ ngay đến đó với giá cao. Thấy hiệu quả, nhiều xã viên bắt đầu tăng đàn, từ 2 con lên 3, 5, 7 con. Nhiều hộ như ông Thống ở ấp Hậu, bà Lần ở ấp Tân Định, ông Sâm ở ấp Chánh… tăng đàn lên đến hơn 20 con. Vốn vay cho xã viên tăng đàn có tháng Ban chủ nhiệm HTX phải chạy lo lên đến hơn 3 tỷ đồng. Vốn nhiều, đàn bò tăng, lượng sữa bán ra của xã viên có ngày lên đến gần 30 tấn…”.

Nơi sinh hoạt văn hóa của ấp Thượng, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thế nhưng, như ông Khánh nói, thời gian đầu hoạt động, cái khó lớn nhất của HTX là không biết đi theo mô hình nào. Hỏi huyện, huyện bảo cứ lấy mô hình HTX kiểu cũ ra làm; lên Hội Nông dân TP hỏi thì nơi đây nói, chỉ khi nào HTX thuộc hệ thống của hội mới có cơ chế quản lý. Theo mô hình HTX kiểu cũ có nhiều cái đã lỗi thời, ví dụ như không thể quy sữa ra công, điểm; giá trị đầu tư của một con bò xã viên bỏ ra không thể gộp hết vào tài sản của HTX; rồi tính toán chi phí đầu vào, đầu ra, lãi vay, bộ máy quản lý… Sau nhiều lần họp bàn với xã viên, cuối cùng tất cả thống nhất làm theo mô hình doanh nghiệp có vốn điều lệ, vốn góp của xã viên tối thiểu 500.000 đồng/người. Có vốn, HTX tổ chức khâu cung cấp nguyên vật liệu chăn nuôi cho đầu vào của xã viên, rồi chuyển từ phương thức trung chuyển sửa sang lập các trạm thu mua trực tiếp mua, sơ chế, cung cấp cho các hãng sữa. Bộ máy của HTX tăng lên 19 người với đầy đủ các bộ phận từ kế toán, văn phòng đến bác sĩ thú y, kỹ thuật, lái xe… Đến cuối năm 2012, số xã viên đã tăng lên 86, nhưng số hộ chăn nuôi làm vệ tinh cho HTX có gần 200 hộ. Nhờ vậy, doanh thu các năm liên tục tăng, có năm đạt gần 60 tỷ đồng, ngoài nộp ngân sách 3 tỷ đồng còn chia lợi nhuận cho mỗi xã viên hơn 140 triệu đồng…

Theo ông Lê Minh Tấn, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, sau mô hình thử nghiệm HTX chăn nuôi bò sữa, nhiều xã trong huyện và một số địa phương khác đã về xã Tân Thông Hội học tập kinh nghiệm. Vài năm sau, huyện Củ Chi đã có hàng chục HTX, thu hút hàng ngàn nông dân làm ăn theo các mô hình trồng rau, hoa lan, làm bánh tráng, nuôi heo, nuôi cá, đan giỏ trạc… Sau này khi Luật HTX được bổ sung, hoàn chỉnh đã tạo khung pháp lý cho các HTX chuyển đổi sang mô hình quản lý mới phù hợp và đạt hiệu quả hoạt động cao, giúp nhiều HTX ngày càng phát triển. Điển hình như HTX Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất bò sữa Tân Thông Hội, HTX Nông nghiệp - Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Phước An, HTX Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông… Các mô hình hợp tác hóa sản xuất này đã tạo tiền đề hình thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, bắt đầu từ việc giải quyết cái lớn nhất của nông nghiệp, nông thôn và nông dân là phát triển kinh tế gắn với các vấn đề xã hội, y tế, giáo dục, giao thông, môi trường…

Mở rộng xây dựng xã nông thôn mới

Nổi danh là “đất thép”, huyện Củ Chi hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, thế nhưng Thái Mỹ cũng có đến gần 20 năm bị liệt vào xã nghèo nhất huyện Củ Chi. Nhưng đó là hình ảnh trước kia, còn những năm sau này, như Chủ tịch UBND xã Thái Mỹ Nguyễn Văn Lâm nói, cả xã hiện tìm không ra căn nhà dột nát hay hộ nghèo, hoặc đường sá lầy lội, trẻ em thất học, người lớn thiếu việc làm… Năm 2011, xã được chọn làm điểm của thành phố xây dựng các tiêu chí nông thôn mới. Hơn 3 năm sau, Thái Mỹ cũng là xã đầu tiên được công nhận xã nông thôn mới với nhiều nội dung vượt xa so với tiêu chí đề ra…

Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Văn Hoàng dẫn chúng tôi đi thực tế các mô hình kinh tế làm giàu. Đầu tiên là hộ chị Ba Huých, chủ cơ sở mây tre lá Thiên Long - người được mệnh danh “đại gia sọt tre”. “Dân vùng này ai cũng gọi chị Ba thân mật như thế, bởi cách làm ăn của chị đều dựa hết vào dân, vào đất khi nhiều năm qua đã làm sống dậy cây tre, cây trúc tưởng đã lụi tàn từ lâu” - anh Hoàng nói. Gặp chúng tôi, câu đầu tiên chị Ba Huých báo tin mừng năm qua đã xuất đi Đài Loan được 150 container với gần 80.000 sản phẩm. “Được con số này coi như đến hơn 80% doanh thu và lợi nhuận chia đều cho gần 3.000 hộ trong xã”. Chị Ba Huých nói rồi giải thích: Cơ sở cung cấp vành để các hộ tự khai thác tre, trúc trồng quanh nhà, làm ra nan rồi đan thành sọt giao lại cơ sở. Như vậy, cả xã nhà nào cũng có việc làm với thu nhập từ bán nguyên liệu đến tiền công khoảng 12 - 14 triệu đồng/tháng cho khoảng 3 lao động, chủ yếu là người già”.

Vừa ra khỏi con đường nhựa thẳng tắp, hai bên là những căn biệt thự, nhà cửa khang trang, chúng tôi bắt gặp những cánh đồng bắp xanh rì. Thấy chúng tôi, chị Nguyễn Thị Lệ (ấp Bình Thượng 2) buông tay cuốc đi vội về bờ ruộng, hồ hởi khoe: “Vụ này nắm chắc hơn 3 tấn anh Hai à”. “Vậy là thua vụ rồi” - nói rồi anh Hoàng xắn quần băng xuống ruộng vạch từng khe lá nhẩm tính năng suất trên thửa ruộng 2,5 công (2.500m2) của chị Lệ: “Nếu trúng khoảnh ruộng này thu được 3,5 tấn bắp giống. Trừ chi phí lời chắc hơn 10 triệu đồng”. Chỉ tay về cánh đồng gần 300ha của xã, anh Hoàng cho biết, hơn 5 năm qua có 564 hộ tham gia mô hình trồng bắp giống cho Công ty CP Thái Lan với phương pháp canh tác mới mỗi hécta thu hơn 10 tấn bắp giống. Một vụ chỉ hơn 3 tháng và có hộ canh tác 1ha nhưng lời 20 - 30 triệu đồng.

Ở xã Thái Mỹ còn có hơn 20 mô hình kinh tế nông hộ giàu lên từ đất; người nhiều đất thì làm nông nghiệp theo hướng hiện đại, chăn nuôi; người ít đất nuôi cá trê giống, nuôi bò sữa mỗi năm thu lợi cả trăm triệu đồng. Theo Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Lê Minh Tấn, thực chất xã nông thôn mới ở Thái Mỹ chính là số hộ dân khá giả, giàu có tăng lên (hiện chiếm hơn 50%); không thất nghiệp, không tệ nạn xã hội, đường sá, trường học, công trình phúc lợi mọc lên khang trang, người dân được sống trong yên bình, xóm làng nghĩa tình… Cái được lớn nhất này là động lực cho 21 xã trong huyện phấn đấu đạt xã nông thôn mới trong năm qua. Kinh nghiệm và thành công của các mô hình kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới ở huyện Củ Chi trở thành điểm sáng, có sức lan tỏa đến nhiều địa phương trong cả nước phấn đấu thực hiện 19 tiêu chí nông thôn mới theo Nghị quyết 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ VII (Khóa X) về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Và huyện Củ Chi từ địa phương đi đầu của thành phố về phát triển các mô hình hợp tác, trở thành huyện đầu tiên hoàn thành 100% xã nông thôn mới của cả nước.

 Đầu năm 2002, Ban Chấp hành Trung ương (Khóa IX) đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Nhưng trước đó, năm 1999 tại TPHCM, đã có hàng loạt HTX nông nghiệp hoạt động theo cơ chế của kinh tế tập thể với việc cho ra đời nhiều mô hình hợp tác về thương mại, dịch vụ, sản xuất - mở ra chủ trương thí điểm xây dựng các tiêu chí nông thôn mới ngày nay…


HOÀI NAM - ÁI CHÂN 

Tin cùng chuyên mục