
Kỳ trước: Sóng gió thương trường lại nổi lên khi công ty du lịch của ông “nói chung” mở các tua du lịch tâm linh, lễ hội. Mọi người kêu Út Ớt về làng giải nguy nhưng gã vẫn nuôi mộng chinh phục người đẹp Hàn Phong…
Đã hết giêng, rồi hết hai, sang tới tháng ba (Âm lịch) rồi mà “mùa cán bộ” ở tỉnh H. vẫn chưa có dấu hiệu gì. Thời tiết vẫn bình lặng. Hoa trái chưa rõ hình hài. Thị xã có nhiều quán karaoke, cà phê, quán ăn nhậu nên giới công chức có thêm nhiều diễn đàn để luận bàn, để trao đổi thông tin. Ông giám đốc bốn nhất sốt ruột lắm. Đừng nói chuyện ăn, ngủ. Đến đứng ngồi cũng không yên. Thời điểm quyết định đã đến. Sự cạnh tranh du lịch của tư nhân và nhà nước đã “nổi sóng gió” trên thị trường. Công ty nhà nước do ông làm giám đốc tuy bị mất điểm, rớt giá, gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đứng vững. Theo kịch bản chạy chức, đến thời điểm này, ông làm kiến nghị gửi ủy ban cho thành lập Sở Du lịch để quản lý các hoạt động du lịch tốt hơn. Trong kiến nghị cũng nêu rõ tiềm năng du lịch rất lớn, khả năng của Công ty Sinh Hóa rất dồi dào. Đã đến lúc phải mạnh dạn đề bạt cán bộ vào những vị trí thích hợp để quản lý tốt. Quản lý có tốt mới tăng tốc phát triển được. Ông đã mất 3 ngày quên ăn, 3 đêm quên ngủ để có được bản kiến nghị đó. Lời lẽ rất tâm huyết. Rất có trách nhiệm. Đương nhiên cũng rất khoa học, khả thi.

Minh họa: K.T.
Kiến nghị đã gửi đi, vị phó chủ tịch, ô dù trực tiếp thân thiết nhất của ông bắt tay nồng nhiệt: “Về cơ bản là được, vấn đề còn lại là thời gian”.
Thời gian! Ông là người đã qua “tri thiên mệnh” biết rõ diện mạo thời gian. Thời gian là con ngựa bất kham. Có lúc nó phóng như bay. Có khi nó dậm chân tại chỗ. Thời gian giống như bà vợ già ở quê. Suốt ngày lôi thôi lếch thếch, mắng con, đuổi chó. Lại giống như cô chủ quán Tình Xưa, õng ẹo, ỡm ờ: “Da thịt người ta đều có thời hạn, ông anh biết không?”. Sáng hy vọng, trưa thất vọng, tối lại hy vọng. Ông năng đến các quán xá. Ai cũng gọi là sếp, là thủ trưởng. Nhún nhường như một gã bán hàng rong: - Có gì mới không các thủ trưởng, cho biết với!
Giới công chức tỉnh H. có truyền thống bàn chuyện tổ chức cán bộ từ trung ương tới tỉnh. Ai cũng cố tỏ ra am hiểu người này, người nọ. Đây cũng là cơ hội để phô trương gia thế, gia tộc. Tôi quen bộ trưởng này, bộ trưởng nọ là anh em chú bác của tôi. Mọi thông tin đều hướng tới mục đích “rung cây nhát khỉ”, “mượn da cọp làm oai”… Ông bốn nhất biết rõ họ như lòng bàn tay. Chỉ nghe và cười cầu tài, cầu an. Dầu vậy, gạn đục khơi trong, ông cũng biết “triều chính” tỉnh H. chuyển động ra sao. Lãnh đạo tỉnh đang rất sốt ruột. Khu công nghiệp đã xong mặt bằng. Vẫn chưa có nhà đầu tư nào đến đăng ký. Thực ra, cũng có vài ba doanh nghiệp tư nhân đến thuê mặt bằng để làm lò gạch, trại nuôi lợn hay xưởng gỗ. Có vị còn hồn nhiên đến ban quản lý xin mặt bằng để làm nhà kho phế liệu, đào ao nuôi cá… Đến nỗi ban quản lý khu công nghiệp phải thét lên: - Các ông bà coi đây là đất hoang sao? Lãnh đạo bảo phải gia tăng quảng bá, thúc đẩy mời gọi nhà đầu tư hơn nữa. Mùa cán bộ này chủ yếu dành cho khu công nghiệp. Chuyện ông “bốn nhất” không thấy sủi tăm gì hết. Có lần, ông thăm dò lửng lơ: - Du lịch cũng là một nguồn lợi lớn. Tại sao tỉnh ta không tăng cường đầu tư?...
Những cán bộ thân cận với cấp lãnh đạo cao của tỉnh đều cười nhạo, câu chữ, mức độ có khác nhau nhưng ý tứ rất rõ. Rằng, người ta có Vịnh Hạ Long, có Sa Pa, Tam Đảo, ở trong Nam có biển Nha Trang xanh thẳm, có Đà Lạt rực rỡ hoa… còn chưa ăn ai. Mấy quả núi trọc lóc đá vôi, mấy cái bánh rán, củ hành, bờ tre gốc rạ làm nên chuyện du lịch sao? Muốn cất cánh nhất thiết phải công nghiệp hóa. Muốn công nghiệp hóa phải có khu công nghiệp. Khu công nghiệp là cái đầu tàu kéo công nghiệp phát triển. Nói như nghị quyết đảng bộ tỉnh. Ông “bốn nhất” mệt mỏi chán nản. Tăng thêm đến ba ly hăng hái vẫn chẳng thấy phấn chấn thêm. Ông “nói chung” dẫu bận rộn với mùa làm ăn vẫn dành thời gian chia sẻ với “đồng minh”: - “Theo tôi được biết, vấn đề Sở Du lịch vẫn chưa ngã ngũ. Phải chờ ý kiến trung ương. Nói chung là hơi khó. Riêng chuyện đề bạt của ông có phần khả quan hơn. Có thể sẽ tính cho ông một chức phó sở nào đó! Nói chung là chờ đợi”. Ông bốn nhất kiểm chứng thông tin, kinh ngạc và hơi lo sợ vì độ chính xác. Thật không ngờ một người dân thường như ông nhà hàng lại có thể biết rõ chuyện triều chính đến vậy. Ông bốn nhất bái phục.
Ông “nhà hàng” cười nửa miệng, nói bâng quơ: - “Nói chung là tôi biết nhiều hơn những gì ông tưởng đấy!…”.
Trong lúc ông giám đốc chạy đôn chạy đáo về việc đề bạt của mình, Công ty Du lịch Sinh Hóa đứng trước nguy cơ tan rã. Khách đến ít. Không có tiền thu, tai họa lớn. Không có việc làm, cán bộ nhân viên ngồi lê đôi mách, nói xấu nhau nhiều hơn, tai họa không nhỏ. Những nhân vật chính yếu, loại cốt cán đầu tàu của công ty lại gặp phải chuyện buồn phiền, rắc rối, cũng là một thứ tai họa.
Đầu tiên phải nói tới chuyện phiền muộn của người đẹp Ngọc Hoa. Sau đám cưới linh đình, sau những ngày tết tràn ngập niềm vui, Ngọc Hoa trở nên rầu rĩ héo hắt, suốt ngày ôm máy vi tính chơi games. Vợ chồng mới cưới lẽ ra phải bừng bừng khí thế, tràn ngập sắc xuân. Hẳn đã xảy ra chuyện buồn. Ngọc Hoa kín miệng, kiệm lời. Tránh né hết thảy mọi người. Rồi chuyện cũng vỡ lở. Hóa ra, Đông Hải là thứ ông chồng “vô tích sự”. Bệnh liệt dương của chàng rất khó chữa. Bác sĩ bảo phải kiên trì chữa trị. Ít nhất vài ba năm mới có thể khôi phục được cái dây thần kinh gì đó. Không có cái dây đó, trên bảo dưới không nghe là chuyện đương nhiên. Người đẹp Ngọc Hoa đang thời “ruộng ngấu”, sôi sục ham muốn. Cơn đói giày vò, đồ ăn chỉ là bánh vẽ. Đã đói, càng đói hơn. Chàng khóc, xin lỗi suốt ngày đêm. Ngày dài dằng dặc, đêm dài lê thê. Tháng trăng mật đầy rẫy cay đắng, bóng tối. Ngọc Hoa về công ty, không thiết tha gì tới công việc. Như một xác chết vô hồn.
Bài 12: Bạc bẽo tình đời
TRẦN VĂN TUẤN
Thông tin liên quan |
Bài 2: Về làng Chát làm du lịch Bài 4: Từ “Hậu phương lớn” đến “Đường ra tiền tuyến” Bài 8: Đỉnh điểm của danh vọng và tiền bạc |