Thành phố Hồ Chí Minh - 30 năm đổi mới và phát triển
Đại hội VII của Đảng với việc đề ra Cương lĩnh và Chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời khẳng định mô hình “nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”. Sau đó Quốc hội ban hành hàng loạt bộ luật về đất đai, doanh nghiệp…, giúp hình thành khung pháp lý ban đầu cho sự phát triển của các thành phần kinh tế, tạo làn sóng đầu tư từ nguồn lực trong xã hội vào các loại hình doanh nghiệp (DN) tư nhân tại TPHCM…
Nhiều người ra riêng
Đặt cây bút lên tờ giấy trắng đã viết vội dòng chữ “Đơn xin nghỉ việc”, ông Nguyễn Tất Thắng ngập ngừng một lúc lâu mới viết tiếp “Kính gửi: UBND quận 5”. Viết đến đây ông lại thôi, quay mặt ra khoảng trống tối đen trước nhà, bật que diêm châm điếu thuốc hút dở lúc chiều. Bản lĩnh của một chiến sĩ biệt động đã từng “vào sinh ra tử” giữa Sài Gòn - Chợ Lớn những năm ác liệt trong lòng địch cũng không đủ cho ông dũng khí “dứt gánh” cơ quan Nhà nước giữa lúc khó khăn, thiếu thốn để ra ngoài làm ăn theo chính sách khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế. Cuối cùng, đến đêm thứ năm thì ông “quyết” xong lá đơn nhưng vẫn để nguyên trong hộc bàn và phải đợi đến chiều thứ bảy cuối tuần, xong buổi họp giao ban văn phòng mới kéo vị Phó Chủ tịch UBND quận ra hành lang trình bày nguyện vọng và đưa đơn.
“Cũng phải hơn 1 tháng sau lá đơn xin nghỉ việc của tôi mới được chấp thuận. Thời đó, việc xin nghỉ của cán bộ và giải quyết cho nghỉ việc của người lãnh đạo cơ quan nhà nước đều khó xử như nhau và là tình huống đấu tranh tư tưởng ghê gớm lắm” - ông Thắng nhớ lại.
Trong xưởng dệt của Công ty Thái Tuấn. Ảnh: VIỆT DŨNG
Ra riêng, việc đầu tiên ông Thắng thành lập Công ty TNHH Xây dựng Đô thị - chuyên về dịch vụ kỹ thuật và xây dựng. Uy tín và năng lực cá nhân có được từ những năm làm việc ở cơ quan nhà nước đã giúp ông Thắng khởi nghiệp khá thuận lợi với dự án Khu du lịch sinh thái Xuyên Mộc - Hồ Chàm (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Thành công của dự án giúp ông mở thêm Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tân Đô, tham gia vào Dự án Khu công nghiệp - Đô thị Tân Đô (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) với tổng diện tích hơn 300ha. Hiện khu công nghiệp - đô thị này đã trở thành mô hình mẫu phát triển kinh tế gắn công nghiệp với đô thị của tỉnh Long An, thu hút hàng trăm triệu USD đầu tư của các thành phần kinh tế ở TPHCM và các địa phương trong khu vực.
Cũng vào thời điểm những năm cuối thập niên 1990, ở TPHCM còn có hàng trăm DN như trường hợp của ông Thắng được thành lập và nhanh chóng thành công trên nhiều lĩnh vực. Trong đó có những chủ DN như Giày Đức Thành, bất động sản Thảo Điền, Xây dựng Đồng An… đều là những người đã đi qua cuộc chiến tranh ác liệt, sau hòa bình là những cán bộ công tác trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức, DN nhà nước tại TPHCM.
Theo ông Trần Thành Long, nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM, vào giai đoạn 1993 đến 1996, TPHCM là địa phương đi đầu của cả nước về cổ phần hóa DN nhà nước, nhằm sắp xếp và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực DN nhà nước. Một số cán bộ và số đông khác thuộc diện dôi dư ngoài biên chế đã xin ra ngoài thành lập các loại hình DN tư nhân. Lực lượng này đã góp phần tạo một làn sóng đầu tư rất lớn cho khu vực kinh tế tư nhân, làm thay đổi đáng kể tỷ trọng đóng góp GDP của khu vực kinh tế ngoài nhà nước và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố đạt được 2 con số trong nhiều năm liên tiếp.
Thay đổi lớn cơ cấu GDP
Theo ông Thái Tuấn Chí, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thái Tuấn, mặc dù đến năm 2005 mới có Luật Doanh nghiệp, nhưng thực tế trước đó ở TPHCM đã có hàng ngàn DN thuộc các loại hình DN tư nhân được thành lập. Trong đó, loại hình công ty TNHH và DN tư nhân (trách nhiệm vô hạn) là nhiều nhất. Có nhiều gia đình cùng lúc thành lập 5, 7 DN kinh doanh đủ ngành nghề, tạo ra việc làm không chỉ trong gia đình mà còn ở ngoài xã hội rất lớn. Ông kể với chúng tôi: “Thời điểm những năm đó, TP có chính sách khuyến khích thành lập các DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực thương mại và sản xuất hàng tiêu dùng. Chính sách này đã tạo sự chuyển dịch đầu tư từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài, mở ra tiền đề quan trọng cho chính sách xã hội hóa đầu tư của nước ta sau này”.
Qua nghiên cứu thực tiễn ở TPHCM nhiều năm, TS Lê Minh Nghĩa (Hội đồng Lý luận Trung ương) nhận thấy, giai đoạn 2001 - 2005 có sự tăng đột biến số DN tư nhân thành lập mới, có năm tăng gần 100%. Kết quả đã làm thay đổi rất lớn cơ cấu GDP với 42,4% khu vực tư nhân trong nước, trong khi khu vực nhà nước giảm còn 36%. Điểm nổi bật của sự phát triển các thành phần kinh tế ở TPHCM trong những năm này chính là sự cơ cấu lại nguồn lực phát triển theo hướng xã hội hóa thông qua các chính sách đa dạng hóa các thành phần kinh tế. Đây là tiền đề rất quan trọng để định hình chủ trương về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN được thể hiện trong các nghị quyết của Đảng sau này.
| |
HOÀI NAM - ÁI CHÂN
10 bước chuyển quan trọng về kinh tế TPHCM đóng dấu ấn rất nổi bật trong quá trình 30 năm đổi mới và phát triển kinh tế của đất nước. Là đầu tàu kinh tế của khu vực, nhưng cũng là đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế của cả nước đi lên. Quá trình phát triển kinh tế ở TPHCM trong suốt 30 năm được thể hiện qua 10 bước chuyển quan trọng. Bước chuyển đầu tiên từ sản xuất hiện vật sang sản xuất giá trị. Đây là bước chuyển về phương thức, đi từ sản xuất hiện vật tính bằng cây, con, cái, chiếc, ký, lít… sang sản xuất theo giá trị tính bằng tiền. Bước chuyển thứ hai là đa dạng hóa các hình thức sở hữu, từ đơn sở hữu sang đa sở hữu; từ đơn thành phần sang đa thành phần. Đó chính là nền tảng tạo nên động lực để thúc đẩy kinh tế TPHCM và cả nước phát triển. Bước chuyển thứ ba về tổ chức quản lý; từ quản lý của Nhà nước theo cơ chế tập trung quan liêu sang cơ chế thị trường; từ Nhà nước độc quyền chuyển sang nhà nước kiến tạo các điều kiện để cho nền kinh tế phát triển và nhà nước quản lý nền kinh tế theo các nguyên tắc của quy luật kinh tế thị trường, không còn quản lý theo ý chí. Về phân phối chuyển từ phân phối theo lao động một cách hình thức, cào bằng, bình quân sang phân phối theo lao động một cách thực chất hơn và phân phối theo nhiều hình thức hơn, theo vốn, theo mức độ đóng góp… Các bước chuyển tiếp theo là từ phân bổ nguồn lực theo ý chí chung của chính quyền chuyển sang phân bổ nguồn lực theo quy luật thị trường; bước chuyển từ đảng viên không được làm kinh tế tư nhân sang đảng viên làm kinh tế tư nhân; bước chuyển từ nền kinh tế khép kín không hội nhập, sang nền kinh tế hội nhập sâu quốc tế; bước chuyển từ quá trình công nghiệp hóa bằng vốn của Nhà nước sang vốn xã hội hóa để tiến hành công nghiệp hóa; và gần đây là bước chuyển mang ý nghĩa bước ngoặt từ nền kinh tế chiều rộng sang chiều sâu. Kết quả là những năm vừa qua, đóng góp GDP của kinh tế tư nhân chiếm gần 60% và 70% lao động được tạo ra ở khu vực này. Có thể nói đóng góp của TPHCM như tạo cú hích lớn trong việc thúc đẩy phát triển các thành phần kinh tế, trong đó có thành phần kinh tế tư nhân. Từ thực tiễn của TPHCM, đất nước nhìn thấy những cơ hội, khả năng phát triển thành phần kinh tế tư nhân của cả nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong những năm qua. TS LÊ MINH NGHĨA (Hội đồng Lý luận Trung ương) |