
Cuối tháng 9-2007, Cơ quan Thăm dò địa chất Hoa Kỳ (USGS) cho biết, chỉ riêng trữ lượng dầu tại Vịnh Đông Greenland đã có thể tương đương 31,4 tỷ thùng, hầu hết ở dạng khí thiên nhiên (tương đương với 4 năm tiêu thụ dầu hỏa tại Mỹ). Và cũng không nghi ngờ gì nữa, một cuộc chiến - dù thể hiện ở hình thức nào - cũng sẽ nổ ra tại Bắc Cực trong cuộc tỷ thí giành nguồn tài nguyên…
10 năm để chứng minh

Mỏ Snohvit (Bạch Tuyết) của Na Uy
Vấn đề bây giờ là ai có thể khai thác nguồn tài nguyên Bắc Cực? Việc Nga cắm lá cờ (bằng titanium) trong lòng Bắc Cực xảy ra đúng thời điểm nhạy cảm khi thời hạn ký vào Hiệp định Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) sắp hết.
Luật biển 1982 quy định phạm vi lãnh hải mỗi quốc gia được tính 12 dặm (hơn 19,3km) kể từ bờ, cộng thêm 200 hải lý thuộc khu vực được phép khai thác kinh tế.
Sự lỏng lẻo của luật thể hiện ở chỗ phạm vi được phép khai thác kinh tế lại có thể được mở rộng thêm, nếu nó được chứng minh rằng vùng đáy biển là phần mở rộng địa chất của quốc gia đó.
Ngày 20-12-2001, Nga trình bày với Liên Hiệp Quốc rằng dữ liệu địa chất đã ủng hộ lập luận của mình bởi vùng đáy Bắc Cực và Siberia được liên kết bằng một thềm lục địa duy nhất. Nói cách khác, rặng Lomonosov trong lòng Bắc Cực là phần mở rộng thềm lục địa của Nga, tính từ Siberia.
Tuy nhiên, Liên Hiệp Quốc không thừa nhận, cho rằng Nga thiếu bằng chứng thuyết phục và thế là khoảng 100 khoa học gia Nga lại lên tàu Akademik Fedorov để tìm bằng chứng khẳng định dãy núi 2.000km dưới lòng biển chạy ngang Bắc Cực là phần lãnh thổ mở rộng của Nga (việc lặn sâu vào lòng Bắc Cực và cắm cờ của Nga là sự kiện đầu tiên mà giới khoa học tiếp cận được đáy Bắc Cực).
Nếu Liên Hiệp Quốc đồng ý vấn đề chủ quyền theo trình bày của Nga, “chúng tôi sẽ lập tức khai thác khoảng 2/3 trữ lượng hydrocarbon trong lòng Bắc Cực” - hãng tin Interfax dẫn lời nhà nghiên cứu Nikolai Osokin thuộc Viện Địa chất Nga. Điều này cho thấy việc hoài nghi Nga chuẩn bị kế hoạch “đổ bộ” vào Bắc Cực vì lý do tài nguyên không phải không có cơ sở.
Phần mình, Mỹ cũng tuyên bố tương tự, khi nói rằng vùng đáy Bắc Cực là liên kết với thềm lục địa Mỹ tại Alaska! Trong khi đó, Na Uy cũng gõ cửa Liên Hiệp Quốc (ngày 27-11-2006) với phát biểu không khác mấy. Phần mình, Đan Mạch cho rằng rặng Lomonosov là phần mở rộng từ tỉnh tự trị Greenland của mình (nơi có bờ biển gần Bắc Cực nhất)!
Hiện thời, theo luật quốc tế, không nước nào được quyền tuyên bố sở hữu Bắc Cực. 5 nước quanh Bắc Cực - Nga, Mỹ, Canada, Na Uy và Đan Mạch - chỉ hạn chế lởn vởn trong vùng được phép khai thác kinh tế (tức 200 hải lý).
Theo UNCLOS, một nước có thời hạn 10 năm để chứng minh phần diện tích Bắc Cực nằm ngoài phạm vi 200 hải lý là của mình. Do đó, cả 5 nước nói trên đều cố gắng chứng minh. Cần mở ngoặc, Na Uy đã chuẩn y hiệp định trên vào năm 1996; Nga 1997; Canada 2003 và Đan Mạch 2004 (Mỹ chưa chuẩn y).
Cách đây rất lâu, ngày 15-4-1926, theo nghị quyết Đoàn chủ tịch tối cao Xô Viết, vùng lãnh thổ từ Murmansk đến Bắc Cực và từ bán đảo Chukotka đến Bắc Cực được tuyên bố là thuộc Liên Xô. Tuy nhiên, tuyên bố này là đơn phương từ Moscow và không được quốc tế công nhận…
Chính phủ Bush sốt ruột
Thời điểm hiện tại, chính phủ George W. Bush đang hối Thượng viện nhanh chóng hạ bút chuẩn y UNCLOS. Worldnetdaily (30-9-2007) cho biết đây là lần thứ hai trong ba năm, chính phủ Bush đã gõ cửa Thượng viện về vấn đề UNCLOS (hiện được xem xét tại Ủy ban Quan hệ đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ).
Với nước Mỹ, vấn đề UNCLOS là di sản từ thời Ronald Reagan (từ chối phê chuẩn bởi cho rằng nó không mang lại lợi ích cho Mỹ). Wall Street Journal (8-10-2007) thuật rằng Tổng thống Reagan từng phái công sứ Donald Rumsfeld đến các nước đồng minh để kêu gọi tẩy chay UNCLOS.
Trong diễn văn radio mang tựa Ocean Mining (Khai thác đại dương) ngày 10-10-1978, Reagan nói rằng nước Mỹ chẳng được cơm cháo gì khi trao quyền kiểm soát 2/3 bề mặt biển cho thế giới thứ ba. Năm 1994, nhận thức sự mất thế khi không có mặt trong UNCLOS, Tổng thống Bill Clinton đã tường trình Thượng viện nhưng một lần nữa lại bị bác.
Thật ra chẳng phải tự nhiên Thượng viện “khờ” đến mức không phê chuẩn UNCLOS. Nhiều người tin rằng UNCLOS chẳng “bổ béo” gì bởi các công ty Mỹ phải chịu thêm thuế khi khai thác tài nguyên biển. Bây giờ, lúc nước Mỹ đang khát dầu trong khi nguồn nhiên liệu thiên nhiên tiềm tàng trong lòng Bắc Cực cứ chực rơi vào tay Nga, chính phủ Bush bắt đầu sốt ruột thật sự.
Trong báo cáo Thượng viện ngày 27-9-2007 (trích từ website Bộ Ngoại giao Mỹ, state.gov/s/d/2007/92921.htm), Thứ trưởng Ngoại giao John D. Negroponte nhấn mạnh: “Việc tham gia UNCLOS sẽ mang lại lợi ích kinh tế và nguồn tài nguyên cho Mỹ. Hiện thời, bởi không là thành viên, Mỹ không ở vị trí có thể tối đa hóa quyền của mình tại Bắc Cực cũng như nhiều nơi khác...”.
Cần nhấn mạnh, trong cuộc đấu võ mồm quanh vấn đề Bắc Cực, Mỹ hiện có thế mạnh với sự ủng hộ của các đồng minh khu vực. Cây bút Stefan Nicola (UPI 1-10-2007) cho biết, trong chuyến công du Mỹ đầu tháng 9-2007, Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan, Jyri Hakamies, đã luôn miệng thốt lên: “Nước Nga, nước Nga, nước Nga…!”, khi ám chỉ sự đe dọa an ninh từ Moscow. Sự “run sợ” của Jyri Hakamies (khiến ông bị Thủ tướng Phần Lan, Matti Vanhanen, quở trách) cho thấy các nước Scandinavia lo ngại như thế nào trước khả năng xảy ra xung đột thật sự với Nga.
____
Kỳ tới Bài 3: Sau Bắc Cực sẽ đến Nam Cực!
Mạnh Kim
Bài 1: Những “con gấu” săn “nàng Bạch Tuyết”