Nóng hổi cuộc chiến bản quyền

Bài 2: Bí mật công nghiệp “luộc” bản quyền

Bài 2: Bí mật công nghiệp “luộc” bản quyền

Không như trong công tác phòng chống tội phạm bình thường (được sự sẵn lòng trợ giúp của công chúng), các chiến dịch chống nạn sản xuất phần mềm giả ít nhận được sự cảm thông. Với người tiêu dùng, phần mềm dỏm không hề mang vẻ gì đe dọa mà thậm chí còn hấp dẫn bởi giá rẻ. Hơn nữa, pháp luật lại quá lỏng tay với tội phạm loại này. Hầu hết các vụ xử đều chỉ phạt án treo.

Các “tay chơi”

Bài 2: Bí mật công nghiệp “luộc” bản quyền ảnh 1

Đĩa luộc tiếp tục làm đau đầu các công ty sản xuất phần mềm

Các “tay chơi” trong làng sản xuất phần mềm dỏm thuộc đủ dạng - từ các nhóm tội phạm gốc Á như Wah Ching hay Hắc Long cho đến cả những doanh nhân có chút tiền dư nhưng không muốn gửi tiết kiệm.

Thay vì tổ chức mô hình hoạt động theo kiểu kim tự tháp của mafia, các nhóm sản xuất phần mềm dỏm hoạt động như những cá nhân độc lập. Họ không quan tâm đến ràng buộc lâu dài. Xong phi vụ, đường ai nấy đi.

Tuy nhiên, trong cộng đồng người gốc Hoa tham gia vào ngành công nghiệp làm đĩa dỏm, khái niệm quân tử trở thành một thứ luật bất thành văn. Chuyện “chơi đểu” lẫn nhau gần như không tồn tại.

Ngoài mạng lưới hỗ trợ như nói ở trên, các nhà doanh nghiệp “ngành” chôm chỉa sản phẩm trí tuệ còn xây dựng nhiều cửa hàng trá hình, như trường hợp Dhurandhar. Ông chủ người Ấn Độ này có một cửa hàng sản phẩm in ở Long Beach, tên Digital Colors.

Gọi đây là ngành công nghiệp quả là không ngoa vì tất cả đều được chuyên môn hóa. Các phân xưởng ở thung lũng San Gabriel chuyên đảm nhiệm phần đóng gói; mạng phân phối tập trung ở Los Angeles và ở Westminster thì chuyên làm những “quyển hướng dẫn” với ba thứ tiếng Anh, Bồ Đào Nha và Pháp.

Muốn cần bao bì và logo, liên hệ tại Long Beach, Digital Colors sẽ cung cấp đủ loại. Sản phẩm hoàn chỉnh được vô hộp và bán cho các nhà phân phối cấp giữa. Sau đó, hàng lại được bán cho các tay đầu nậu để từ đó tràn ra khắp nước Mỹ và vượt biên ra nước ngoài. Đĩa dỏm hiện diện trong hàng triệu cửa hàng bán lẻ.

Táo bạo hơn, một số công ty buôn sỉ cũng hình thành, với các vụ giao dịch được thực hiện công khai trên Internet. Tiền bất chính thu được tất nhiên phải qua khâu “rửa”. Như trường hợp Dhurandhar, tay thảo khấu này rửa tiền qua một tài khoản đứng tên một thân nhân và một số tài khoản khác ở Ngân hàng Mỹ (Bank of America) và Ngân hàng quận Cam. Dhurandhar đã “làm sạch” ít nhất 3,5 triệu USD.

Ngoài ra, Dhurandhar đã tuồn gần 5 triệu USD vào các vụ đầu tư bất động sản khắp Nam California, trong đó có ngôi nhà kiểu Tây Ban Nha trị giá 2,7 triệu USD ở Palos Verdes Estates nằm gần vịnh Lunada.

Vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu

Cho đến nay, chưa có biện pháp hữu hiệu thật sự nào để chống trả những cứ địa sản xuất phần mềm dỏm và các đạo quân phân phối hùng hậu. Những công ty lớn như Microsoft tự tìm đường riêng cho mình, bằng nhiều biện pháp, chẳng hạn thuê thám tử tư.

Cách thức phổ biến nhất hiện nay là tài trợ cho cảnh sát địa phương (luật Mỹ không cho phép trả lương hay lập quỹ hỗ trợ cho các công tố viên liên bang và FBI). Intel và Motorola đã cung cấp trung bình 100.000 USD/năm cho cảnh sát địa phương Oregon để giúp truy quét tội phạm kỹ thuật cao nói chung.

Mới đây, Công ty Hewlett-Packard đã bỏ tiền bao hết mọi khâu trong công tác săn lùng tội phạm kỹ thuật cao của lực lượng chống tội phạm Sacramento Valley - bao gồm cả chi phí ăn ở. Trước khi vụ việc được đệ trình lên Tòa liên bang, Hewlett-Packard đã nộp đơn kiện dân sự một công ty ở San Diego, dựa vào bằng chứng mà nhóm Sacramento thu thập được.

Ngoài ra, các công ty lớn cũng sẵn sàng hỗ trợ chi phí huấn luyện cho các nhóm cảnh sát chuyên trách. Qua Tổ chức kỹ thuật cao Austin Metro, IBM và Microsoft đều đóng quỹ hàng năm. Bị bầm giập nhiều nhất, Microsoft đã tung ra nhiều biện pháp. Họ thuê thám tử tư lò dò sang các điểm nóng như Hồng Công và riêng trong địa phận Mỹ, Microsoft đang nuôi một lực lượng gồm 200 người, trong đó có một số cựu nhân viên cảnh sát và FBI. Họ không có đủ kiên nhẫn để chờ sự ra tay của nhà chức trách.

Vài bài học nhớ đời đã khiến họ không khỏi không hoài nghi về sự nhiệt tình của nhà chức trách. Cách đây không lâu, khi gõ cửa Sở Cảnh sát Los Angeles để xin được giúp phá một vụ làm phần mềm dỏm, Microsoft được yêu cầu phải bỏ ra 200.000 USD mua toàn bộ hệ thống thiết bị mà họ cho là dùng sao chép phần mềm của mình, để làm bằng chứng cụ thể, đồng thời cung cấp những “công cụ cần thiết” khác cho cảnh sát. Microsoft buộc lòng từ chối. Luật pháp lỏng lẻo cộng với thái độ thờ ơ của công chúng khiến cuộc chiến trên mặt trận chống phần mềm giả ở Mỹ nói riêng và tại nhiều nước khác đang lâm vào tình trạng gần như bế tắc.

Các công ty than rằng đây không chỉ là chuyện của riêng họ mà còn ảnh hưởng đến kinh tế nói chung. Trừ khi những gút mắc này được tháo gỡ, những trung tâm tương tự như tại Nam California mới không thể mọc tràn lan. Với những nước đang ấp ủ ý định sản xuất và xuất khẩu phần mềm, kinh nghiệm về chuyện ở Nam California càng đáng được quan tâm.

Tại Mexico, giới công nghiệp ghi âm địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc ký hợp đồng với các công ty đĩa hát lớn, chỉ bởi gần 2/3 băng cassette và CD bán ở nước này là băng đĩa dỏm. Ở Ấn Độ, các công ty kỹ thuật sinh học đang tất bật tìm cách đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài nhưng không dám mở rộng thị phần nội địa, đơn giản vì luật bản quyền tại Ấn không bảo vệ hoàn toàn những sản phẩm dược.

Sự tồn tại của luật bản quyền tại những nước đang phát triển, theo ý kiến nhiều chuyên gia kinh tế, sẽ đem lại nhiều nguồn lợi và có thể được xem là một trong những động lực lớn thúc đẩy kinh tế đất nước. Tuy nhiên, trong thực tế, có nhiều rào cản cho việc thực thi…  

Bài 3: Cuộc chiến bằng sáng chế 

PHÚC CẨM

Bài 1: “Thảo khấu” thời kỹ thuật cao

Tin cùng chuyên mục