Xây dựng niềm tin trong nhân dân
Nhà còn hơn 220m² đất trồng cây chưa có giấy tờ hợp pháp, bà Lâm Thị Nhỏ (66 tuổi, ngụ 33/4/1 đường số 8 ấp Cây Da, xã Tân Phú Trung huyện Củ Chi) cũng sốt ruột dữ lắm. Nhưng nghĩ đến đoạn đường diệu vợi đi làm giấy tờ là bà thấy ngán, lại bỏ trôi theo thời gian. Thế rồi một ngày, ước mong của bà trở thành sự thật. Cầm tờ “giấy chủ quyền về nhà, đất” trên tay, bà Nhỏ nheo mắt đọc từng chữ từng dòng như muốn xác nhận mình không nằm mơ.
Ra đến xã là xong
Từ căn nhà bà Lâm Thị Nhỏ ở ấp Cây Da ra đến UBND xã Tân Phú Trung gần 3km, từ UBND xã lên đến UBND huyện Củ Chi gần 7km nữa. Đi quãng đường xa như vậy mà nếu chỉ một, hai lần thì còn đỡ. Đằng này, theo quy trình thủ tục, sau khi hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, Quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt “giấy chủ quyền về nhà, đất”) của bà được UBND xã xác nhận, bà phải đến nhiều “cửa” trên huyện như Phòng Tài nguyên - Môi trường, Chi cục thuế để nộp hồ sơ, đóng thuế, quay lại lấy “giấy chủ quyền về nhà, đất”. Chưa kể bà không biết đi xe, mỗi lần đi phải nhờ người chở giùm, rất phiền. Vậy nên bà đành bỏ xuôi, dù trong dạ chưa yên. Cho đến khi anh Phạm Văn Hoa - cán bộ địa chính xã nói: “UBND xã chứng xong hồ sơ thì cô cứ giao cho con, con lên huyện làm giùm rồi cầm giấy tờ về, cô khỏi cần đi tới đi lui cho mệt”, bà Nhỏ mừng lắm. Một ngày cuối tháng 3-2014, anh Hoa đến tận nhà trao cho bà tờ giấy chủ quyền mong ước bấy lâu. Ngoài tiền thuế trước bạ 88.000 đồng, bà không phải mất thêm khoản tiền gì.
Câu chuyện “giấc mơ có thật” của bà Lâm Thị Nhỏ là kết quả việc cải cách hành chính một cửa liên thông mà xã Tân Phú Trung cùng nhiều xã khác của huyện Củ Chi thực hiện từ năm 2005. Ở Củ Chi có những nơi đoạn đường từ xã lên huyện rất xa - lên đến 20 km. Ngại cảnh đi xa tới lui nhiều lần, không ít người dân bỏ ra khoảng 5, 6 triệu đồng nhờ “cò” làm giấy tờ nhà đất cho tiện. Giờ thì khác rồi, muốn làm “giấy chủ quyền về nhà, đất” đã có cán bộ xã lên huyện nộp hồ sơ và lấy giấy tờ về. Thời gian đầu, người dân đóng chi phí 30.000 đồng/hồ sơ, về sau các xã dùng ngân sách để chi nên người dân được miễn phí hoàn toàn. “Cải cách hành chính hay gì gì đó tôi không biết, chỉ cần ở nhà mà vẫn làm được giấy tờ, không tốn tiền trà nước là tui thấy mấy ông nhà nước biết nghĩ cho dân rồi”, một người dân ở xã Tân Thông Hội huyện Củ Chi nói sau khi nhận giấy chủ quyền do cán bộ địa chính xã trao tận tay.
Điều chỉnh phù hợp ý dân
Dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, người dân 15 phường của quận 10 mừng rỡ trước thông tin điều chỉnh, bổ sung ranh quy hoạch gần 300 hẻm được niêm yết công khai tại trụ sở UBND phường và thông báo tại cuộc họp tổ dân phố. Khi quy hoạch lộ giới hẻm trên địa bàn quận được công bố vào năm 2005, nhiều hộ dân bức xúc vì việc quy hoạch bất hợp lý, không phù hợp thực tế, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Sau những buổi tổ chức họp dân tại từng con hẻm kết hợp với phát phiếu lấy ý kiến các hộ dân bị ảnh hưởng, UBND quận 10 quyết định điều chỉnh hàng trăm hẻm theo hướng giảm lộ giới hoặc xóa quy hoạch hẻm dự phóng để phù hợp với nguyện vọng người dân.
Gần 9 năm lo âu kể từ khi quận công bố bản quy hoạch lộ giới hẻm trước đây, ông Hồ Văn Công (ngụ tại 359/22 Trần Bình Trọng phường 1 quận 10) đã có thể thở phào nhẹ nhõm. Ông cho biết: “Hồi trước quận quy hoạch lộ giới hẻm này là 10m, như vậy nhà tôi sẽ bị chặt vô khoảng 3m. Cả gia đình 15 người chỉ sống trong căn nhà nhỏ một trệt một lầu này, nếu bị thụt mất mấy mét thì không biết phải chen chúc ở như thế nào. Giờ quận giảm lộ giới hẻm xuống còn 6m thì phù hợp hơn dù nhà tôi vẫn sẽ bị chặt vô một ít. Mấy chục căn nhà ở hẻm này sẽ đỡ bị thiệt thòi”. Tương tự, bà Tiểu Cầm (ngụ 101/2 Ngô Quyền phường 6 quận 10) nói: “Hẻm này vốn không nhỏ, đủ cho xe hơi chạy vô thoải mái. Quận quy hoạch lộ giới 8m là không hợp lý vì mấy nhà ở đây đâu có nhu cầu mở rộng hẻm như vậy, trong khi đó vừa bị mất một phần trước nhà vừa phải tốn tiền sửa lại nhà sau khi bị đập. Giờ quận nghe dân góp ý, giảm lộ giới hẻm còn 5m thì thật đáng mừng”.
Đối với những bức xúc của người dân về quy hoạch treo, quận 10 cũng thường xuyên kiến nghị thành phố giải quyết, tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống. Chẳng hạn như từ kiến nghị của quận, UBND TP đã quyết định hủy dự án siêu thị Sài Gòn mở rộng thuộc phường 12, vốn đã được quy hoạch rất lâu nhưng không thực hiện, ảnh hưởng cuộc sống hơn 150 hộ dân. Cũng từ kiến nghị của quận, UBND TP điều chỉnh quy hoạch, xóa “treo” 3 khu dân cư ở các phường 1, 2, 15 tồn tại hơn 10 năm. Hoặc quận 10 mạnh dạn kiến nghị TP điều chỉnh xóa quy hoạch đối với 13 con đường do không có khả năng thực hiện và nhu cầu về giao thông không cao... Lắng nghe, kịp thời giải quyết những vấn đề dân cần là phương thức để chính quyền ngày càng là chỗ dựa tin cậy của dân.
Chính quyền đồng hành cùng dân
Dự án cải tạo, nạo vét kênh Tân Hóa - Lò Gốm qua địa bàn quận 6 những ngày này đúng là một đại công trình với không khí thi công hối hả. Theo Bí thư Quận ủy quận 6 Phan Ngọc Minh, 9 gói thầu của dự án thành phần số 4 này đang triển khai đồng loạt ngày và đêm để kịp hoàn thành vào cuối năm 2014. “Khi dự án hoàn thành, không gian đô thị nơi đây sẽ đẹp hơn tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hiện nay”, ông Minh phấn khởi nói. Nhớ lại, mới ngày nào dọc 2 bờ kênh này còn hàng ngàn hộ dân sinh sống trên dòng nước đen ngòm, sực nức mùi hôi thối. Nhưng giờ đây, một diện mạo mới dần hé dạng...
Dự án cải tạo, nạo vét kênh Tân Hóa - Lò Gốm qua địa bàn các quận 6, 11, Tân Bình, Tân Phú; trong đó đoạn qua địa bàn quận 6 dài nhất, phải nạo vét đến hơn 3km kênh hở, tương ứng 1.180 hộ dân phải giải tỏa. Tuy nhiên, không trường hợp nào phải cưỡng chế. Người ở lại vui mừng vì diện mạo mới của con kênh dần xuất hiện, hàng chục tuyến hẻm cùng nhiều công trình dân sinh như y tế, trường học đã được đầu tư, nâng cấp mở rộng. Còn người về nơi ở mới, dù điều kiện sống còn những khó khăn nhưng cảm thấy ấm lòng vì chính quyền không bỏ dân!
Để được như vậy, theo Bí thư Quận ủy Phan Ngọc Minh, quá trình giải tỏa 1.180 hộ dân không đơn giản. Tuy nhiên, Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể quận 6 đã đồng hành cùng dân trong suốt quá trình thực hiện dự án này. Ngoài chính sách giải tỏa rõ ràng, minh bạch, lãnh đạo quận phân công trực, tiếp xúc với dân giải thích mục đích quan trọng của dự án cải tạo là để phục vụ nhân dân, phục vụ sự phát triển chung. Trong quá trình tiếp xúc, thấy kiến nghị nào của dân xác đáng, quận giải quyết ngay. Đảng bộ quận 6 còn ban hành riêng nghị quyết chăm lo cho dân trong khu vực bị ảnh hưởng dự án. Không phải bồi thường xong cho dân là hết. Ngày dân chuyển về nơi ở mới tại chung cư Vĩnh Lộc (Bình Chánh), chính quyền, đoàn thể cũng ở bên dân để hỗ trợ di chuyển.
ÁI CHÂN - VÂN ANH