
Phản kháng bất bạo động
Lúc khởi đầu cuộc chiến tranh Nam Phi, Gandhi lập luận: người Ấn Độ phải hỗ trợ cuộc chiến để hợp thức hóa đòi hỏi quyền công dân của mình. Ông tổ chức một đơn vị tình nguyện gọi là Đơn vị lưu động Ấn Độ nhằm phục vụ các binh lính Nam Phi da đen bị thương.

Gandhi tại cuộc Chiến tranh Nam Phi
Cũng chính trung sĩ Gandhi là người khiêng cáng, tại trận đánh Spion Kop và được tặng huy chương. Tuy nhiên khi chiến tranh kết thúc, tình thế của người Ấn Độ vẫn không được cải thiện, thậm chí còn tệ hại hơn.
Tại một cuộc biểu tình phản kháng diễn ra ở Johannesbourg vào ngày 11-9 cùng năm, Gandhi đề xướng phương pháp đấu tranh satyagraha (còn gọi là phản kháng bất bạo động) lần đầu tiên.
Kế hoạch này được chấp nhận, dẫn đến một cuộc đấu tranh kéo dài trong 7 năm, với hàng ngàn người Ấn bị ném vào tù, trong đó có cả Gandhi. Trong lúc chính phủ đàn áp người Ấn Độ thẳng tay, công chúng phẫn nộ với các biện pháp dã man mà chính quyền Nam Phi sử dụng để đối phó với những người phản kháng trong hòa bình. Cuối cùng tướng Jan Christian của Nam Phi buộc lòng phải thương lượng với Gandhi.
Tháng 5-1915, Gandhi thành lập một tổ chức ở ngoại ô thành phố Ahmedabad, thuộc Ấn Độ và gọi đó là Satyagrah ashram – Tổ chức bất bạo động. Giống như đã làm trong cuộc chiến Nam Phi, Gandhi kêu gọi ủng hộ người Anh trong Thế chiến 1 và tích cực vận động người Ấn Độ gia nhập quân đội. Trái với nhiều lãnh tụ khác, ông lập luận rằng nếu muốn có quyền công dân đầy đủ trong đế quốc Anh, trước tiên phải bảo vệ nó.
Mahatma - bậc đại trí
Thắng lợi lớn đầu tiên của Gandhi là vào năm 1918 với cuộc đấu tranh bất bạo động tại Champaran và Kheda. Bị quân đội của các lãnh chúa (hầu hết là người Anh) đàn áp, dân chúng tại những nơi này bị phải sống trong cùng khổ.
Các làng mạc cực kỳ dơ dáy và mất vệ sinh. Tệ nạn uống rượu và giai cấp cùng đinh phát triển cực mạnh. Đứng trước nạn đói trầm trọng, người Anh vẫn tiếp tục đánh thuế ngày càng khốc liệt hơn. Tình thế trở nên tuyệt vọng. Tại Kheda thuộc bang Gujarat, tình hình cũng tương tự.
Gandhi thành lập một tổ bất bạo động, thu nhận chiến binh cốt cán và các tình nguyện viên trong vùng. Ông tổ chức học tập và giám sát các làng mạc, ghi nhận những cảnh tượng đàn áp dã man, kể cả tình hình tổng quát.
Dựa vào niềm tin của mọi người, ông dẫn đầu một cuộc thu dọn vệ sinh các làng mạc, xây dựng trường học và bệnh viện, khuyến khích các lãnh đạo trong làng bất hợp tác và tố giác những kẻ gian ác.
Phong trào thực sự lan rộng khi Gandhi bị cảnh sát bắt vì tội gây rối. Hàng trăm ngàn người phản kháng tụ tập trước nhà tù, trạm cảnh sát và tòa án, đòi phải thả ông ra. Người ta bất đắc dĩ phải chiều theo.
Gandhi lại tổ chức phản kháng một lần nữa với các lãnh chúa. Theo sự hướng dẫn của Chính phủ Anh, họ bằng lòng trợ cấp cho nông dân nhiều hơn và kiểm soát sản phẩm của nông dân nghèo trên toàn vùng cũng như hủy bỏ thuế đi đường và nhiều hình thức bóc lột khác cho đến khi nạn đói chấm dứt.
Trong suốt giai đoạn này, Gandhi được dân chúng gọi là Bố – Bapu và Mahatma – Đại trí. Tại Kheda, người Anh ngưng thu thuế, bảo đảm trợ cấp. Tất cả tù nhân được thả ra. Tiếng tăm của Gandhi vang dội trên cả nước.
Bất tuân thượng lệnh toàn diện

Tại Punjab, cuộc tàn sát thường dân của quân Anh ở Jallianwala Bagh đã làm gia tăng lòng căm phẫn của công chúng đối với bạo động.
Gandhi kết án cả hai: hành động tàn sát của người Anh và phản ứng bạo động trả đũa của người Ấn. Ông gởi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân người Anh và kết án các cuộc tấn công.
Thoạt đầu người trong đảng chống lại nhưng sau đó đã chấp nhận khi Gandhi đọc bài diễn văn đầy cảm động nói rằng: Mọi bạo động đều là ác quỷ, không có lý do để tồn tại.
Sau vụ này, ông nghĩ đến chuyện một chính phủ hoàn toàn tự trị cho người Ấn Độ, nhằm tạo ra sự độc lập chính trị, tinh thần và cá nhân, gọi là Swaraj. Gandhi được đề cử là Chủ tịch đảng Quốc đại vào tháng 12-1921.
Dưới sự lãnh đạo của ông, đảng Quốc đại được tổ chức lại với mục tiêu là Swaraj. Tư cách thành viên được mở rộng cho bất kỳ ai đóng lệ phí tượng trưng.
Cơ cấu của tổ chức này được thiết lập theo hướng tăng cường kỷ luật, biến đảng từ một nhóm tinh hoa thành tổ chức tập họp quần chúng. Gandhi triển khai nền tảng học thuyết bất bạo động thành chính sách swadeshi – tẩy chay hàng hóa nước ngoài, đặc biệt là hàng hóa mang nhãn hiệu Anh.
Kèm theo đó là ủng hộ hàng nội địa: toàn dân Ấn Độ chỉ sử dụng vải dệt nội địa khadi thay cho vải dệt từ Anh. Cùng với việc tẩy chay hàng hóa Anh, Gandhi còn thúc giục dân chúng tẩy chay các cơ sở giáo dục và tòa án Anh, từ bỏ các chức vụ, tước hiệu, việc làm và vinh dự mà người Anh ban cho.
Bất hợp tác lan rộng rất nhanh và thành công bất ngờ. Tất cả các giai cấp trong xã hội Ấn Độ đều hồ hởi tích cực tham gia. Khi phong trào lên đến đỉnh cao thì bất ngờ kết thúc vì xung đột dữ dội diễn ra tại các tỉnh Chauri Chaura, Uttar Pradesh, vào tháng 2-1922.
Lo sợ phong trào chuyển sang bạo động làm hỏng chiến lược của mình, Gandhi kêu gọi chấm dứt đại chiến dịch bất tuân thượng lệnh toàn diện.
Bài 3: Chiến dịch “Cút khỏi Ấn Độ”
ĐINH CÔNG THÀNH
Bài 1: Những biến cố trên đường tha hương