TPHCM chủ động phòng ngừa thiếu điện

Bài 2: Dồn sức khai thác năng lượng tái tạo

Tiềm năng dồi dào
Bài 2: Dồn sức khai thác năng lượng tái tạo

Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng nằm trong dải phân bổ ánh sáng mặt trời nhiều nhất trong năm trên bản đồ bức xạ của thế giới nên cường độ bức xạ mặt trời tương đối cao. Hơn nữa, đây cũng là khu vực có tiềm năng gió lớn nhất Đông Nam Á. Việc khai thác, sử dụng nguồn năng lượng trên sẽ là lợi thế rất lớn cho nước ta, góp phần thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch, giảm phát khí thải nhà kính, bảo vệ môi trường.

Sử dụng đèn năng lượng mặt trời tại Khu công nghệ cao quận 9

Sử dụng đèn năng lượng mặt trời tại Khu công nghệ cao quận 9

Tiềm năng dồi dào

Đại diện Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam cho biết, TPHCM có lượng bức xạ dồi dào, trung bình khoảng 1.581kWh/m²/năm, cao nhất là 6,3kWh/m²/ngày vào tháng 2 và thấp nhất là 3,3kWh/m²/ngày vào tháng 7. Số giờ nắng trung bình trong tháng dao động từ 100-300 giờ. Vào mùa khô, số giờ nắng lên tới 300 giờ (tháng 3) và đối với mùa mưa, số giờ nắng chỉ khoảng 150 giờ (tháng 10). Còn về năng lượng gió, TPHCM nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa cận xích đạo. Hai hướng gió chính và chủ yếu là gió mùa Tây - Tây Nam và Bắc - Đông Bắc. Theo số liệu điều tra từ tại trạm Tân Sơn Hòa tốc độ gió trung bình năm cao nhất tại trạm Vũng Tàu (khu vực cận huyện Cần Giờ, TPHCM)là 5,4 m/s. Kế đến là tại trạm Tân Sơn Hòa là 2,2 m/s và tại trạm quan trắc khí tượng Nhà Bè là 4,82 m/s. Điều này đủ minh chứng rằng nguồn tài nguyên vô tận của thành phố hết sức dồi dào và hoàn toàn có thể xây dựng các nhà máy phát điện với quy mô công nghiệp.

Không dừng lại đó, thành phố còn có thể tận dụng lượng lớn nguồn năng lượng từ rác thải, khí sinh học và năng lượng sinh khối. Cụ thể, với nguồn năng lượng từ rác thải, khí bãi rác có bản chất là khí sinh học với hàm lượng mêtan (CH4) chiếm 50-60% và dyoxit cacbon (CO2) là 30-35%. Thành phần các khí này ổn định theo thời gian chôn lấp hoặc ủ kỵ khí. Rác thải sinh hoạt của thành phố có đặc tính rất thuận lợi cho các công nghệ thu hồi KBR phát điện. Theo nghiên cứu trong dự án “Tái sinh năng lượng từ KBR bãi chôn rác Đông Thạnh và Phước Hiệp 1” thì 1 tấn rác thải sinh hoạt có thể sản sinh khoảng 60m³ KBR trong cả đời dự án là 15 năm. Còn với năng lượng khí sinh học, nguồn chất thải để sản xuất khí sinh học chủ yếu là từ chất thải chăn nuôi của các hộ gia đình và các trang trại chăn nuôi, mà phần lớn tập trung nhiều ở một số quận gần ngoại ô thành phố và các huyện ngoại thành. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cung cấp thì đến năm 2010 tổng số hầm biogas của hộ gia đình trên địa bàn thành phố 6.110 (8m³/hầm) tương đương 48.800m³. Theo chỉ tiêu kế hoạch Chương trình vệ sinh nông thôn giai đoạn 2012-2015 xây dựng mới 4.636 hầm biogas, tương đương 37.000m³ (khí sinh học cho mục đích phát điện với suất tiêu hao nhiên liệu 0,78m³ khí sinh học thì phát được 1kWh). Riêng về khả năng khai thác sử dụng nguồn năng lượng sinh khối rất dồi dào. Bao gồm: gỗ củi, các phế thải từ gỗ và phụ phẩm nông nghiệp. Việc sử dụng và khai thác nguồn năng lượng sinh khối ở thành phố cho sản xuất năng lượng được xem xét các loại sinh khối có mức tập trung nguồn cao dễ thu gom nhiên liệu như trấu, bã mía...

Chỉ tiêu có khiêm tốn?

Xuất phát từ thực tế tiềm năng trên, Sở Công thương TPHCM đã đề ra chỉ tiêu đến năm 2015, nâng tỷ lệ công suất điện từ năng lượng mới, năng lượng tái tạo chiếm hơn 1% công suất tiêu thụ toàn thành phố, tương đương 48MW. Trong đó, hệ thống điện mặt trời trang bị cho hộ gia đình có khoảng 7 hộ gia đình hoặc tòa nhà, trụ sở cơ quan sử dụng hệ thống điện mặt trời với công suất khoảng 20kWp tiết kiệm 23.554 kWh/năm; hệ thống đèn đường chiếu sáng có khoảng 100 bộ đèn chiếu sáng công cộng sử dụng năng lượng xanh và đèn LED; tăng số hộ gia đình, cơ quan; đơn vị thụ hưởng ngân sách, nhà hàng, khách sạn, tòa nhà sử dụng hệ thống bình nước nóng năng lượng mặt trời lên 3%/năm và về năng lượng gió phấn đấu đạt 3MW từ nguồn năng lượng gió và triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ xây dựng dự án nhà máy điện gió 200MW tại huyện Cần Giờ.

Để đạt được những mục tiêu trên, đại UBND TPHCM cũng đã quyết định phê duyệt kế hoạch về phát triển năng lượng xanh trên địa bàn thành phố. Theo đó, Sở Công thương thực hiện xây dựng chính sách khuyến khích hỗ trợ vốn đầu tư, chính sách giá mua và bán điện nếu điện mặt trời được sử dụng thừa trong hộ gia đình được bán lên lưới điện và ngược lại nếu không có điện mặt trời thì gia đình sử dụng điện lưới; xây dựng nghiên cứu xây dựng quy định sử dụng thiết bị gia nhiệt bằng năng lượng mặt trời, thí điểm 01 - 02 trụ sở cơ quan, đơn vị nhà nước, doanh nghiệp nhà nước sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời để thúc đẩy các thành phần kinh tế khác đầu tư mô hình này. Riêng với hệ thống chiếu sáng, Sở Giao thông vận tải sẽ thí điểm đầu tư bằng ngân sách một số tuyến đường mới hay cải tạo hệ thống đèn chiếu sáng hiện hữu sử dụng công nghệ đèn chiếu sáng năng lượng xanh (năng lượng mặt trời, năng lượng gió), đèn LED. Đồng thời, xây dựng chính sách và quy định sử dụng đèn chiếu sáng công cộng sử dụng năng lượng xanh, đèn LED… trên các tuyến đường đầu tư xây dựng mới và khu đô thị, khu dân cư mới; hỗ trợ, khuyến khích các thành phần kinh tế mua sắm đầu tư phương tiện giao thông công cộng sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng, xăng sinh học thay thế cho nhiên liệu truyền thống. Đầu tư thí điểm bằng nguồn ngân sách thành phố phương tiện giao thông công cộng sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng, xăng sinh học thay thế cho nhiên liệu truyền thống.

Về phía UBND các quận - huyện chủ trì thực hiện tuyên truyền, vận động các hộ dân, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn quản lý sử dụng bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời, đảm bảo chỉ tiêu mỗi năm tăng 3% cho từng quận - huyện. Tổng công ty Điện lực thành phố hỗ trợ kinh phí để khuyến khích sản xuất và sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời. Còn về năng lượng gió, khảo sát tiềm năng gió tại huyện Cần Giờ để làm rõ hơn tiềm năng nguồn năng lượng gió. Từ đó, thực hiện thí điểm đầu tư bằng nguồn ngân sách thành phố ít nhất 2 tua-bin gió có công suất khoảng 3 MW để kêu gọi, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác đầu tư mô hình này. Đồng thời  triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ xây dựng dự án nhà máy điện gió 200MW tại huyện Cần Giờ. Doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này sẽ được hỗ trợ các thủ tục đầu tư, giao đất, mua và bán điện… Sở Tài nguyên Môi trường thúc đẩy tiến độ các dự án xử lý rác tại các bãi rác, đảm bảo việc xử lý rác kết hợp với xây dựng nhà máy phát điện. Chủ trì phối hợp với Sở Công thương kiểm tra, thúc đẩy tiến độ xây dựng nhà máy điện rác Đông Thạnh và Hiệp Phước 1 tại huyện Củ Chi. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ, khuyến khích các hộ gia đình và các trang trại chăn nuôi xây dựng các hầm khí sinh học để sử dụng năng lượng khí thay thế cho năng lượng điện trong hoạt động sản xuất và sinh hoạt.

Hoàng Lan

Tin cùng chuyên mục