
Trong số tài liệu liên quan Osama bin Laden nhân ngày tưởng niệm sự kiện 11-9, phóng sự của Steve Coll (New Yorker) về những năm tháng cắp sách đến trường của bin Laden đã cung cấp thêm thông tin giúp hiểu thêm về nguyên nhân khiến nhân vật này trở nên căm thù phương Tây và thề chống Mỹ đến cùng…
Tham gia nhóm nghiên cứu Hồi giáo

Lời hiệu triệu thánh chiến của bin Laden đã và tiếp tục được đón nhận tại nhiều khu vực thuộc thế giới Hồi giáo
Ngôi trường cũ của trùm khủng bố Osama bin Laden - trường điểm Al Thagher - nằm trên vùng đất khô cằn với những hàng bạch đàn đung đưa trước ngọn gió thổi từ Hồng Hải. Hầu hết học sinh Al Thagher là thành phần bán trú nhưng cũng có nội trú - sống ở tầng hai, cùng giáo viên nước ngoài, trong đó có một giáo viên Syria chuyên hướng dẫn chương trình ngoại khóa nghiên cứu Hồi giáo.
Thập niên 1960 và đầu 1970, Al Thagher là trường danh tiếng nhất Jedda. Có nghĩa “nơi ẩn náu”, Al Thagher được thành lập đầu thập niên 1950, thoạt đầu tại thành phố Taif gần đó, với hỗ trợ của Faisal bin Abdul Aziz (người lên ngôi vua Saudi Arabia năm 1964).
Song song kế hoạch phát triển theo khuynh hướng hiện đại, Faisal cùng lúc muốn duy trì truyền thống Hồi giáo và điều đó đã thể hiện tại Al Thagher. Tuy nhiên, học sinh Al Thagher không mặc trang phục Hồi giáo truyền thống mà vận đồng phục sơ mi quần tây với nơ. Mỗi năm, trong số học sinh tốt nghiệp, có nhiều hoàng tử thuộc Hoàng gia Saudi Arabia cũng như học sinh ưu tú thuộc gia đình giàu có như bin Laden.
Năm 1998, trong cuộc phỏng vấn sau này được phát trên truyền hình Al-Jazeera, bin Laden kể rằng mình sinh ngày 10-3-1957 tại Riyadh và hầu hết thời thơ ấu sống tại Hejaz (nằm giữa Hồng Hải và miền Trung Saudi Arabia). Bin Laden là đứa con duy nhất của bà Alia Ghanem (sinh tại Syria) và Muhammad bin Laden (sinh tại Yemen). Bố mẹ ly dị không lâu sau khi sinh bin Laden - theo Khaled M. Batarfi, nhà báo từng biết bin Laden vào thập niên 1970. Mẹ tái hôn với Muhammad al-Attas (vốn là nhân viên trong công ty xây dựng của bố bin Laden) và họ có bốn người con. Bin Laden sống chung cùng đám em cùng mẹ khác cha.
Ngày 3-9-1967, bố ruột bin Laden chết, khi chiếc máy bay Beechcraft hai động cơ của công ty do một phi công Mỹ lái đâm vào vách núi tại tỉnh Asir. Năm sau, bin Laden vào Al Thagher - theo Brian Fyfield-Shayler (người Anh), giáo viên dạy tiếng Anh tại trường thời điểm đó. Fyfield-Shayler kể rằng bin Laden là một trong những học sinh đáng chú ý nhất lớp, không phải bởi khả năng học mà bởi tướng mạo lêu nghêu. Khoảng năm 1971 hoặc 1972, khi học lớp 8 hoặc 9, bin Laden được mời tham gia nhóm nghiên cứu Hồi giáo của một tay giáo viên Syria.
Thời điểm đó, chẳng khó khăn gì để gặp giáo viên Syria và Ai Cập trong hệ thống giáo dục Saudi Arabia nói chung. Nhiều người trong số đó móc nối với các nhóm chính trị ly khai đối lập với chính phủ nước họ. Không ít người là thành viên tổ chức Huynh đệ Hồi giáo (MB; được giáo viên Hassan al-Banna thành lập tại Ai Cập năm 1928). Trong nhóm nghiên cứu Hồi giáo tại Al Thagher, bin Laden là một trong những học sinh nổi bật. Hoạt động của nhóm mỗi lúc mỗi mang hình ảnh “thuần khiết” của Hồi giáo nguyên thủy hơn: họ bắt đầu để râu; cắt ngắn quần; không ủi áo và tranh luận liên tục về sự cần thiết cấp bách để hồi sinh Hồi giáo tinh tuyền khắp thế giới Arab...
“Dấu ấn” từ ngôi trường thời thơ ấu
Thoạt đầu MB là phong trào chống ách cai trị thực dân Anh tại Ai Cập nhưng sau khi Anh rút khỏi khu vực, tổ chức này tiếp tục tồn tại và chuyển sang chống chính thể thế tục mang tư tưởng xã hội chủ nghĩa của lãnh đạo Gamal Abdel Nasser (người lên nắm quyền năm 1952). Trước chiến dịch xóa sổ mạnh tay của Nasser, nhiều nhân vật đầu não MB trốn lưu vong, cùng cắt máu ăn thề quyết tâm thay đổi chính thể thế tục không chỉ tại Ai Cập mà cả thế giới Hồi giáo.
Tại Saudi Arabia vào thập niên 1960, Vua Faisal bắt đầu mở rộng cửa đón những chính trị gia khoác áo nhà giáo dục đến từ Ai Cập, Syria và Jordan. Vốn bài xích chủ nghĩa xã hội và không muốn ảnh hưởng phương Tây lan rộng tại nước mình, Vua Faisal hy vọng dùng Hồi giáo để có thể chống lại sự phát triển làn sóng Đỏ Cộng sản cũng như phong trào ái quốc thế tục lan rộng khắp cộng đồng Arab tại Trung Đông…
Ở độ tuổi 40, Khaled Batarfi là biên tập viên tờ Al Madina (Jedda), từng lấy tiến sĩ Đại học Oregon (Mỹ) và trở thành cầu nối giữa giới báo chí và ngoại giao Mỹ với Saudi Arabia kể từ sau sự kiện 11-9-2001. Năm 1971, Batarfi sống cách bin Laden chỉ vài căn nhà và họ thậm chí chơi chung trong câu lạc bộ bóng đá, nơi bin Laden thủ vai tiền đạo nhờ chiều cao quá khổ của mình. Quá trình tiếp xúc đã giúp Batarfi nhận thấy ảnh hưởng MB đối với bin Laden.
Những năm tháng đại học sau đó tại Đại học Vua Abdul Aziz tại Jedda càng củng cố tư tưởng Hồi giáo thuần khiết, thù ghét phương Tây, đối lập Cộng sản và bài xích chính trị thế tục của bin Laden - theo Batarfi. Tại đại học, bin Laden còn chịu ảnh hưởng từ những giáo sư có quan hệ gần gũi MB. Ảnh hưởng MB đối với bin Laden thể hiện rõ ở việc sau này hắn thường móc nối với nhiều kẻ Ai Cập lưu vong, trong đó có “phó tướng” Ayman al-Zawahiri.
Thời gian lập cứ địa al-Qaeda tại Afghanistan, bin Laden cũng sử dụng nhiều thành viên MB và thậm chí cả giáo viên Al Thagher... Tất cả cho thấy không phải tự nhiên Osama bin Laden trở nên thù hằn phương Tây một cách quá khích. Những gì được gieo vào đầu từ thời niên thiếu tại Al Thagher đã in sâu trong tư duy hệ và thế giới quan của bin Laden, khiến hắn trở nên cực đoan một cách phi lý và cuối cùng chọn con đường “thánh chiến” làm mục tiêu và triết lý sống của mình…
Bài 3: Những cú chộp... hụt mục tiêu
PHÚC CẨM
Thông tin liên quan:
Bài 1: Khởi nguồn cuộc “thánh chiến”