Mặc dù đã bước qua tuổi 50 và mang phong cách, vóc dáng của một doanh nhân điềm đạm, sâu sắc, nhưng doanh nhân Lê Chí Hiếu vẫn có một tâm hồn rất trẻ, tư duy và những khát vọng cháy bỏng của anh trong cuộc sống, trong công việc luôn thể hiện sự năng động sáng tạo, luôn gây được ấn tượng mạnh đối với thị trường và cộng đồng công chúng... Nhiều người yêu quý gọi anh là “người trẻ”. Vâng, anh dường như cứ trẻ mãi với “Tuổi hai mươi” – tên một album bao gồm 13 ca khúc mà anh vừa xuất bản...
“Mãi mãi tuổi 20...”…
Đầu tháng 10-2011 vừa qua, khi mở một món quà gửi đến tặng mình qua đường bưu điện, tôi bất ngờ thấy đó là một đĩa CD – một album mang tên “Tuổi Hai Mươi” của Nhạc sĩ Lê Chí Hiếu – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House). Vội vã mở nghe, tôi lặng người khi thưởng thức 13 ca khúc sâu lắng, ngọt ngào của anh qua phần trình bày của nhiều ca sĩ nổi tiếng.
Có thể nói, với những gì tôi nghe và cảm nhận được từ những sáng tác của nhạc sĩ Lê Chí Hiếu thì âm nhạc đã tâm tình được ý chí và hoài bão của anh - một người luôn có khát vọng vươn ra bể lớn. “Những ca khúc của nhạc sĩ Lê chí Hiếu ra đời không phải từ sự cô đơn như người ta thường tụng ca là khởi nguồn của sáng tạo, mà nó được ra đời như tự thân muốn được sẻ chia những tâm tư, những ước vọng sau những gì đã trải qua dù thành công hay thất bại, nó mang đến cho người nghe những cảm nhận chan chứa những hoài bão và cả những khát vọng mong muốn được thỏa nguyện bừng lên trong giai điệu âm nhạc…” - đúng như nhận xét của nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp, cái lý tưởng như sóng ngầm ấy cứ lặng lẽ trào dâng qua những giai điệu nhẹ nhàng và sâu lắng.
Âm nhạc đã tâm tình được ý chí và hoài bão của anh - một người luôn mong muốn vươn xa, hướng tới, không ngại thất bại, khó khăn: Nào hãy tiến ra biển khơi/giông tố không hề lui/ sóng hòa thành tiếng ca… (trong Ra khơi), hay những lời ca như tự tình, nhắn nhủ: Ta nói chuyện cùng nhau/Nào trái tim trăn trở/Chớ nhụt bước bao giờ/ tim hãy tin rằng: Giữa bụi gai khô sẽ mọc lên một đóa hồng (trong Trò chuyện)….
Trên thực tế, Lê Chí Hiếu là con người hết sức bình dị, anh không có kiểu quan cách của một Tổng Giám đốc – doanh nhân thành đạt - mà người ta quen gọi là đại gia. Anh gần gũi, thân thiện với tất cả mọi người, qua tâm sự của anh, tôi được biết, sau khi tốt nghiệp Đại học kinh tế, chuyên ngành ngân hàng, đầu tiên anh đầu quân vào làm việc tại Ngân hàng Nhà nước. Sau đó, anh chuyển về làm tại UBND huyện Thủ Đức và được phân công là trưởng các bộ phận kế hoạch, tài chính, thống kê kiêm trưởng ban quản lý công trình huyện Thủ Đức. Đến năm 1994, Lê Chí Hiếu được điều động về làm Giám đốc Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức, và từ dạo ấy cho đến nay, Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức do anh làm Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT luôn hoạt động hiệu quả, luôn gây ấn tượng và niềm tin trên thị trường địa ốc cho đến nay. Những ca khúc của anh đã nói ra được những gì chất chứa trong lòng anh, không chỉ là niềm vui được chia sẻ với mọi người, mà còn giảm bớt căng thẳng từ công việc.
Qua âm nhạc, có thể cảm nhận Lê Chí Hiếu là người sống hết mình, làm việc hết mình cho những đam mê đang theo đuổi. Những bản tình ca của Lê Chí Hiếu cũng rất lãng mạn làm người nghe phải bâng khuâng, xao xuyến. Thời sinh viên anh đã viết: “Đi qua những con đường mà đôi ta vẫn đến trường/ Hoàng điệp vàng hè phố/gió chiều xào xạc lá” (Xa hoàng điệp). Hay những giai điệu nhẹ nhàng, trong veo “Thành phố sớm mai nắng soi dịu dàng/đường phố vẫn như đắm say giấc nồng” (Thành phố mùa xuân).
Có thể nói, Lê Chí Hiếu là người đi nhiều, biết rộng, một số ca khúc của anh được viết bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Mở đầu những cuộc vui, anh thường ôm đàn hát ca khúc của mình. Âm nhạc đã mang vị Tổng Giám đốc là anh gần gũi hơn với bạn bè, đồng nghiệp, và đặc biệt đó là những khoảng thời gian thanh thản nhất của người làm kinh doanh. Anh bảo: “Âm nhạc làm cho mình dễ tiếp cận hơn với đối tác, họ dễ tin tưởng mình hơn để có thể hợp tác, hỗ trợ nhau làm ăn lâu dài và hiệu quả… nương nhau để cùng hướng tới”.
Xây dựng thương hiệu từ văn hóa doanh nghiệp
Theo Lê Chí Hiếu, xây dựng thương hiệu là điều bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn phát triển. Tuy nhiên, thương hiệu không chỉ là cái tên, danh tiếng mà phải là chất lượng sản phẩm, là chữ tín. Với anh điều quan trọng là phải xây dựng được văn hóa công ty, hiện nay không ít doanh nghiệp bỏ ra nhiều tiền để quảng cáo, đánh bóng tên tuổi, nhưng lại thiếu quan tâm đến việc xây dựng văn hóa công ty. Anh cho rằng đấy là một thiếu sót. “Mỗi năm tôi có những thách thức và mục tiêu mới, trong đó không chỉ là những con số lợi nhuận mà còn có chỉ số hạnh phúc của nhân viên và sự trưởng thành của doanh nghiệp. Đó là sự tưởng thưởng lớn nhất của một người đứng đầu doanh nghiệp” - anh nói.
Lê Chí Hiếu luôn quan niệm rằng, thành công không ở đâu xa, thành công ở ngay trong căn nhà của mình, trong từng nhân viên, từng cộng sự của mình. “Tôi xây dựng thương hiệu công ty cũng giống như thi công một ngôi nhà, muốn ngôi nhà lớn mạnh, vững chãi thì ngoài việc xây dựng nền móng kết cấu vững chắc còn phải xây dựng được cái linh hồn của ngôi nhà. Thuyết phục người khác tin vào doanh nghiệp của mình là điều khó nhất, song nếu có văn hóa công ty, ai nấy cùng đồng lòng thì mọi khó khăn sẽ vượt qua” - anh nhấn mạnh. Điều đó, phải chăng cũng chính là vẻ đẹp văn hóa, là bản sắc riêng, khiến cộng đồng nhớ đến, tin tưởng và yêu quý anh, yêu quý thương hiệu Thuduc House trong suốt mấy chục năm qua…
Còn nhớ, năm 2010 sắp kết thúc, thị trường bất động sản TPHCM vẫn đang vật lộn với giai đoạn hậu khủng hoảng. Thế nhưng Lê Chí Hiếu không bi quan trước khó khăn của thị trường. Anh cho rằng, bất động sản đòi hỏi nhiều thủ tục pháp lý, việc bồi thường giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguồn vốn thường mất rất nhiều thời gian và nguồn lực. Người lèo lái phải thấy trước được những chu kỳ của thị trường, từ đó chuẩn bị sản phẩm phù hợp. Do vậy, không nên vì những yếu tố thất thường trong hiện tại mà cuốn cờ bỏ chạy, bởi nếu bỏ chạy, khi thị trường phục hồi mình chẳng có gì để bán cả. Trong khi đó, một lãnh đạo doanh nghiệp ngã ngựa thì hàng trăm thậm chí hàng nghìn người bị ảnh hưởng, thậm chí có thể thất nghiệp.
Trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng của người lãnh đạo rất lớn, nó đòi hỏi phải luôn luôn tỉnh táo. Người lãnh đạo bất cứ giai đoạn nào, cực thịnh hay khủng hoảng, hậu khủng hoảng cũng cần phải có đức, có tài và có sức khỏe. Quan trọng nhất là phải có tầm nhìn, biết vạch ra chiến lược phù hợp, thấu hiểu được những nguồn lực mình đang có để phối hợp tìm ra giải pháp thoát khỏi khủng hoảng. Nhiều doanh nghiệp tham làm nhưng với tay không tới, cuối cùng dẫn đến đổ vỡ, đó là do không đủ bản lĩnh. Nói như vậy không có nghĩa là không nên mạo hiểm. Bởi muốn thành công, đôi khi cần phải có chút máu liều. “Thế nhưng luôn phải nhớ rằng, mạo hiểm phải trên cơ sở nắm chắc các thông tin, điều kiện đảm bảo thực hiện và hướng rút lui khi cần thiết để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất khi rủi ro xuất hiện” - anh nói.
Có thể nói, mặc dù đã bước qua tuổi 50 và mang phong cách, vóc dáng của doanh nhân điềm đạm, sâu sắc, nhưng Lê Chí Hiếu vẫn có một tâm hồn rất trẻ, tư duy và những khát vọng cháy bỏng của anh trong cuộc sống, trong công việc luôn thể hiện sự năng động sáng tạo, luôn gây được ấn tượng mạnh đối với thị trường cũng như đối với cộng đồng công chúng... Và khi kết thúc bài viết này, tôi lại nhớ đến những giai điệu nồng nàn, đầy nhiệt huyết của anh: “Ôi trái tim ta có bao giờ thôi máu chảy/Nào hãy tin, hãy tin hỡi tim/Đóa hoa giữa bụi gai khô/Nào hãy sống, sống đi hỡi tim/Hãy nở hoa giữa đời gai khô…”. Vâng, trái tim anh không ngừng thôi máu chảy, anh được ví trẻ mãi tuổi 20 có lẽ cũng là vì như thế…
|
Nguyễn Thu Tuyết