Nơi “đất lành chim đậu”
Để nâng cao mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia Việt Nam - Nhật Bản, với sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, mới đây tại TPHCM đã triển khai xây dựng một khu công nghiệp chuyên biệt dành cho nhà đầu tư Nhật Bản. Đây được xem là “ngôi làng” nhỏ dành cho doanh nghiệp Nhật Bản.
Khu công nghiệp chuyên biệt
Với lợi thế nguồn lao động dồi dào và chi phí nhân công thấp hơn các nước khác trong khu vực, lựa chọn đầu tư vào thị trường Việt Nam là ưu tiên hàng đầu của nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Trong giai đoạn thâm nhập thị trường và nắm bắt cơ hội kinh doanh, để có thể nhanh chóng đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tiết kiệm chi phí và thời gian thi công nhà xưởng, đa phần các nhà đầu tư có nhu cầu thuê nhà xưởng xây sẵn hoặc kho bãi có sẵn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn như hiện nay. Trong số đó, có một số lượng không nhỏ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, Công ty TNHH Khu Kỹ Nghệ Việt Nhật (liên doanh giữa Công ty Vie - Pan Industrial Park Co., Ltd (Nhật Bản) và Công ty cổ phần Khu Công nghiệp Hiệp Phước) đã nhanh chóng hình thành với mong muốn triển khai dự án xây dựng nhà xưởng xây sẵn dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản tại Khu Công nghiệp Hiệp Phước. Vào đầu tháng 9-2013, dự án Khu Kỹ Nghệ Việt Nhật tại Khu Công nghiệp Hiệp Phước đã được UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận đầu tư. Dự án Khu Kỹ Nghệ Việt Nhật được xây dựng tại lô đất D6 - Khu Công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2, với diện tích 13ha, tổng mức đầu tư 31 triệu USD.
Ông Jinjiro Kimura, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khu Kỹ Nghệ Việt Nhật, cho hay: Đối với DN Nhật Bản khi qua Việt Nam đầu tư kinh doanh phải mất một thời gian chuẩn bị khá dài từ 1 đến 2 năm cho các hồ sơ thủ tục đầu tư, cũng như xây dựng nhà xưởng. Chính vì vậy, để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản qua Việt Nam đầu tư, sau 2 năm khảo sát kỹ lưỡng, chúng tôi đã triển khai xây dựng Khu Kỹ Nghệ Việt Nhật tại Khu Công nghiệp Hiệp Phước. “Người Nhật Bản làm ăn rất lâu dài, tử tế nên mình cung cấp dịch vụ cho họ. Sang Việt Nam đầu tư có đất sẵn, đất “sạch”, nhà xưởng xây dựng sẵn, có bộ phận kế toán… coi như mình đã trải thảm đỏ. Khi sang đây, các nhà đầu tư chỉ cần tập trung vào hoạt động mà không phải lo vấn đề gì”, ông Jinjiro Kimura bày tỏ.
Sự hình thành Khu Kỹ Nghệ Việt Nhật sẽ giúp hai bên có cơ hội giao lưu, tìm hiểu, hỗ trợ nhau về mặt kỹ thuật, hợp tác kinh doanh và hai bên cùng có lợi. Đây sẽ là “ngôi làng nhỏ đầu tiên” dành cho DN vừa và nhỏ Nhật Bản tại TPHCM.
Hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản
Việt Nam được đánh giá là đất nước có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, theo Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM Obayashi Isao, Việt Nam hiện nay vẫn còn những trở ngại, chưa trang bị đầy đủ cơ sở hạ tầng, các mục tiêu như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu chưa hoàn thành. Việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ hiện nay chỉ đạt khoảng phân nửa của Thái Lan (Việt Nam 28%). Tại hội nghị bàn tròn giữa lãnh đạo TPHCM với doanh nghiệp Nhật Bản diễn ra cuối năm 2013, ông Harumitsu Hida (Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TPHCM) cho biết: Hiện nay, đầu tư của Nhật Bản ra các nước bên ngoài đang bùng nổ nhưng điểm đến có thể chưa hoàn toàn là Việt Nam hay nước nào. Do đó, Việt Nam cần phải tranh thủ cơ hội này để thu hút đầu tư. Cụ thể, trong thời gian tới cần cải thiện những tồn tại hiện có để phát triển mối quan hệ hợp tác đầu tư Việt Nam - Nhật Bản.
Đề cập đến những chính sách thu hút nhà đầu tư Nhật Bản, mới đây, tại hội nghị bàn tròn giữa lãnh đạo TPHCM với doanh nghiệp Nhật Bản, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà cho biết, trong thời gian tới, TP sẽ tăng cường hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư. Cụ thể là tiếp tục giải quyết vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp Nhật Bản; cải tiến các chính sách về thuế, hải quan để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh. Còn theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhằm cải thiện nền kinh tế, cải tiến xúc tiến đầu tư trong thời gian tới đối với Nhật Bản, Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các nội dung trong sáng kiến chung Việt - Nhật giai đoạn V. Tăng cường kết nối với các hiệp hội, địa phương của Nhật Bản. Tăng cường hiệu quả của các mô hình hỗ trợ chuyên biệt cho các nhà đầu tư Nhật Bản. Tăng cường xúc tiến đầu tư chuyên đề tập trung vào 6 ngành công nghiệp ưu tiên hợp tác. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN đã được phép đầu tư triển khai việc kinh doanh thuận lợi và có hiệu quả.
| |
ĐÌNH LÝ
- Bài 1: Điểm đến của nhà đầu tư Nhật Bản