Tướng lĩnh Sài Gòn tự thuật (*)

Bài 2: Phan Rang - vỏ trứng mỏng sao ngăn bão lửa?

Bài 2: Phan Rang - vỏ trứng mỏng sao ngăn bão lửa?

Sau khi mất cả Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng và cả miền Trung, Nguyễn Văn Thiệu đưa ra một chiến lược “đầu teo đít to” (chấp nhận mất Tây Nguyên và miền Trung để giữ miền Nam). Ninh Thuận - Phan Rang, quê hương của Thiệu, đã được xây dựng thành phòng tuyến tử thủ. Phan Rang được hô hào như là một chiến lũy bất khả xâm phạm.

  • Chắp vá, bị động và bế tắc
Bài 2: Phan Rang - vỏ trứng mỏng sao ngăn bão lửa? ảnh 1

Các binh lính thủy quân lục chiến Scarface cuối cùng ở Việt Nam

Thiệu điều động Nguyễn Vĩnh Nghi, Trung tướng -  nguyên Tư lệnh Vùng 4 trực tiếp chỉ huy chiến tuyến với những lời hứa về các điều kiện binh - hỏa lực rất lý tưởng. Nhưng khi tiếp nhận phòng tuyến mới vỡ lẽ vì lực lượng phòng thủ chỉ là những đơn vị què quặt bại trận được lắp ghép, vá víu. Tướng không quân thì điều động chỉ huy mặt đất. Đó là trường hợp của Phạm Ngọc Sang, Chuẩn tướng Tư lệnh Sư đoàn 6 Không quân vừa chân ướt chân ráo từ chiến trường Pleiku về đã trở thành tướng trấn giữ biên cương bất đắc dĩ. Tướng Sang kể về tình thế bi đát lúc đó: “Căn cứ tôi bây giờ rất trống trải, vì một số lớn quân nhân địa phương canh gác ngoài vành đai đã bỏ nhiệm vụ… Ngoài thị xã, tỉnh trưởng đã rời nhiệm sở, dân chúng thì ngơ ngác phân vân. Trên quốc lộ 11 hướng về Sài Gòn, từng đoàn xe dân sự và quân sự chật nứt người rầm rộ tiếp nối nhau di tản. Tệ hại hơn nữa là Đà Lạt cũng bỏ chạy…”.

Trong tình thế cứu binh như cứu hỏa thì hai sư đoàn để bảo vệ phòng tuyến Phan Rang mà Nguyễn Vĩnh Nghi mong ước hoàn toàn không có mà chỉ có một lữ đoàn lính dù. Sang kể tiếp: “Ngày 12-4-1975, ngày khởi đầu có bất trắc trong việc phòng thủ Phan Rang. Liên đoàn 31 biệt động quân vừa rút khỏi Chơn Thành sau nhiều ngày tác chiến gian khổ với nhiều tổn thất, chưa kịp nghỉ dưỡng quân thì được tung ra tiền tuyến với quân số  thiếu thốn trầm trọng. Sư đoàn 2 bộ binh vừa tháo chạy từ Quảng Ngãi vừa tập trung tại Bình Tuy và đang được bổ sung quân số thì cũng được ra lệnh phải ra Phan Rang trong khi cả đơn vị còn hoang mang, dao động vì chưa kịp bổ sung thiết bị”.

Binh tàn tướng bại đã đẩy lũy đài “bất khả xâm phạm” (!) Phan Rang vào thế bị động và bế tắc. Trong hồi ký “Thiên thần mũ đỏ ai còn ai mất”, Lê Quang Lưỡng - Tư lệnh Sư đoàn dù kể về tình thế bối rối này trong giọng điệu hờn trách, bức xúc: “Vừa đặt chân đến Sài Gòn, tôi đã được lệnh Tổng tham mưu cho Lữ đoàn 2 ra Phan Rang thay thế cho Lữ đoàn 3, để lữ đoàn này tái chỉnh trang đơn vị. Tôi chẳng hiểu tại sao lại thế. Rút một đập ngăn nước lớn đi, đập mới chưa xây dựng xong, lụt lội sẽ ùa tới tàn phá tan tành. Người ta đã ném Lữ đoàn 2 vào đại dương giông bão”.

  • Lấy vỏ trứng ngăn cơn bão lửa

Trong hoàn cảnh bối rối ấy, các tướng lĩnh quân đội Sài Gòn đã lên dây cót cho nhau bằng những lời hứa ảo, những hy vọng hão huyền về lực lượng tăng viện không có thực. Ngay cả giải pháp chính trị cũng không hề có trong thực tế. Lực lượng mỏng manh, tiếp tế nhỏ giọt đẩy tuyến phòng thủ Phan Rang vào sự chênh vênh. Trong khi đó lực lượng giải phóng của ta tiến quân “thần tốc hơn, thần tốc hơn nữa” đã khép chặt gọng kìm, hình thành thế bao vây.

Tướng Sang kể lại những giờ phút hấp hối của Phan Rang như sau: “Quả nhiên 8g tối Cộng quân gia tăng cường độ pháo vào phi trường đồng thời cho di chuyển suốt đêm rất nhiều đoàn xe chở bộ binh, thiết giáp, pháo binh… Mặc dù chúng tôi đã đốc thúc phần tham gia của không quân nhưng cuối cùng đoàn xe Cộng quân tắt đèn và vượt qua cầu Ba Râu, rồi chiếm thị xã vào 7g sáng ngày 16-4-1975… Ngày 16-4-1975, lúc vừa sáng Cộng quân lại lẻ tẻ xâm nhập vào cổng số 2 của phi trường về hướng Bắc và kho bom ở hướng Tây. Lúc mới khoảng 8g sáng, Đại tá Biết (liên đoàn trưởng liên đoàn Biệt động quân quân đội Sài Gòn) bỗng báo cáo Du Long bị mất và Cộng quân đã vào thị xã… Khoảng hơn 9g sáng, khi trực thăng võ trang bị hỏa tiễn SA.7 bắn tại ngọn đồi gần phi trường thì tình hình đã nguy ngập. Đến lúc này, Trung tướng Nghi vẫn tin tưởng vào khả năng chiến đấu của Trung đoàn 4 bảo vệ phi trường và Trung đoàn 5 án ngữ cổng số 1 của căn cứ.  Đến khoảng 10g, khi tiếng súng càng lúc càng dồn dập, Tướng Nghi liền họp cùng Chuẩn tướng Nhựt, Đại tá Lương và tôi để duyệt xét tình hình. Khoảng đến 10g30 sáng, khi các toán Cộng quân sắp tiến vào Bộ Tư lệnh tiền phương thì Trung tướng Nghi mới ra lệnh rời căn cứ bằng đường bộ… Lúc 9g tối, dưới sự hướng dẫn của Đại tá Lương, đoàn người bắt đầu rời thôn Mỹ Đức. Chưa đi được bao xa thì bị phục kích. Trung tướng Nghi, ông Lewis và tôi cùng một số quân nhân bị Cộng quân bắt”.

Lực lượng đào thoát theo hy vọng lập phòng tuyến mới ở Cà Ná lần lượt tan rã và bị bắt làm tù binh. Tuyến phòng thủ Phan Rang gồm căn cứ không quân, lực lượng phòng thủ ở thị xã Phan Rang và vùng phụ cận đã nhanh chóng tan rã sau 10 tiếng đồng hồ bị quân ta tấn công. Quân giải phóng của ta băng băng tiến về Sài Gòn.

Trung tá dù Trương Dưỡng rút ra nguyên nhân thất bại của tuyến phòng thủ Phan Rang là do sự thấp kém của cấp chỉ huy chóp bu quân đội Sài Gòn. Trương Dưỡng vừa bức xúc: “Quân đoàn 2 tiểu đoàn chỉ đủ để trám vào chỗ của một tiểu đoàn dù. Phương tiện lại thiếu thốn, rõ ràng là đem con bỏ chợ, chẳng ai ngó ngàng đến! Chỉ biết điều động mà không chịu xem xét thực trạng quân tình… Chúng ta đã từng đẩy lui Cộng quân trong biến cố Tết Mậu Thân và Mùa hè đỏ 1972, dù lúc đó họ đã vào đầy thành phố. Nhưng tại sao năm 1975 lại bị mất đất và rã ngũ nhanh như vậy?”. Tuy nhiên, có điều mà Trương Dưỡng không nhận ra là thực tại đã biến chuyển rất lớn.

Bài 3: Cánh cửa thép cuối cùng bị sập
-----------------
(*) Tác giả Lê Đại Anh Kiệt, NXB CAND kết hợp với Doanh nghiệp sách Thành Nghĩa phát hành.

Mạnh Minh lược ghi

Thông tin liên quan:

Bài 1: Từ Phước Long đến Buôn Ma Thuột

Tin cùng chuyên mục