Những tấm gương cộng sản

Bài 2: Tấm lòng bác Năm!

Bài 3: Vì dân - lao nhọc đến phút cuối đời
Bài 2: Tấm lòng bác Năm!

“Xin các đồng chí, bạn bè, thân bằng quyến thuộc có lòng đến viếng vui lòng không đi vòng hoa, trái cây... mà có thể chuyển thành tiền để góp phần cứu giúp hàng trăm người mù nghèo...”. Đó là di nguyện trước khi mất của nhà cách mạng lão thành Dương Quang Đông (mà mọi người yêu quý gọi là bác Năm) làm người người kính phục và từ đó, nghĩa cử cao đẹp này được nhân rộng. 

  •  Người đảng viên thế hệ đầu tiên 

Nhà cách mạng lão thành Dương Quang Đông sinh ngày 2-5-1902 (Nhâm Dần) tại làng Mỹ Cẩm (nay là thị trấn Cầu Ngang), huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Thừa hưởng truyền thống cách mạng của gia đình và quê hương, bác tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm.

Bài 2: Tấm lòng bác Năm! ảnh 1
Nhà cách mạng lão thành Dương Quang Đông trò chuyện cùng thanh niên TPHCM Ảnh: V.D

Năm 1920, bác là một trong tám thành viên dự cuộc họp thành lập Công hội đỏ Nam kỳ tại đình Bình Đông (nay thuộc Q8) TPHCM, dưới sự chủ trì của nhà cách mạng Tôn Đức Thắng. Sau đó, bác trở thành thành viên Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội và là đảng viên thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương tại Nam kỳ. Thời kỳ từ 1930 đến 1945, bác giữ nhiều cương vị quan trọng như Xứ ủy viên, Ủy viên Thường vụ và Quyền Bí thư Xứ ủy Nam kỳ.
 
Sau khi thực dân Pháp tái chiếm miền Nam, bác giữ cương vị Trưởng ban Sưu tầm vũ khí hải ngoại, chuyên tổ chức sưu tầm, thu mua, vận chuyển vũ khí phục vụ cho nhu cầu cuộc kháng chiến ngày càng mở rộng của quân dân miền Nam. Với những kinh nghiệm tích lũy được trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, sau Đồng khởi, bác tiếp tục được Trung ương Cục miền Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tin tưởng giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo việc mở đường và tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam, theo đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Nhà cách mạng lão thành Dương Quang Đông đã có nhiều cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

 Sau ngày đất nước thống nhất, bác Năm là một trong những người đầu tiên đề xướng và ủng hộ việc xây dựng đền Bến Dược (Củ Chi) bởi bác cho đó là việc làm “có tình, có nghĩa”. Không chỉ nghĩa tình với đồng đội, đồng chí, bác còn nặng trĩu một tấm lòng cho những người dân gặp khó khăn, bất hạnh. Năm 2000 bác đã bán căn nhà, ủng hộ cho đồng bào bị lũ lụt 40 lượng vàng, tiếp đó ủng hộ cho chương trình nhân đạo, từ thiện xã hội của thành phố 20 lượng nữa.

  •  Nghĩa cử thành phong trào 

Ngày 15-5-2003, tại Nhà tang lễ thành phố, đông đảo bạn bè, đồng chí, người thân đến từ biệt nhà cách mạng lão thành Dương Quang Đông. Quan tài bác nằm đó nhưng tuyệt nhiên không thấy một tràng hoa viếng. Thì ra, tháng 9-2002, bác Dương Quang Đông và 18 nhà cách mạng lão thành đã cùng ký lời “Tâm huyết biến tang lễ đau buồn thành việc làm từ thiện”. Khi đó bác đang nằm trong bệnh viện. Cả cuộc đời bác Dương Quang Đông hy sinh cho dân cho nước, đến chết bác cũng nghĩ tới người nghèo...
 
Theo di nguyện của bác, sau tang lễ, con cháu của bác đã đem 103 triệu đồng tiền phúng điếu đến Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM để giúp 206 người mù nghèo được sáng mắt. Kể từ sau đám tang nhà cách mạng lão thành Dương Quang Đông và lời tâm nguyện của 18 vị lão thành đã trở thành một nghĩa cử cao đẹp, có sức lan truyền, xúc động lòng người, tạo nên phong trào “biến lễ tang đau thương thành hành động từ thiện”.

Nhiều người trước khi mất cũng căn dặn người nhà lấy tiền phúng điếu giúp đỡ người nghèo khó như Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Ráo, trước khi nhắm mắt đã dặn lại con cháu: Tổ chức đám tang tiết kiệm, tặng toàn bộ tiền phúng viếng cho Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo để mổ mắt cho người mù. Sau đám tang, con cháu bà Ráo đã tới Hội tặng vào quỹ 57 triệu đồng, giúp đem lại ánh sáng cho 114 người mù.

Không chỉ trong nước mà bà con ở nước ngoài cũng hưởng ứng phong trào này. Chẳng hạn cụ bà Nguyễn Thị Luân, 83 tuổi, Việt kiều Mỹ, xúc động trước lời tâm huyết của 18 vị lão thành, đã trăng trối lại với các con tâm nguyện: sau khi bà chết, số tiền phúng điếu phải mang về Việt Nam để làm từ thiện. Và số tiền 7.000USD sau đó đã được các con bà trao đến Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM.
 
Từ sự lan tỏa này, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố đã hình thành phong trào: “Một người nhắm mắt cứu nhiều người sáng mắt”. Từ khi nhà cách mạng lão thành Dương Quang Đông mất đến nay, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố đã nhận được gần 3 tỷ đồng do 89 đám tang từ thiện ở khắp nơi quyên góp trao tặng, giúp gần 240.000 người đã được sáng mắt. 

Bá Tân

 Bài 3: Vì dân - lao nhọc đến phút cuối đời
 Sống cuộc đời thanh đạm nhưng ông luôn đau đáu nỗi niềm làm sao cho dân giàu nước mạnh. Chấp nhận “thương đau” để tìm sự đột phá, từ ông, phong trào “khoán hộ” đi vào cuộc sống, mở ra một thời kỳ mới cho ngành nông nghiệp nước nhà. Ông là cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú - Kim Ngọc.

Tin cùng chuyên mục