Buôn lậu ở An Giang

Bài 2: Thâm nhập “đệ nhất lậu thị”

Bài 2: Thâm nhập “đệ nhất lậu thị”

Nằm ở đầu nguồn của sông Tiền và sông Hậu, lại có hệ thống kênh rạch chằng chịt nên ở An Giang, bọn buôn lậu gần như hoạt động quanh năm. Từ điểm đầu là cửa khẩu sông Tiền đến đoạn cuối Tịnh Biên, lúc nào cũng thấy thấp thoáng bóng dáng của bọn buôn lậu. Nhưng sôi động nhất vẫn là khu chợ trời gò Tà Mâu (đối diện xã Vĩnh Ngươn, thị xã Châu Đốc).

May nhờ, rủi chịu!

Bài 2: Thâm nhập “đệ nhất lậu thị” ảnh 1
Ghe vận chuyển lậu đường cát từ gò Tà Mâu về Châu Đốc

Khi chúng tôi xuống Châu Đốc cũng là lúc mực nước lũ đạt cao nhất trong năm. Muốn sang bên chợ trời biên giới, không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc đi bằng phương tiện thủy. Khoảng hơn 10g, chiếc bobo chở chúng tôi chạy như xé nước dọc theo kênh Vĩnh Tế, hướng ra biên giới. Một vùng nước mênh mông hiện ra trước mặt. Không còn phân biệt được đâu là ranh giới đường biên cột mốc.
 
Chợ trời gò Tà Mâu nằm cách biên giới khoảng 100m. Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 1992, khi mới hình thành, chợ trời chỉ có dăm ba căn nhà gỗ mái lá lụp xụp. Phát triển theo quan hệ cung cầu, khu chợ trời này ngày càng phình to và bề thế.

Đang là mùa lũ nên nhìn xa “trung tâm hàng lậu này” hệt như một hòn đảo nhỏ nằm lọt thỏm giữa biển nước mênh mông. Hàng chục dãy nhà cao cẳng nghền nghện trong mùa khô, nay nhìn như những chiếc bè nuôi cá lồng, ấy thế nhưng bên trong lại ngồn ngộn hàng. Nhiều nhất vẫn là đồ điện tử, điện lạnh, phụ tùng xe, vải vóc, quần áo cũ, thuốc lá... Hàng hóa cũng được bày bán theo từng khu vực riêng, theo chủng loại cũ, mới.
 
Đang là buổi trưa nên người mua ít hơn người bán. Xung quanh những căn nhà cao cẳng lúc nào cũng có sẵn vài ba chiếc ghe. Đó là ghe của dân chở mướn. Khi nào có khách, họ bám theo chèo kéo hệt như dân xe ôm. Nếu mua được hàng, chỉ cần đôi ba chục ngàn, họ sẽ dùng ghe chở thẳng về Châu Đốc.
 
Trong vai những khách hàng đi lựa mua đồ cho gia đình, được sự giúp đỡ của Th. - một chủ buôn hàng người Việt, chúng tôi được “lướt” qua “đệ nhất lậu thị”. Tại một gian hàng rộng vài trăm mét vuông, tôi như bị ngợp trước hàng ngàn chiếc ti vi, đầu máy, vi deo được xếp lớp lớp như xếp gạch.

Những ông chủ, bà chủ ở đây rất giỏi tiếng Việt nhưng lại không quen mời chào vồn vã như bên Châu Đốc. Ai muốn mua, muốn xem gì cứ tùy thích. Giá cả tương đối rẻ. Ti vi, đầu máy cũ chỉ đôi ba trăm nghìn, được bán theo lô hàng trăm chiếc. Nếu mua lẻ thì không được thử. Ai may thì chọn được hàng tốt, rủi gặp đồ xấu thì phải chịu vì không có bảo hành.

Coi chừng “bé cái lầm”!

Tại một gian hàng án ngự ngay “mặt tiền” khu “đệ nhất lậu thị”, chúng tôi thấy có tới hàng trăm chiếc xe đạp, xe đạp điện của Nhật. Toàn là đồ đã qua sử dụng nhưng nhìn vẫn còn tương đối mới, khoảng 70%-80%. Tôi hỏi giá, Dũng (người Châu Đốc sang mở tiệm kinh doanh bên gò Tà Mâu), khoảng ngoài 30 tuổi, người thấp, đậm nói: “Chắc giá 2,8 triệu đồng. Bao xài”.

Mặc dù tôi kỳ kèo nhiều lần nhưng Dũng kiên quyết không bớt đồng nào. Dũng nói: “Từ ngày cấm học sinh đi học bằng xe máy, loại này hút hàng lắm, mỗi ngày có khi bán được vài chục chiếc. Em nhập về bao nhiêu cũng hết”. Tôi thăm dò: “Nếu đưa về Sài Gòn xài mà có trục trặc thì sao?”. Dũng nói chắc như đinh đóng cột: “Em cho số điện thoại, nếu xài không như ý, anh cứ gọi cho em, sẽ có người mang lên đổi cho anh chiếc khác”.

“Thế còn vận chuyển lên Sài Gòn thì sao?”, tôi hỏi. Dũng trả lời chắc nịch: “Một chiếc 150.000đ tiền xe; 10.000đ tiền bốc vác. Nhưng anh phải ra Xa cảng miền Tây lấy xe”. Tôi lấn thêm bước nữa: “Cho mình xin số điện thoại nhà xe được không?”. Dũng rất cảnh giác: “Không được. Nếu anh muốn gửi, cứ để lại số điện thoại, sáng mai, tầm 9g, khắc có người gọi cho anh ra lấy xe. Đảm bảo nguyên đai nguyên kiện, không trầy xước. Nếu bị bắt, nhà xe sẽ đền tiền cho anh. Mà anh cứ yên tâm đi, em đã gửi hàng trăm chiếc rồi, có lần nào bị bắt đâu”.

Trước nay, nhiều người vẫn cứ đinh ninh rằng: ở chợ trời biên giới chỉ toàn bán đồ xịn, nên rất yên tâm mỗi khi mua hàng tại đây. Nhưng rất ít người biết được rằng, tại chợ nổi gò Tà Mâu này, trong số hàng trăm bao đường cát mang nhãn hiệu Thái Lan lại lẫn vô số đường cát Việt Nam.

Đơn giản vì đường cát của ta rẻ hơn đường Thái, mà tâm lý dân ta thích xài đồ ngoại. Nắm được yếu tố đó nên một số kẻ đã mua đường do ta sản xuất, đóng vào bao của Thái, chở ngược sang bên Campuchia, bán bằng giá đường của Thái.

Người viết bài này đã không ít lần chứng kiến những chiếc ghe chất đầy ti vi cũ được chở ngược từ Việt Nam sang Campuchia. Lúc đầu cứ nghĩ họ mang sang đổi, nhưng tìm hiểu mới biết mình nhầm. Đó chính là những chiếc ti vi đã bị cháy màn hình, được các ông thợ sửa chữa điện tử mua lại với giá rẻ như bèo. Vì mua đồ cũ bên gò Tà Mâu không được thử nên khi mua về chỉ sử dụng được dăm bữa là hư.

Cách đây khoảng 6 tháng, cũng ở gò Tà Mâu này, tại một gian hàng bán xe đạp cũ của Nhật, tôi gặp một người đang loay hoay mua xe đạp. Sau một lúc nhìn ngắm, anh nhất trí mua chiếc xe với giá 650.000đ. Bà chủ ngoài 60 tuổi, người ú mập, nói tiếng Việt leo lẻo: cửa hàng tui mới mở nên bán rẻ để làm quen. Thêm 15.000đ cho cửu vạn mới đưa được xe về Châu Đốc. Khi lật ngược chiếc xe để kiểm tra, anh mới thấy hai chữ LI PHAN (một nhãn hiệu xe của Trung Quốc) phía dưới khung xe. Lúc này có muốn đổi cũng không được.
 
Thế mới thấy thấm thía câu nói: Mua nhầm chứ bán không nhầm.

Đăng Bảy

Bài 3: Mánh khóe của bọn buôn lậu

Thông tin liên quan

 Bài 1: Cuộc rượt  đuổi trên sông

Tin cùng chuyên mục