Huyền thoại Ford (*)

Bài 2: Thống trị kỷ nguyên mới

Cuộc cách mạng tiền lương
Bài 2: Thống trị kỷ nguyên mới

Như các nhà viết sử trong ngành công nghiệp sản xuất xe hơi nhìn nhận, Henry Ford không phải là người phát minh ra xe hơi, động cơ đốt trong, cũng không sáng tạo ra dây chuyền lắp ráp. Ông chỉ sắp xếp và phân bố lại những thứ đó cho hợp lý để rồi thống trị cả một kỷ nguyên mới.

Cuộc cách mạng tiền lương

Bài 2: Thống trị kỷ nguyên mới ảnh 1
Henry Ford trên bìa tạp chí Time

Henry Ford sinh năm 1863 ở Dearborn (Michigan). Sinh ra và lớn lên trong trang trại của bố mẹ nhưng Henry Ford lại có năng khiếu đặc biệt về máy móc. Năm 7 tuổi, cậu đã có thể tháo tung những chiếc đồng hồ đeo tay thành từng bộ phận khiến mọi người trong nhà phải giấu biệt nếu không muốn nó nhanh chóng trở thành… phế liệu.

Một lần theo bố đến Detroit, lần đầu tiên thấy chiếc đầu máy xe lửa, khiến niềm đam mê của cậu dâng trào. Năm 16 tuổi, Ford đến Detroit học nghề cơ khí và với khả năng thiên phú, chỉ sau vài năm Ford đã là kỹ sư trưởng của Trung tâm điện lực Detroit.

Năm 24 tuổi, ông kết hôn với Clara Bryant, một người vợ đảm đang, luôn tin vào ý tưởng thiết kế chiếc xe không cần ngựa kéo của chồng. Ông bị ám ảnh đến mức hàng xóm đặt biệt danh “Ford điên rồ” nhưng ngày 4-6-1896, Ford “điên” đã làm ra chiếc xe hơi của riêng mình.

Cuối năm đó, trong lần họp mặt các nhân viên toàn quốc của Công ty Edison, chính Thomas Edison đã nói với Ford: “Này chàng trai, ý tưởng của cậu tuyệt vời đấy. Hãy cố gắng phát triển nhé”. Trở về Detroit, Ford chứng minh rằng ý tưởng của mình không viển vông khi những bản thiết kế của ông bán được 200USD.

Ford quyết định dấn thân vào ngành sản xuất xe hơi non trẻ (năm 1899, 30 nhà sản xuất xe hơi chỉ cho xuất xưởng khoảng 2.500 chiếc/năm) khi đầu quân về Công ty xe hơi Detroit nhưng công ty này sau đó thua lỗ nặng.

Khi cùng 10 cổ đông khác thành lập Ford Motor vào năm 1903, ông nhanh chóng nhận ra việc lắp ráp thủ công khiến giá thành tăng cao trong khi ông muốn mẫu xe Model T phải trở thành chiếc xe của đại chúng.

Hành động tiên phong của Ford là tổ chức lại hệ thống vận hành và lắp ráp. Ông nhận xét: “Mọi chiếc đinh ghim đều giống nhau khi được sản xuất từ nhà máy làm đinh ghim”. Ông luôn chứng minh mình là một người thông minh nhưng nóng tính, bướng bỉnh một cách lập dị. Sau thành công vang dội của chiếc Model T vào năm 1908, Ford có nguồn tài chính ổn định để tiến hành hàng loạt các cuộc cách tân và thử nghiệm nhiều mô hình tự động suốt 17 năm sau đó.

Tuy nhiên việc làm của Ford cũng bị chỉ trích nặng nề. Dư luận cho rằng, các dây chuyền tự động hóa tạo ra những người máy vô hồn. Nhưng Ford lại cho rằng những người có chuyên môn, kỹ năng cao sẽ được chọn để lập kế hoạch, quản lý, chế tạo và chính điều đó đem lại lợi ích hơn. Tuy nhiên, công nhân không mấy hứng thú với công việc khi lương của họ chỉ là 2,38USD cho một ngày làm việc 9 tiếng.

Mặc dù Ford đã đề ra nhiều chế độ thưởng, chăm sóc y tế,… nhưng tình hình vẫn ì ạch. Và Ford đã làm cuộc cách mạng về lương làm chấn động nước Mỹ khi trả cho công nhân 5USD/ngày làm việc 8 tiếng, chưa tính đến việc sẻ chia lợi nhuận. Ông được tung hô là người bạn của giai cấp lao động nhưng không ít người cho rằng đây là sự điên rồ, phá hoại công ty, nhất là các cổ đông của Ford.

Còn mãi một huyền thoại

Với Ford mọi việc đơn giản hơn. Ông hiểu rằng, việc thỏa mãn các điều kiện về lương, lao động cho công nhân sẽ giúp họ tận tâm và năng suất sẽ tăng. Những con số lợi nhuận tăng cao đã chứng minh điều ông làm là đúng.

Từ năm 1914 đến 1916, lợi nhuận của Ford Motor đã tăng gấp đôi, từ 30 triệu USD lên 60 triệu USD. Sự “giàu có” của công nhân đã trở thành điều kỳ diệu đối với Ford. Họ trở thành khách hàng mua xe hơi do chính mình sản xuất và đồng lương đó lại chảy ngược về Ford.

Năm 1916, Ford đã khiến các cổ đông nổi giận khi tuyên bố mức chia cổ tức thấp mặc cho lợi nhuận đạt con số kỷ lục. Ford bị kiện ra tòa và năm 1919, tòa án tối cao bang Michigan tuyên bố Ford thua kiện, buộc Ford Motor phải thanh toán 19 triệu USD cho các cổ đông. Ông tức giận tuyên bố sẽ bỏ   ra thành lập công ty khác.

Lo sợ giá cổ phiếu của Ford giảm, nhiều cổ đông bán đổ bán tháo cổ phiếu vào tay… các đại lý bí mật của Ford. Nhờ đó, Ford hoàn toàn kiểm soát công ty.

Năm 1924, khi chiếc Model T thứ 10 triệu được xuất xưởng, cũng là năm ngành xe hơi Mỹ chuyển mình với nhiều kiểu xe tiện ích, nhỏ gọn hơn. Tuy nhiên, Ford vẫn bướng bỉnh, cứng nhắc không chịu thay đổi.

Một lần, các nhân viên chế tạo chiếc Model T cải tiến có nhiều tính năng ưu việt với hy vọng sẽ làm ông chủ hài lòng nhưng Ford đập nát chiếc xe trước sự ngỡ ngàng, thất vọng của mọi người. Nghiêm trọng hơn, Ford xung đột gay gắt với con trai mình - Edsel Ford - chủ tịch công ty trong suốt nhiều năm cũng vì vấn đề này. Cuối cùng, do không chịu cải cách theo thị hiếu thị trường, chiếc Model T phải cáo chung.

Ngày 25-5-1927, Ford tuyên bố chấm dứt sản xuất xe Model T và đóng cửa Nhà máy Highland Park vì không còn mẫu mới nào để sản xuất. Nhưng may mắn thay, tuy bất đồng sâu sắc với cha nhưng Edsel Ford vẫn bí mật tập hợp các bản vẽ thiết kế của các kỹ sư trẻ và sau đó, tháng 12-1927, mẫu thiết kế mới Model A đã ra đời tại nhà máy chính ở River Rouge, chính thức chấm dứt sự thống trị gần 20 năm của Model T.

Henry Ford qua đời ngày 7-4-1947 ở tuổi 83, tức là “kết thúc” sau chiếc Model T của mình đúng 20 năm nhưng cho đến tận ngày nay, bóng dáng của ông vẫn còn đâu đó trong ngành công nghiệp xe hơi hiện đại.

(*) Theo Forbes-Những câu chuyện thành công nổi tiếng nhất mọi thời đại do First News phát hành

Nguyên Quốc

Bài 1: Bình dân hóa xe hơi

Tin cùng chuyên mục